Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cà dại hoa tím

Cà dại hoa tím: Loài cây dại có tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cà dại hoa tím là loài cây mọc hoang, theo dân gian và y học cổ truyền người ta nhận thấy loài cây dại này có tác dụng tán ứ tiêu thũng, giảm đau tiêu viêm. Nhờ những công dụng đó, mà Cà dại hoa tím được sử dụng để chữa bệnh sưng amidan, đau răng, đau bụng, đau dạ dày…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Cà dại hoa tím.

Tên khác: Cà gai hoa tím; Cà ấn; cây Plờn plên; Cà hoang; dân tộc Tày gọi là Mác rịa phạ đeng.

Tên khoa học: Solanum indicum L., họ Solanaceae (Cà).

Đặc điểm tự nhiên

Cà dại hoa tím là cây mọc hoang, cao tầm 0,6 - 1,3m, cây nhỏ các cành mọc đứng, thân và cành có lông hình sao, trên thân lá và cành còn có gai nhọn. Lá cà hoa tím mọc theo kiểu so le, mặt trên lá có màu xanh sẫm hơn so với mặt dưới, lá phủ nhiều lông. Phiến lá chia thùy, mỗi lá chia khoảng 3 - 4 thùy, thùy không cắt sâu, lá dài 5 - 7cm, rộng 2,5 - 5cm, cuống dài 1,5 - 3cm phủ lông, gai có ở cả 2 mặt của lá, đôi khi nằm rải rác ở gân lá.

Hoa của cà hoa tím có màu tím, nhị vàng, có phủ lông bên ngoài hoa, hoa mọc thành từng chùm ở kẽ lá. Quả có hình tròn nhẵn, lúc non màu xanh khi chín màu vàng hay đỏ nhạt, đường kính quả khoảng 1cm. Hạt hình dĩa, có màu vàng, đường kính 2mm. Mùa nở hoa và quả của ca hoa tím vào tháng 1 đến tháng 6 hàng năm.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cà dại hoa tím mọc hoang ở khắp nơi, những nơi như ven đường hoặc bãi đất trống đều dễ dàng tìm thấy.

Cây được thu hoạch quanh năm, người ta đào rễ rửa sạch sau đó cắt mỏng đem phơi hoặc sấy khô để sử dụng. Ngoài ra, ở Ấn độ, Malaysia người ta còn dùng quả chưa chín hẳn để làm bột cary.

Cà dại hoa tím
Hoa và trái cây Cà dại hoa tím

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của Cà hoa tím là rễ và toàn thân.

dược liệu cà dại hoa tím
Cà dại hoa tím

Thành phần hoá học

Quả chứa: Solasonin, diosgenin.

Alcaloid toàn phần khoảng 0,2 - 1,8%.

Dầu béo chiếm 10,1% bao gồm các acid béo.

Lá Cà dại hoa tím chứa diosgenin và solanin.

Rễ có solanin.

Cà dại hoa tím trị bệnh
Quả của Cà dại hoa tím chứa solasonin, diosgenin

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Trong dân gian và y học cổ truyền rễ Cà dại hoa tím được dùng làm thuốc chữa ho, hen, sốt, lợi tiểu, chống nôn và có tác dụng thanh tẩy nhẹ.

Liều dùng trong y học cổ truyền ngày uống từ 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc.

Chữa đau răng, sâu răng: Hạt Cà dại hoa tím được rang cháy đến khi lên khói, dùng khói này hứng vào miệng; than hoạt còn lại thì giã nhỏ chà xát lên nướu nơi răng đau.

Rễ được giã nhỏ và dùng điều trị loét mũi, quả được coi là độc có tác dụng nhuận tràng và làm dễ tiêu.

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống viêm

Thử nghiệm thực nghiệm gây phù chân chuột cống trắng bằng kaolin, gây u hạt bằng amiăng.

Tiến hành khảo sát và đã chứng minh rằng rễ và phần trên mặt đất của Cà dại hoa tím có tác dụng chống viêm đối với cả giai đoạn viêm cấp tính và viêm mạn tính của phản ứng viêm.

Các nghiên cứu so sánh hoạt tính chống viêm của cây với những thuốc chống viêm tiêu chuẩn, hoạt tính chống viêm của cây dược liệu phụ thuộc vào liều.

