Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Thần kinh - Tinh thần/
  4. Tê chân

Tê chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩNguyễn Lê Băng Giang

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền. Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, bác sĩ luôn giúp đỡ người bệnh, mang những kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với mọi người, góp phần nâng cao hiểu biết về sức khỏe cho cộng đồng.

Xem thêm thông tin

Tê chân là hiện tượng chân không có cảm giác hoặc ít cảm giác, có thể xảy ra sau chấn thương ở cột sống hoặc do các bệnh mãn tính nghiêm trọng. Cảm giác tê buốt ở trường hợp này thường kéo dài, có xu hướng phát triển theo thời gian và cần điều trị y tế sớm để tránh rủi ro. Nhiều trường hợp chỉ tạm thời hoặc kéo dài trong thời gian ngắn do khí huyết kém lưu thông và có thể tự thuyên giảm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung tê chân

Biểu hiện tê chân là giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân hoặc toàn bộ chân. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cử động của chân, khả năng giữ thăng bằng và xúc giác của người bệnh. Người bệnh có thể không cảm nhận được vị trí của bàn chân khi chạm đất.

Triệu chứng tê chân

Những dấu hiệu và triệu chứng của tê chân

Ngứa ran và cảm giác châm chích ở bàn chân;

Có cảm giác như điện giật hay kim châm;

Yếu chân, khó đi lại và vận động;

Một số trường hợp nặng, cảm giác tê buốt có thể lan sang những bộ phận khác của cơ thể, thường gặp như bàn chân, ngón chân, cẳng chân.

Tác động của tê chân đối với sức khỏe

Tê chân tuy không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng người bệnh cảm thấy khó chịu và bứt rứt, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý. Nhất là khi chân hoạt động không hiệu quả và mất đi cảm giác thông thường. Ngoài ra tê chân có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương dây thần kinh do các bệnh lý nguy hiểm.

Biến chứng có thể gặp khi tê chân

Thông thường, việc không điều trị tê chân có thể gây ra những biến chứng như: Yếu cơ, teo cơ, mất khả năng vận động, rối loạn cảm giác không phục hồi, mất chức năng ruột và bàng quang, bại liệt...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu tê chân có những tính chất sau đây bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe:

  • Tê chân kéo dài trên 7 ngày;
  • Tê đột ngột không rõ nguyên nhân;
  • Tê kèm đau nhức, yếu chân, khó vận động và nhiều biểu hiện bất thường khác;
  • Mức độ tê chân tăng dần theo thời gian hoặc cảm giác tê yếu lan rộng đến nhiều bộ phận khác;
  • Khó đi lại và vận động;
  • Rối loạn cảm giác ở thắt lưng dưới và hai chân;
  • Tê chân sau một chấn thương mạnh.

Nguyên nhân tê chân

Nguyên nhân sinh lý: Thói quen sinh hoạt khiến mạch máu kém lưu thông (ví dụ mang vớ hoặc mặc quần quá chật), duy trì sai tư thế trong khi lao động, sinh hoạt (ví dụ ngồi chồm hổm, quỳ lâu, ngồi bắt chéo chân quá lâu...) hoặc trong khi ngủ.

Nguyên nhân bệnh lý: Bệnh lý mãn tính, bệnh về cột sống và dây thần kinh. Sau đây là một số bệnh có thể gây tê chân:

Chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh

Bệnh lý thần kinh bị chèn ép là tình trạng áp lực lên dây thần kinh ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi của nó. Ngoài tình trạng tê, bệnh lý thần kinh do chèn ép có thể khiến cơ yếu hoặc co giật.

  • Hội chứng cơ hình lê: Đau ngứa ran, hoặc tê ở vùng mông; tê và yếu nặng dần, lan xuống phía sau đùi, bắp chân và bàn chân, đau tăng khi ngồi lâu.
  • Đau dây thần kinh tọa: Nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa, trong đó thường gặp bệnh lý như Thoái hóa cột sống - Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay Hẹp ống sống có chèn ép thần kinh tọa, không chỉ gặp triệu chứng đau nhức lưng, mà cơn đau còn lan xuống mông, chân, kèm theo cảm giác tê ngứa. Các triệu chứng xuất hiện tùy vị trí do các dây thần kinh bị ảnh hưởng chi phối.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Trong bệnh lý thần kinh ngoại biên, các đầu dây thần kinh ở tay và chân đều bị ảnh hưởng. Với tình trạng này, có thể có hoặc không có cảm giác đau và cảm giác tê thường xuyên, thường gặp trong bệnh Đái tháo đường
  • U thần kinh Morton: U dây thần kinh giữa cổ chân gây chèn ép thần kinh gây đau nhức kèm tê ngứa bán chân, các ngón chân, thường gặp ngón thứ ba, ngón thứ tư bàn chân.

Bệnh lý mạn tính, bệnh tự miễn

  • Đa xơ cứng: Những người bị đau cơ xơ hóa bị đau dai dẳng, thường xuyên ở nhiều vùng khắp cơ thể, cũng như mệt mỏi, đau đầu, các vấn đề về đường ruột, trầm cảm, khó ngủ và các triệu chứng tổng quát khác.
  • Hội chứng Guillain Barre: Triệu chứng điển hình đầu tiên là tình trạng viêm đa dây thần kinh cấp tính và tiến triển nhanh gây ra mất cảm giác và yếu cơ. Nguyên nhân do bệnh lý tự miễn gây tổn thương rễ thần kinh hủy myelin. Tê ngứa hay mất cảm giác trên vùng ngón tay, ngón chân hoặc cả hai.
  • Bệnh Charcot- Marie- Tooth: Bệnh rối loạn dây thần kinh ngoại vi do di truyền gây dị tật chân như ngón chân quắp và vòm cao, cơ yếu và mất cân bằng có thể làm cho đi bộ khó khăn, giảm khả năng chạy, xuất hiện các điểm yếu ở chân, thường xuyên vấp ngã, giảm cảm giác nóng, lạnh, chạm nhẹ, tê tay chân.
  • Xơ vữa động mạch gây thiếu máu.
  • Suy giáp.
  • Đột quỵ.

Bệnh truyền nhiễm

  • Bệnh giang mai.
  • Bệnh Lyme.
  • Nhiễm trùng Herpes.

Các nguyên nhân khác

  • Chấn thương.
  • Thiếu vitamin B12.
  • Rối loạn nồng độ canxi, kali hoặc natri trong máu.
  • Sử dụng rượu quá mức.
  • Động vật hoặc côn trùng cắn.
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)