Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả

Ngày 20/10/2024
Kích thước chữ

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây lan nhanh qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Nhiều người lo lắng rằng bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu rõ hơn nhé.

Khi trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí thấp kèm theo nhiệt độ môi trường không cao khiến virus cúm phát triển gây nên bệnh cúm mùa. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu, đau họng, sổ mũi, đau cơ, khớp. Cúm mùa có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Vậy bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu và cách phòng ngừa bệnh cúm mùa như thế nào?

Tìm hiểu về bệnh cúm mùa

Bệnh cúm mùa là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm influenza gây ra. Bệnh có khả năng lây lan từ người sang người thông qua giọt bắn nước bọt, dịch tiết mũi, hắt hơi, ho,... Bệnh cúm mùa lây lan rất nhanh và có thể phát triển thành dịch trong cộng đồng. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người bệnh béo phì hoặc có bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, tim mạch, hen suyễn,... là đối tượng dễ mắc bệnh cúm mùa. Các yếu tố về độ tuổi, tình trạng sức khỏe và cách điều trị là những yếu tố quyết định về tính nguy hiểm của bệnh cúm mùa.

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả 1
Cúm mùa là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm influenza gây ra

Virus cúm tồn tại trong không khí và tấn công vào cơ thể khi chúng ta chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Virus cúm có nhiều chủng khác nhau và có thể xuất hiện biến chủng mỗi năm. Hiện có 3 loại virus cúm phổ biến gây bệnh trên người bao gồm: Virus cúm A H3N2 và H1N1, virus cúm B và virus cúm C.

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu?

Bệnh cúm bao lâu thì khỏi là thắc mắc của nhiều người khi mắc bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh cúm mùa thường kéo dài từ 3 - 5 ngày đối với người bệnh không có biến chứng, bao gồm cả trẻ em. Tuy vậy cảm giác mệt mỏi có thể tồn tại dai dẳng đến khoảng 2 tuần hoặc lâu hơn.

Các chủng cúm khác nhau thường không ảnh hưởng đến thời gian mắc bệnh nhưng cúm A, cụ thể là cúm H3N2 có thể gây bệnh nặng hơn các chủng cúm khác. Theo đánh giá tỷ lệ nhập viện và tử vong ở cả người già và trẻ em mắc cúm A (H3N2) cao hơn các phân nhóm khác. Ngoài ra, hiệu quả vaccine đối với virus cúm A (H3N2) cũng thấp hơn. 

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả 2
Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu là thắc mắc của nhiều người khi mắc bệnh

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có sức đề kháng yếu khi mắc cảm cúm kéo dài thường dễ xảy ra các biến chứng như viêm phổi, viêm màng não, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ, nhiễm trùng xoang,... Đối với người có bệnh lý nền nếu cảm cúm kéo dài có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý, trong đó viêm phổi là biến chứng ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt người lớn tuổi và người có bệnh mãn tính, viêm phổi do cảm cúm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Cảm cúm lâu ngày không khỏi phải làm sao?

Ngoài câu hỏi bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu thì mắc bệnh cảm cúm lâu ngày không khỏi phải xử lý như thế nào cũng là điều băn khoăn của nhiều người trong chúng ta. Theo ý kiến từ bác sĩ, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi và dưỡng sức, ăn thức ăn lỏng và uống nhiều nước. Bệnh nhân cần ở trong nhà khi đang bị cảm cúm hoặc ít nhất 24 giờ sau khi sốt, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để làm dịu các triệu chứng của bệnh. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh cảm cúm có thể hết trong vòng khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu xuất hiện các biến chứng hoặc các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Đối với một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng virus nhằm rút ngắn thời gian bị cảm cúm cũng như phòng ngừa các biến chứng. Tuy vậy thuốc cần được uống trong vòng 48 tiếng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng cảm cúm thì mới phát huy hiệu quả tác dụng. Ngoài ra, thuốc kháng virus cúm chỉ có khả năng rút ngắn thời gian bệnh, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh và không có khả năng giết chết virus. 

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả 3
Bệnh nhân cần ở trong nhà khi đang bị cảm cúm hoặc ít nhất 24 giờ sau khi sốt, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau

Cách phòng bệnh cúm mùa bạn có thể tham khảo

Đọc đến đây ắt hẳn chúng ta đã trả lời được câu hỏi bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh và dễ trở thành dịch bệnh. Dưới đây là một số cách phòng bệnh cúm mùa mà bạn có thể tham khảo như:

Giữ khoảng cách với người bệnh

Vì cúm mùa lây lan thông qua giọt bắn từ dịch tiết của người bệnh và phát tán trong không khí trong bán kính từ 1,8 đến 2 mét. Vì vậy cần giữ khoảng cách với người bệnh, tốt nhất không nên tiếp xúc gần để tránh lây lan.

Không đến những nơi đông người

Với tốc độ lây lan nhanh của bệnh cúm mùa và dễ trở thành dịch bệnh, chúng ta nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tụ tập. Bởi chúng ta sẽ không thể biết rõ ai là người bị nhiễm cúm mùa, bất kỳ ai cũng có thể lây nhiễm virus sang cho chính bản thân mình. Đối với những người đã nhiễm virus cúm, nên nghỉ ngơi trong nhà, tuyệt đối không đến những nơi đông người để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả 4
Đối với những người đã nhiễm virus cúm tuyệt đối không đến những nơi đông người để tránh lây lan bệnh

Thường xuyên rửa tay

Thường xuyên rửa tay sạch cũng là một trong những cách phòng bệnh cúm mùa. Virus cúm có khả năng tồn tại trên bề mặt cứng lên đến 48 giờ vì vậy chúng ta có khả năng cao tiếp xúc với bề mặt có chứa virus. Tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt có thể dính virus cúm nên rửa tay thường xuyên sẽ giúp loại bỏ virus, ngăn ngừa bệnh.

Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi

Trong trường hợp hắt hơi hoặc ho, bạn nên dùng khăn giấy che miệng và mũi sau đó bỏ vào sọt rác. Nếu không thể sử dụng khăn giấy trong trường hợp ho hoặc hắt hơi, bạn có thể dùng khuỷu tay để che miệng và mũi, không nên sử dụng lòng bàn tay vì đây là bộ phận dễ tiếp xúc với các vật dụng hoặc người khác.

Tăng cường miễn dịch cho bản thân

Tăng cường miễn dịch cho bản thân là điều vô cùng cần thiết để phòng ngừa bệnh cúm mùa cũng như những biến chứng của bệnh. Bạn có thể tự tăng cường miễn dịch cho bản thân bằng cách:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh: Bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ để tăng cường khả năng chống oxy hóa, thực phẩm chứa chất béo lành mạnh để tăng cường khả năng kháng viêm. Ngoài ra bạn nên bổ sung thực phẩm lên men hoặc có chứa men vi sinh để tăng cường khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch trong cơ thể.
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học: Bạn nên xây dựng cho bản thân thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc để tăng cường đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe của bản thân.
  • Sử dụng một số thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe cơ thể: Bạn có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu? Cách để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả 5
Tăng cường miễn dịch cho bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh

Bài viết trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi về vấn đề bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm xảy ra mỗi năm khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ trở thành dịch bệnh vì vậy việc phòng bệnh cúm mùa là điều vô cùng cần thiết. Hãy tăng cường miễn dịch cho bản thân để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:CúmCảm cúm