Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bầu uống cà phê được không? Lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ yên tâm

Phương Nguyễn

15/04/2025
Kích thước chữ

Cà phê là thức uống phổ biến, giúp tỉnh táo và tăng cường năng lượng nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi mang thai thì nhiều mẹ bầu băn khoăn rằng liệu bầu uống cà phê được không. Bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêu thụ cà phê trong thai kỳ, giúp mẹ bầu đưa ra quyết định phù hợp.

Cà phê là “nghiện phẩm” buổi sáng quen thuộc của nhiều người, trong đó không ít phụ nữ vẫn giữ thói quen này khi mang thai. Tuy nhiên, khi mang thai thì bất kỳ loại đồ uống nào cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Vậy bà bầu uống cà phê được không? Liệu một tách cà phê mỗi ngày có gây hại cho thai nhi hay ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu? Hãy cùng tìm hiểu rõ ràng qua bài viết dưới đây để đưa ra lựa chọn an toàn và phù hợp nhất cho cả mẹ và bé.

Bầu uống cà phê được không?

Bầu uống cà phê được không hay có thai uống cafe được không đang là thắc mắc của nhiều phụ nữ mang thai, đặc biệt là những mẹ bầu có niềm đam mê với cà phê. Thực tế, phụ nữ mang thai vẫn có thể dùng cà phê nhưng cần giới hạn ở mức độ phù hợp.

Theo khuyến cáo từ Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, mẹ bầu có thể tiêu thụ khoảng 200mg caffeine mỗi ngày (tương đương 1 - 1,5 tách cà phê) mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, hàm lượng caffeine có thể thay đổi tùy loại cà phê và thương hiệu, nên mẹ cần chú ý đến thông tin sản phẩm.

Ngoài cà phê, các thức uống như trà, nước ngọt có gas hay socola cũng chứa caffeine, vì vậy cần được tính vào tổng lượng tiêu thụ hàng ngày. Nếu mẹ bầu yêu thích cà phê, không cần kiêng tuyệt đối mà chỉ cần điều chỉnh liều lượng hợp lý và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn an toàn theo thể trạng.

Bầu uống cà phê được không? Lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ yên tâm 1
Bà bầu uống cà phê được không

Uống cà phê khi mang thai có ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi?

Cà phê là thức uống quen thuộc với nhiều người và mẹ bầu có thể uống được. Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều caffeine trong thai kỳ lại tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả mẹ và bé. Việc kiểm soát liều lượng caffeine trở nên đặc biệt quan trọng để hạn chế các tác động tiêu cực đến sức khỏe thai kỳ. Cụ thể như sau:

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Việc mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều cà phê trong thai kỳ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai nhi, cụ thể như sau:

  • Tăng nguy cơ sảy thai và thai lưu: Tiêu thụ quá 300mg/ngày lượng caffeine có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.​
  • Sinh con nhẹ cân: Caffeine trong cà phê có thể ảnh hưởng đến nhau thai và quá trình vận chuyển dưỡng chất cho thai nhi, dẫn đến nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân.​
  • Tăng nguy cơ sinh non và mắc các bệnh lý về hô hấp sau sinh: Việc tiêu thụ caffeine quá mức có thể liên quan đến nguy cơ sinh non và các vấn đề hô hấp ở trẻ sơ sinh.​
  • Tác động đến sự phát triển thần kinh và hành vi của trẻ sau này: Caffeine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi, dẫn đến các vấn đề về hành vi và thần kinh sau khi trẻ chào đời.​

Ảnh hưởng đối với thai phụ

Bầu uống cà phê được không hay mang thai có được uống cà phê không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc mẹ bầu lạm dụng cà phê trong thời gian mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn tác động xấu đến chính sức khỏe của thai phụ, cụ thể như sau:

  • Dễ mất ngủ và lo âu: Caffeine là chất kích thích nên có thể gây ra các triệu chứng như mất ngủ, lo âu và tăng nhịp tim ở mẹ bầu.​ Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả hai mẹ con.
  • Làm giảm khả năng hấp thu sắt: Caffeine có thể cản trở quá trình hấp thu sắt - dưỡng chất quan trọng trong thai kỳ, dẫn đến nguy cơ thiếu máu.​
  • Tăng nguy cơ tăng huyết áp hoặc tiền sản giật: Tiêu thụ caffeine cùng lúc với chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao và tiền sản giật.​
  • Tăng căng thẳng: Uống cà phê hàng ngày với liều cao có thể khiến cơ thể tăng sản xuất cortisol, từ đó làm tăng phản ứng căng thẳng và thay đổi cảm xúc ở mẹ bầu cũng như thai nhi.​
Bầu uống cà phê được không? Lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ yên tâm 2
Uống nhiều cà phê khi mang thai khiến mẹ bầu dễ bị căng thẳng

Phải làm sao để hạn chế thói quen uống cà phê khi mang thai?​

Với những mẹ bầu quá yêu thích cà phê thì việc loại bỏ hoàn toàn loại thức uống này là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi, mẹ bầu cần hiểu rõ những tác hại của cà phê và dần thay đổi bằng những thói quen lành mạnh hơn.

Nếu mẹ bầu đã quen bắt đầu buổi sáng bằng một tách cà phê nóng thì có thể thử giảm liều lượng dần dần và thay thế bằng một cốc nước ấm. Việc uống nước ấm vào buổi sáng không chỉ giúp cơ thể dễ chịu hơn mà còn hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Sau một thời gian ngắn, mẹ bầu sẽ thấy quen dần và cảm nhận được sự thay đổi tích cực.

Trong trường hợp mẹ bầu thích cà phê vì cảm giác tỉnh táo và muốn giảm căng thẳng mà nó mang lại, hãy thử thay thế bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Việc vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hay các bài giãn cơ giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện tâm trạng và rất tốt cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Nếu mẹ bầu bị hấp dẫn bởi vị ngọt và hương thơm của cà phê, việc thay thế không quá khó khăn. Mẹ có thể lựa chọn các loại sữa hạt, nước ép rau củ hoặc trái cây tươi. Những loại nước này không chỉ có hương vị dễ chịu, màu sắc bắt mắt mà còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho quá trình mang thai.

Ngoài ra, một số mẹ bầu thường uống cà phê khi rảnh rỗi như một thói quen thư giãn. Thay vào đó, mẹ có thể lựa chọn những hoạt động lành mạnh hơn như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đi dạo hoặc trò chuyện cùng bạn bè, người thân. Những hoạt động này không chỉ giúp mẹ bầu giải trí mà còn giúp tinh thần thoải mái hơn trong suốt thai kỳ.

Chỉ trong vòng 9 tháng mang thai ngắn ngủi, mẹ bầu cần cân nhắc kỹ lưỡng về mọi thói quen hằng ngày và cần biết được bầu uống cà phê được không, bởi sức khỏe của mẹ chính là nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh của bé yêu. Thay đổi thói quen uống cà phê bằng những lựa chọn lành mạnh như uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dưỡng chất là điều hoàn toàn có thể thực hiện nếu mẹ kiên trì.

Bầu uống cà phê được không? Lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ yên tâm 3
Mẹ bầu nên uống nước ép hoa quả tươi thay vì uống cà phê trong thai kỳ

Cần lưu ý gì khi mẹ bầu vẫn muốn uống cà phê?

Nếu mẹ bầu vẫn muốn duy trì thói quen uống cà phê trong thai kỳ, cần đặc biệt chú ý đến một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Trước hết, không nên uống cà phê khi đói bụng hoặc vào buổi chiều, tối vì caffeine có thể gây khó chịu cho dạ dày và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ - yếu tố rất quan trọng trong thai kỳ.

Bên cạnh đó, caffeine có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt và canxi - hai dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đầy đủ các thực phẩm giàu sắt và canxi để bù đắp.

Ngoài ra, mỗi cơ thể sẽ phản ứng khác nhau với cà phê. Nếu sau khi uống, mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, hồi hộp, bồn chồn hoặc khó chịu, nên giảm lượng cà phê hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn để đảm bảo an toàn.

Cuối cùng, trong trường hợp mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ hoặc thai nhi phát triển chậm, việc uống cà phê nên được cân nhắc kỹ. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Bầu uống cà phê được không? Lời khuyên từ chuyên gia giúp mẹ yên tâm 4
Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn uống cà phê trong thai kỳ

Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Bầu uống cà phê được không?”. Mang thai không có nghĩa là phải hoàn toàn "nói không" với cà phê. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết kiểm soát liều lượng và hiểu rõ ảnh hưởng của caffeine đến cơ thể mẹ và bé. Với sự tư vấn từ chuyên gia và cách thay đổi thói quen hợp lý, mẹ bầu hoàn toàn có thể duy trì một thai kỳ khỏe mạnh mà vẫn giữ được sự tỉnh táo cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin