Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Mổ nang niệu rốn ở trẻ: Khi nào cần thực hiện và tại sao?

Thị Ánh

12/02/2025
Kích thước chữ

Trẻ em mắc các bệnh lý do tồn tại ống niệu rốn thường là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm nhiễm, tổn thương phát triển thành ác tính nếu không được điều trị từ sớm. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ - một trong những phương pháp phổ biến được chỉ định trong trường hợp trẻ mắc phải căn bệnh nang niệu rốn.

Vậy mổ nang niệu rốn ở trẻ là gì? Nếu bạn cũng đang có chung mối quan tâm về phương pháp điều trị bệnh lý nang niệu rốn ở trẻ thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé. Trước khi tìm hiểu về phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ em, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về căn bệnh nang niệu rốn ở trẻ bạn nhé.

Tổng quan về căn bệnh nang niệu rốn ở trẻ

Nang niệu rốn là một loại dị tật liên quan đến sự không đóng kín của ống niệu rốn sau khi sinh. Khi ống niệu rốn không thoái triển hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng bít tắc ở cả hai đầu của ống khiến dịch từ bàng quang hoặc từ các mô niệu rốn bị ứ đọng lại trong đoạn giữa của ống tạo thành một nang. Nang này có thể chứa dịch nhầy hoặc dịch trong suốt.

Theo thống kê, nang niệu rốn chiếm khoảng 30% các trường hợp bệnh lý liên quan đến ống niệu rốn không đóng kín. Hầu hết các nang niệu rốn không có biểu hiện cơ năng rõ ràng, hay nói cách khác trẻ thường không có triệu chứng đau đớn hay khó chịu nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi sờ nắn vùng bụng có thể cảm nhận được một khối u mềm, căng, dạng nang nằm ngay dưới rốn. Khối u này có thể thay đổi kích thước khi dịch trong nang thay đổi.
Trong nhiều trường hợp, thăm khám thông thường không thể phân biệt nang niệu rốn với một nang ruột dưới rốn vì chúng có hình dạng tương tự nhau. Để xác định chính xác, có thể cần phải sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI.

Những thông tin cơ bản về phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ 1
Nang niệu rốn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ

Nang niệu rốn ở trẻ có nguy hiểm không?

Nang niệu rốn là một tình trạng thường gặp ở trẻ em song nếu không được xử lý đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Nhiễm trùng rốn: Nang niệu rốn có thể dễ dàng bị nhiễm trùng, đặc biệt nếu có vi khuẩn xâm nhập vào qua đường rốn hoặc niệu đạo.
  • Viêm: Viêm có thể xảy ra do sự tích tụ của dịch hoặc các chất trong nang, gây ra tình trạng sưng, đau và đỏ ở vùng rốn.
  • Hình thành u: Nếu nang niệu rốn không được điều trị có thể dẫn đến sự hình thành u hoặc làm tổn thương mô xung quanh.

Việc điều trị nang niệu rốn thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ nang. Quyết định phẫu thuật phụ thuộc vào các yếu tố như kích thước, vị trí của nang, triệu chứng của trẻ và nguy cơ biến chứng. Nếu nang không gây triệu chứng hoặc không có nguy cơ lớn, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi thường xuyên mà không cần phẫu thuật. Do đó, nếu phát hiện nang niệu rốn, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi tình trạng của trẻ.

Những thông tin cơ bản về phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ 2
Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu nghi ngờ trẻ mắc nang niệu rốn

Khi nào thực hiện mổ nang niệu rốn ở trẻ?

Như đã trình bày phía trên, việc phẫu thuật điều trị nang niệu rốn và các bệnh lý khác liên quan đến sự tồn tại của ống niệu rốn cần phải được thực hiện sớm. Việc điều trị sớm khi trẻ còn nhỏ không chỉ đơn giản hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn mà còn hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

Tuy nhiên, nang niệu rốn không phải là bệnh cần mổ cấp cấp, chính vì thế, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh. Nếu trẻ sơ sinh quá yếu, hoặc đang mắc bệnh lý cấp tính khác, việc mổ nang niệu rốn ở trẻ có thể trì hoãn. Việc trì hoãn mổ nang niệu rốn ở trẻ trong một khoảng thời gian ngắn không làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. 

Tuy nhiên, việc trì hoãn không nên kéo dài quá lâu vì có thể dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm hoặc biến chứng. Trong thời gian trì hoãn, phụ huynh cần chăm sóc và vệ sinh rốn cho trẻ sạch sẽ để ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt khi rốn bị rò nước tiểu.

Những thông tin cơ bản về phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ 3
Khi nào thực hiện mổ nang niệu rốn ở trẻ?

Quy trình mổ nang niệu rốn ở trẻ

Mổ nang niệu rốn là phương pháp phẫu thuật phổ biến và hiệu quả hiện nay để điều trị các bệnh lý liên quan đến sự tồn tại của ống niệu rốn, đặc biệt là nang niệu rốn. Việc mổ nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh là một can thiệp quan trọng và hiệu quả nếu được thực hiện đúng thời điểm và chăm sóc kỹ lưỡng sau mổ. Vậy quy trình mổ nang niệu rốn ở trẻ diễn ra như thế nào?

Về cơ bản, quy trình mổ nang niệu rốn ở trẻ thường được thực hiện theo các bước sau:

Trước phẫu thuật: Trước mổ nang niệu rốn, nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn hoặc vùng quanh rốn, trẻ cần được điều trị kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật.

Chuẩn bị gây mê: Phẫu thuật sẽ được thực hiện dưới sự gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn và sự thoải mái cho trẻ.

Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch da theo đường vòng cung dưới rốn, nơi có thể dễ dàng tiếp cận ống niệu rốn. Sau khi rạch da, bác sĩ sẽ bóc tách các tổ chức xung quanh để lộ ra ống niệu rốn và cắt bỏ các thương tổn của ống niệu rốn (ví dụ như nang niệu rốn hoặc các tổn thương khác). Sau khi cắt bỏ các tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại đáy bàng quang để khôi phục lại cấu trúc bình thường. Sau khi hoàn thành, bác sĩ sẽ kiểm tra cầm máu và tiến hành đóng vết mổ, rồi băng vết mổ để tránh nhiễm trùng.

Sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật, trẻ sẽ tiếp tục được điều trị kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Về chăm sóc vết mổ, băng vết mổ cần được thay hàng ngày để giữ sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng. Trẻ sẽ được theo dõi trong 1 - 3 ngày tại bệnh viện để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu tại vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột sau phẫu thuật, rỉ nước tiểu từ rốn…

Những thông tin cơ bản về phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ 4
Trẻ cần điều trị kháng sinh sau mổ nang niệu rốn để ngăn ngừa nhiễm trùng

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh nang niệu rốn và phương pháp mổ nang niệu rốn ở trẻ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, những chia sẻ hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh nang niệu rốn và phương pháp điều trị căn bệnh này. Cảm ơn quý độc giả đã luôn dành thời gian đón đọc các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin