Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tiêu hóa/
  4. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Thu Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng đảm nhiệm vị trí Phó khoa Kiểm soát bệnh tật tại Trung tâm Y tế Quận 1 và sau đó là chuyên viên tại Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận. Với hai bằng đại học Y khoa và Dược sĩ, bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và am hiểu sâu về y học và dược phẩm.

Xem thêm thông tin

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD - Gastroesophageal Reflux Disease) xảy ra khi axit dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản (đoạn nối giữa miệng và dạ dày). Tình trạng bệnh lý này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính đặc trưng bởi sự trào ngược các chất trong dạ dày vào thực quản. Đây là một trong những rối loạn tiêu hóa được chẩn đoán phổ biến nhất ở Mỹ với tỷ lệ mắc bệnh là 20%, dẫn đến gánh nặng kinh tế đáng kể về chi phí và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản được gây ra bởi nhiều cơ chế khác nhau có thể là nội tại, cấu trúc hoặc cả hai, dẫn đến thực quản tiếp xúc với chất axit trong dạ dày. Trên lâm sàng, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản thường biểu hiện với các triệu chứng ợ nóng và ợ trớ. Bệnh cũng có thể biểu hiện bằng các triệu chứng không điển hình như đau ngực, mòn răng, ho mạn tính, viêm thanh quản hoặc hen suyễn.

Dựa trên hình ảnh nội soi và mô bệnh học, bệnh trào ngược dạ dày thực quản được phân thành ba kiểu hình khác nhau: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không kèm viêm thực quản (NERD – Non-erosive reflux disease), viêm trào ngược dạ dày thực quản (Erosive esophagitis) và thực quản Barrett. NERD là kiểu hình phổ biến nhất gặp ở 60 – 70% người bệnh, sau đó là viêm trào ngược dạ dày thực quản và thực quản Barrett lần lượt gặp ở 30% và 6 – 12% người bệnh GERD.

Triệu chứng hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát sau xương ức (ợ nóng), thường là sau khi ăn, có thể nặng hơn vào ban đêm hoặc khi nằm;
  • Ợ trớ thức ăn hoặc chất lỏng chua;
  • Đau bụng trên hoặc đau ngực;
  • Khó nuốt;
  • Cảm giác có khối u trong cổ họng.

Nếu bạn bị trào ngược axit vào ban đêm, bạn có thể gặp phải:

  • Ho liên tục;
  • Viêm thanh quản;
  • Bệnh hen suyễn mới xuất hiện hoặc làm nặng hơn bệnh đã có.
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và phòng ngừa hội chứng trào ngược dạ dày thực quản 4.png
Ợ trớ và ợ nóng là những triệu chứng thường gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị đau ngực, đặc biệt nếu kèm theo khó thở, đau lan đến hàm hoặc cánh tay. Đây có thể là dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn:

  • Xuất hiện các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, và các triệu chứng này trở nên trầm trọng hoặc thường xuyên.
  • Dùng thuốc tự mua để điều trị triệu chứng ợ nóng hơn hai lần một tuần.

Nguyên nhân hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Hiện tại, không có nguyên nhân nào giải thích được sự hình thành của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong những năm qua, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định và có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của GERD. Các bất thường về vận động như giảm chức năng thải trừ của thực quản, giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới, dãn cơ vòng thực quản dưới thoáng qua và chậm làm trống dạ dày đều được đưa vào nguyên nhân gây ra GERD.

Các yếu tố giải phẫu như thoát vị hoành hoặc tăng áp lực trong ổ bụng, như gặp ở bệnh béo phì, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc GERD. Một số yếu tố nguy cơ khác có liên quan độc lập với sự hình thành các triệu chứng GERD bao gồm tuổi ≥ 50, tình trạng kinh tế xã hội thấp, sử dụng thuốc lá, uống quá nhiều đồ uống có cồn, rối loạn mô liên kết, mang thai, nằm ngay sau bữa ăn và sử dụng một số nhóm thuốc như thuốc kháng cholinergic, thuốc benzodiazepin, NSAID hoặc aspirin, nitroglycerin, albuterol, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm và glucagon.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)