Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

K trực tràng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ánh Vũ

21/02/2025
Kích thước chữ

K trực tràng thấp là một trong những bệnh lý tiêu hóa thường gặp, có nguy cơ di căn cao và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Việc hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp người mắc nhận biết các triệu chứng, nắm bắt phương pháp điều trị cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ung thư trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị K trực tràng thấp nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Tổng quan về K trực tràng thấp

K trực tràng thấp là một dạng ung thư trực tràng xuất hiện ở phần thấp của trực tràng, gần hậu môn. Đây là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến ở đường tiêu hóa, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Mặc dù nguyên nhân chính xác của K trực tràng thấp chưa được xác định hoàn toàn nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:

  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân bị ung thư đại trực tràng, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tuổi tác: Người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc K trực tràng thấp cao hơn.
  • Lối sống thiếu lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động có thể góp phần gây ra bệnh.
  • Bệnh lý nền: Viêm loét đại tràng, polyp đại trực tràng hoặc hội chứng ruột kích thích có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
K trực tràng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc K trực tràng thấp cao hơn

Triệu chứng của K trực tràng thấp

Các triệu chứng của bệnh ung thư này có thể khác nhau tùy theo giai đoạn bệnh. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
  • Xuất hiện máu trong phân: Máu đỏ tươi hoặc máu lẫn trong phân có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng.
  • Thay đổi thói quen đi đại tiện: Cảm giác muốn đi ngoài liên tục nhưng không đi hết phân.
  • Đau bụng và đầy hơi: Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, đau bụng dưới thường xuyên.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Nếu bị sút cân nhanh chóng mà không thay đổi chế độ ăn uống hay tập luyện, bạn nên đi khám ngay.
  • Cảm giác mệt mỏi kéo dài: Cơ thể suy nhược, mất năng lượng là dấu hiệu có thể liên quan đến ung thư.
K trực tràng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Xuất hiện máu lẫn trong phân có thể là dấu hiệu cảnh báo K trực tràng thấp

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Để xác định chính xác K trực tràng thấp, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán như:

  • Nội soi đại trực tràng: Giúp kiểm tra bên trong trực tràng và lấy mẫu mô sinh thiết nếu cần.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra dấu ấn ung thư như CEA.
  • Chụp CT scan hoặc MRI: Đánh giá mức độ lan rộng của khối u.
  • Siêu âm ổ bụng: Xác định vị trí và mức độ xâm lấn của khối u.

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư trực tràng là phương pháp giúp loại bỏ khối u, các mô xung quanh và một số hạch bạch huyết lân cận. Đây là một trong những biện pháp điều trị phổ biến, mang lại hiệu quả cao nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Đối với những trường hợp ung thư trực tràng ở vị trí cao hoặc trung gian, việc cắt bỏ khối u đồng thời giữ lại cơ thắt hậu môn thường không quá phức tạp. Tuy nhiên, ung thư trực tràng thấp lại là một thách thức lớn đối với đội ngũ y bác sĩ khi quyết định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Các phương thức phẫu thuật thường được áp dụng hiện nay như:

  • Cắt bỏ khối u: Phương pháp này được áp dụng nếu khối u còn nhỏ và chưa lan rộng.
  • Phẫu thuật nội soi: Giúp loại bỏ phần trực tràng bị tổn thương bằng phương pháp ít xâm lấn hơn.
  • Cắt bỏ trực tràng toàn phần: Nếu khối u phát triển lớn, bác sĩ có thể đề xuất loại bỏ toàn bộ trực tràng.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư, thường được áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật để giảm kích thước khối u và tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này thường được áp dụng nhằm hỗ trợ quá trình phẫu thuật. Xạ trị có thể thực hiện trước, sau phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai. Việc xạ trị trước phẫu thuật giúp làm chậm sự phát triển của khối u, đồng thời tăng khả năng loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư. Trong khi đó, xạ trị sau phẫu thuật kết hợp với hóa trị có tác dụng giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và nâng cao hiệu quả điều trị.

K trực tràng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Xạ trị giúp hỗ trợ quá trình phẫu thuật ung thư trực tràng thấp

Hóa trị

Hóa trị là biện pháp sử dụng thuốc hóa học để tiêu diệt và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể thông qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, liều lượng và phác đồ điều trị phù hợp. Trong điều trị ung thư trực tràng thấp, hóa trị đóng vai trò quan trọng và thường được kết hợp với xạ trị để đạt hiệu quả tối ưu.

Ung thư trực tràng thấp có thể chữa khỏi không?

Ung thư trực tràng thấp là một trong những bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển không ngừng của y học, căn bệnh này vẫn có thể được điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Khi ung thư trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, lúc các tế bào ung thư còn khu trú tại lớp niêm mạc, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp nội soi để loại bỏ hoàn toàn khối u mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc trực tràng. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không cần phải trải qua hóa trị hay xạ trị.

Ngược lại, nếu ung thư tiến triển đến giai đoạn muộn và đã lan sang các cơ quan khác, việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Khi đó, mục tiêu chính của phác đồ điều trị không còn là chữa khỏi bệnh mà tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Ngoài ra, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, K trực tràng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc nghẽn đường ruột, gây đau bụng, rối loạn nhu động ruột, buồn nôn, nôn ói...
  • Thiếu máu do chảy máu trong đường tiêu hóa.
  • Nguy cơ tái phát ung thư tại vị trí ban đầu.
  • Di căn đến các cơ quan khác hoặc hệ thống hạch bạch huyết xa.
K trực tràng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Ung thư trực tràng thấp là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao

Phòng ngừa ung thư trực tràng thấp

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư trực tràng thấp nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thịt đỏ.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cải thiện hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ ung thư.
  • Hạn chế rượu bia và không hút thuốc: Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu có tiền sử gia đình bị ung thư, bạn nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm.

K trực tràng thấp là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Việc nhận biết các triệu chứng, thực hiện chẩn đoán kịp thời và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp tăng cơ hội hồi phục. Đồng thời, thay đổi lối sống lành mạnh và duy trì chế độ ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến K trực tràng thấp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về phòng chữa bệnh nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin