Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Hạt bí ngô

Bí ngô hạt: Loại hạt nhiều dưỡng chất có tác dụng trị bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Bí ngô hay còn gọi là Bí đỏ có tên khoa học là Cucurbita moschata Duch ex Poir. Bí ngô được trồng phổ biến trong nhân dân để lấy quả, hoa, ngọn và lá non làm rau ăn. Hạt Bí ngô có tính ấm, ăn vào có vị béo, bùi, dùng để trị giun sán.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Hạt Bí ngô.

Tên khác: Hạt Bí đỏ, Má ứ (Thái), Nam qua tử, Phặc đeng (Tày), Plắc ropual (K’ho), Nhấm (Dao).

Tên khoa học: Cucurbita moschata Duch ex Poir hoặc Cucurbita pepo L.var. moschata Lam. Đây là một loài thực vật thuộc họ Cucurbitaceae (Bầu bí).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thảo, sống một năm. Thân cây Bí ngô có lớp lông dày phía ngoài, gồm năm cành và đa phần tại những đốt thường có rễ. Lá có cuống dài với kích thước khoảng 8 – 20cm mọc so le. Phiến lá có dạng hình trứng, khá mềm mại, có nhiều lông phủ ngoài ở cả hai mặt lá, đôi khi ở mặt trên có những đốm trắng, đầu tròn hoặc hơi nhọn, chia thùy nông, về phía mép lá có răng cưa, tua cuốn phân nhánh.

Hoa có màu vàng, đơn tính cùng gốc. Hoa đực có các đặc điểm sau: Đế hoa ngắn; đài loe rộng có dạng thùy dải hoặc gần giống dạng lá, có 5 thùy rộng ở tràng hoa. Hoa cái có đặc điểm lá đài có dạng hình tròn hơi dài.

Quả Bí ngô khá to có cùi dày nhưng rỗng ở giữa với đa dạng hình thù khác nhau: Dạng tròn, hơi dẹt, có rãnh; dạng hình trứng có thể hơi dài, có khía rãnh. Vỏ bí ở ngoài nhăn, ở giữa vỏ bí màu vàng cam, có màu vàng trắng khi chín, vị ngọt hơi lợ, mùi thơm hấp dẫn khi nấu chín. Cuống quả ngay tại chỗ tiếp giáp với quả thì có rãnh, loe rộng dần. Hạt có màu trắng xám, tại mép vỏ thì mỏng hơn, màu cũng sẫm hơn. Mùa hoa: tháng 3 – 4; mùa quả: Tháng 5 – 6.

Phân bố, thu hái, chế biến

Chi Cucurbita L. có khoảng 25 loài, nguồn gốc ở châu Mỹ. Trong đó, có 5 loài là cây trồng.

Ở Việt Nam, các loài Bí ngô đều là các loài cây trồng quen thuộc khắp từ Bắc chí Nam. Cây được trồng gần như quanh năm, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, nhiệt độ từ 18 – 25oC. Hiện nay, cây Bí ngô không chỉ được trồng ở các vùng nhiệt đới mà còn mở rộng trồng tại các tỉnh vùng núi cao (Sa Pa – Lào Cai, Phố Bảng – Hà Giang) nhiệt độ từ 18 – 220C vào mùa vụ xuân hè ấm áp. Cây trồng ở vùng núi cao, người dân lấy làm rau ăn chỉ lấy ngọn hoặc lá non. Đối với cây Bí ngô được trồng ở vùng đồng bằng, ngoài lấy ngọn làm rau ăn còn lấy luôn cả quả.

Hạt bí ngô dễ nảy mầm nên có khả năng nhân giống cao.
Hạt bí ngô dễ nảy mầm nên có khả năng nhân giống cao

Trong dân gian, Bí ngô được trồng rộng rãi để lấy hoa, quả, ngọn và lá non để chế biến thức ăn còn quả chín và hạt được dùng làm thuốc. Bí ngô được trồng bằng hạt. Một quả bên trong chứa nhiều hạt. Hạt Bí ngô dễ nảy mầm nên tạo ra năng suất cây trồng cao. Ở các tỉnh miền núi, người ta chủ yếu gieo hạt từ tháng 2 – 3 do mùa đông quá lạnh. Còn đối với các tỉnh đồng bằng thì được chia ra làm hai đợt, vào tháng 10 – 11 sẽ gieo để trồng lấy quả, còn trồng lấy ngọn làm rau sẽ được gieo vào khoảng tháng 2 – 3.

Bộ phận sử dụng

Hạt được phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học

Hạt Bí ngô hàm lượng dầu cao (chiếm khoảng 32 - 39% khối lượng khô), là nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất dầu ăn có nguồn gốc thực vật.

Dầu hạt Bí đỏ có hàm lượng protein thô cao (khoảng 39,8% so với khối lượng khô). Đây là nguồn đạm rất tiềm năng về mặt dinh dưỡng do cơ thể người và động vật không tự tổng hợp được một số axit amin thiết yếu mà phải lấy từ thức ăn.

Bằng phương pháp sắc ký khí - khối phổ (GC - MS) cho thấy các thành phần của dầu hạt Bí ngô bao gồm một số axit béo chính, axit oleic (với tỷ lệ 3,25 - 18,36%), axit linoleic (38,68 - 66,95%), axit stearic (4,87 - 10,64%) và axit palmitic (12,86 - 22,06%).

Hoạt chất trong hạt Bí ngô hiện nay chưa xác định được, có tác giả cho rằng hoạt chất là một heterozit gọi là peponozit có tính chất nhựa chứa ở trong phôi và vỏ lụa.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, hạt Bí ngô có tính ấm, ăn vào có vị béo, bùi, hạt Bí ngô dùng để trị giun sán.

Theo y học hiện đại

Tác dụng bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp

Theo một nghiên cứu đã chứng minh ở chuột, so với hoạt chất của một loại thuốc chống tăng huyết áp là amlodipine thì hoạt tính hạ huyết áp của dầu hạt Bí ngô có tác dụng bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp.

Bí ngô hạt 2
Dầu hạt Bí ngô có tác dụng bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp

Tác dụng giảm tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Tại Hàn Quốc, theo thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nghiên cứu ở 47 bệnh nhân Hàn Quốc bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thì trong thời gian 12 tháng có:

  • Nhóm thử nghiệm: (320mg dầu bí đỏ) kết hợp với dầu cọ lùn.

  • Nhóm giả dược (320mg tinh bột khoai lang) hoặc chỉ với dầu cọ lùn.

Sau đó, kết quả thử nghiệm cho thấy:

  • Sau 6 tháng, các giá trị PSA huyết thanh đã giảm trong nhóm kết hợp hai loại dầu (Bí đỏ và Cọ lùn) với nhau.

  • Lưu lượng nước tiểu tối đa được cải thiện sau 6 tháng trong nhóm được điều trị bằng dầu hạt Bí ngô, và sau 12 tháng trong nhóm được điều trị bằng dầu Cọ lùn.

Tác dụng trị giun sán

Các hạt tươi của cucurbita pepo thì giúp trừ giun và sán. Còn đối với hạt tươi của C.moschata thì làm giun non Schistosoma japonica ức chế sự sinh sản.

Liều dùng & cách dùng

Thường chiều hôm trước ngày uống thuốc, thụt hoặc uống thuốc tẩy muối nhẹ.

Có thể dùng hạt Bí ngô theo một trong hai cách sau đây:

  • Hạt Bí ngô đem bóc hết cả vỏ cứng, để nguyên màng xanh ở phía bên trong. Người lớn dùng khoảng 100g hạt Bí ngô bóc vỏ, đem giã thật nhỏ trong cối, trộn thêm vào 50 - 100g mật hay đường vào cối, trộn đều. Người bệnh ăn vào lúc bụng đói trong vòng 1 giờ sau đó nằm nghỉ. Khoảng 3 giờ dùng thuốc tẩy muối, đi ngoài nhúng cả mông vào trong chậu nước ấm. Liều lượng cho trẻ em như sau: 3 - 4 tuổi ăn 30g, 5 - 7 tuổi ăn 50g, 7 - 10 tuổi ăn 75g.

  • Hạt Bí ngô lúc này để nguyên cả vỏ cứng, đem giã hoặc xay nhỏ, thêm vào hai phần thể tích nước và đun cách thủy với lửa nhỏ trong vòng 2 giờ, lọc qua gạc, bỏ cặn và lớp dầu ở trên mặt. Để dễ uống hơn thì có thể thêm đường uống vào lúc đói trong vòng 20 - 30 phút. Sau hai giờ kể từ khi uống hết, dùng một liều thuốc tẩy muối. Liều lượng như sau: Người lớn uống 300g hạt để cả vỏ, trẻ con dưới 5 tuổi 50 - 70g, 5 - 7 tuổi 100g, 7 - 10 tuổi 150g.

Có khi người ta chế hạt Bí ngô thành bột đã loại chất béo đi rồi. Dùng uống với liều 60 - 80g (người lớn), 30 - 40g cho trẻ con. Thêm vào bột một ít nước, trộn đều uống hết trong vòng 15 - 20 phút rồi theo cách như trên.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị giun sán

Kết hợp uống nước hạt Bí ngô cùng với nước sắc Hạt cau: Một số nghiên cứu chứng minh nước sắc Hạt cau và nước hạt Bí ngô đều làm tê liệt sán bò và sán lợn. Tuy nhiên nước sắc hạt cau làm tê liệt mạnh đối với đầu con sán hoặc tại các đốt chưa thành thuộc, ngược lại, hạt bí ngô lại khiến giun bị tê liệt tại khúc giữa và khúc đuôi của con sán. Vì vậy, các nhà y học Trung quốc dùng như sau:

Sáng sớm, vào lúc bụng đói, hạt Bí ngô nếu còn vỏ thì ăn khoảng 60 - 120g, còn bỏ vỏ thì chỉ dùng khoảng 40 - 100g. Sau hai giờ thì dùng nước sắc hạt cau. Đối với trẻ con nhỏ hơn 10 tuổi thì uống khoảng 30g, phụ nữ và đàn ông bé nhỏ thì uống khoảng 50 - 60g, người lớn thì uống khoảng 80g.

Nước sắc Hạt cau được chế như sau: Hạt cau với liều lượng như trên hòa khoảng 500ml nước sôi, sau đó sắc cạn đến khi chỉ còn khoảng 150 - 200ml nước. Nhỏ dung dịch gelatin 2,5% vào cho đến khi kết tủa (để loại hết tanin đi) để lắng gạn và lọc. Đun cho còn 150 - 200ml nước. Sau khoảng nửa giờ, uống nước sắc hạt cau thì dùng thêm một liều thuốc tẩy khoảng 30g magie sunfat. Sau đó, nằm nghỉ ngơi, đến khi thấy muốn đi ngoài thì nhúng cả mông vào chậu nước ấm.

Bí ngô hạt 3
Hạt Bí ngô có tác dụng trị giun sán

Trị tiêu chảy

Theo một số tài liệu từ nước ngoài thì hạt Cucurbita moschata và hạt Cucurbita pepo đều được dùng để trừ giun sán, chữa tiêu chảy. Liều lượng thường được dùng là khoảng 30 – 60g hạt Bí ngô được bóc vỏ. Sau đó đem hạt bí nghiền nhỏ, hòa với nước, có thể thêm tinh dầu quế hay tinh dầu lộc đề để làm thơm nước.

Lưu ý

Không tìm thấy thông tin.

Nguồn tham khảo