Ảnh hưởng trên huyết áp

Cao chiết từ toàn bộ cây Cà dại hoa tím đã được thử nghiệm về hoạt tính sinh học và chứng minh có sự ảnh hưởng đến huyết áp.

Ngoài ra, trong thử nghiệm nuôi cấy mô, Cà dại hoa tím còn có tác dụng trên ung thư biểu mô mũi - hầu ở người và trên bạch cầu siêu vi khuẩn Friend ở chuột nhắt trắng.

Khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương

Quả Cà dại hoa tím được chiết xuất ra một loại enzyme có tác dụng thủy phân protein giống như trypsin của tuyến tụy ở người.

Lá và quả cây Cà dại hoa tím chiết xuất ra solanin có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương ở thỏ, gây tăng nhịp tim ở thỏ và chuột cống trắng, đối với nhịp thở thì gây nhịp nhanh hoặc nhịp thở chậm ở thỏ.

Các tác dụng khác

Ở ếch, chiết xuất từ Cà dại hoa tím làm tăng lực co cơ tim.

Ở chuột cống trắng có tác dụng làm tăng đường huyết.

Ở người, ức chế cholinesterase huyết tương.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, chiết xuất Cà dại hoa tím có thể gây độc hại đối với phôi ở chuột cống và chuột nhắt trắng.

Solanin chiết xuất từ cây Cà dại hoa tím có tác dụng ức chế sự phát triển của một số lớn các loài nấm. Cao cồn chiết ra từ quả Cà dại hoa tím có hoạt tính kháng khuẩn đối với Escherichia coli, tụ cầu vàng.

Ngoài ra một số hoạt tính dược lý khác của chi Solanum là chống co thắt và hạ cholesterol máu.

Trong các bài thuốc cổ truyền của Ấn Độ, Cà dại hoa tím là một trong các thành phần của bài thuốc có tác dụng bảo vệ chống tăng huyết áp và thiếu máu cục bộ, giảm lipid máu ở chuột cống trắng. Cà dại hoa tím và một số chất kháng, thảo mộc là bài thuốc gây ức chế sự sinh tổng hợp cholesterol ở gan và làm tăng thải trừ acid mật trong phân.

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc.

Liều dùng: Ngày uống 6 -12g.

Bài thuốc kinh nghiệm

Tẩy, chống nôn

Dùng rễ Cà dại hoa tím, sắc uống có tác dụng tẩy, chống nôn.

Liều dùng: 6 - 12g.

Đau răng

Dùng Cà dại hoa tím sắc đặc hoặc ngậm có tác dụng chữa đau răng.

Liều dùng: 6 - 12g.

Điều trị sỏi niệu

Trong điều trị sỏi niệu phối hợp Cà dại hoa tím cùng các dược liệu:

Phối hợp rễ các cây: Cà dại hoa tím, Cam thảo dây, Núc nác, Nhân táo chua, Hương lâu, Hoa ban, Cà trái vàng, toàn cây sam trắng, cỏ xước, rau má, quả gai chống và một số dược liệu khác.

Phối hợp rễ các cây: Cà hoa tím, Thóc lép, Núc nác, Bạch hoa xà, Hộc vĩ, Sâm rừng, Tiết dê, quả Gai chống, hạt Táo chua, Bạch hoa xà và một số dược liệu khác.

Thuốc trợ tim

Bài thuốc trợ tim Ấn Độ bao gồm:

Rễ các cây Cà dại hoa tím, thốc lép, toàn cây chó đẻ răng cưa, cam thảo, tép dò, cây xuyên bối mẫu, quả các cây gai chống và nho, thân rễ các cây gừng, địa liền và một số dược liệu khác.

Lưu ý

Dùng quá nhiều chiết suất đậm đặc từ cây Solanum indicum L. trong khoảng 2 tuần, trường hợp này ghi nhận tại Đài Loan. Các xét nghiệm lâm sàng bệnh nhân bị thiếu nước và nồng độ hormone chống bài niệu trong huyết thanh thấp so với bình thường - xác định chẩn đoán đái tháo đường. Như vậy, nghiên cứu trên cho thấy nếu dùng quá liều lượng Solanum indicum L. có khả năng gây nên bệnh đái tháo đường, do đó cần thận trọng đặc biệt những người có nguy cơ đái tháo đường cao.

Nguồn tham khảo