Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Cẩn trọng nguy cơ bệnh dại âm thầm tăng trở lại

Cẩn trọng nguy cơ bệnh dại âm thầm tăng trở lại 2

Bệnh dại là một bệnh nhiễm không quá phổ biến nhưng nghiêm trọng, chủ yếu lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào động vật bị nhiễm bệnh dại. Bệnh dại chắc chắn gây tử vong khi các triệu chứng xuất hiện, tuy nhiên, nhanh chóng tiêm vắc xin ngừa dại khi bị phơi nhiễm được xem như là một giải pháp điều trị dự phòng hiệu quả có thể ngăn ngừa được bệnh dại.

Bài viết được tham vấn y khoa bởi Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Anh Tuấn, hiện đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh dại là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở hơn 150 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ. Bệnh dại gây ra bởi virus dại lây truyền từ động vật sang người. Vậy bệnh dại nguy hiểm như thế nào, căn bệnh này đang có chiều hướng tăng trở lại trong những năm gần đây, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Bệnh dại là gì? Nguyên nhân và con đường lây truyền bệnh

Virus Rabies lyssavirus hay còn được gọi là virus dại với khả năng hướng thần kinh sau khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ và gây ra bệnh dại. Động vật đã bị nhiễm bệnh có chứa một lượng virus trong tuyến  nước bọt, từ nước bọt thông qua những vết cắn, virus dại tiếp tục phát triển xâm nhập hệ thần kinh ngoại biên vào thần kinh trung ương gây ra bệnh dại trên người. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh dại truyền cho người qua vết thương hở hoặc qua niêm mạc (niêm mạc mắt hoặc miệng) khi tiếp xúc với nước bọt có virus dại của động vật đang bị bệnh dại  liếm vào. Cấy ghép nội tạng từ người mang virus dại cũng là con đường lây truyền bệnh dại, tuy nhiên hiếm gặp hơn những trường hợp đã nêu trên.

Tại Việt Nam, đa số người mắc bệnh dại là do chó và mèo cắn chiếm đến trên 90%. Ở những nước có chương trình kiểm soát thú nuôi hiệu quả, hầu hết trường hợp bệnh dại ở người là do súc vật hoang dại cắn như chó hoang, chồn, dơi hút máu, sóc, chó rừng,… Ngoài ra, bệnh dại còn có thể lây truyền từ những động vật nuôi như bò, ngựa, lừa, dê, cừu,…

Triệu chứng của các giai đoạn bệnh dại trên người

Bệnh dại thường diễn ra qua 03 giai đoạn gồm giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn tiền triệu chứng và giai đoạn toàn phát. Ở mỗi giai đoạn, triệu chứng sẽ có sự khác nhau, do đó, người bị cắn cần lưu ý để nhận ra các dấu hiệu bất thường kịp thời.

Giai đoạn ủ bệnh

Trung bình từ 20 - 60 ngày cho đến khi có triệu chứng đầu tiên, nhưng có thể từ 10 ngày đến hơn 01 năm. Thời gian ủ bệnh ngắn khi vết cắn ở mặt, gần thần kinh trung ương, nơi giàu mạng lưới thần kinh hoặc do ghép giác mạc có nguồn gốc từ người bị bệnh dại.

Giai đoạn tiền triệu chứng

Giai đoạn này, bệnh nhân thường biểu hiện:

  • Mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, bải hoải, sốt, đau cơ,…
  • Cảm giác ngứa, đau hay dị cảm tại vết cắn hầu như đã lành
  • Thay đổi tính tình: bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, lo lắng, dễ kích thích, mất ngủ, bứt rứt hoặc trầm cảm,….
  • Các triệu chứng ít gặp hơn như ho, ớn lạnh, đau họng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu khó,…
Các giai đoạn của bệnh dại ở người và triệu chứngCác giai đoạn của bệnh dại ở người và triệu chứng

Giai đoạn toàn phát  

Trong giai đoạn này, virus đã bắt đầu xâm nhập não bộ và bắt đầu lan rộng gây tổn thương thần kinh. Giai đoạn toàn phát thường biểu hiện dưới 02 thể:

Thể hung dữ

Chiếm tỉ lệ 80%, thường biểu hiện một tình trạng kích thích tâm thần vận động là chủ yếu.

Sợ nước: Do tình trạng co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt cơ hô hấp, thanh khí quản xảy ra trong một cơn hốt hoảng tăng kích thích. Bệnh nhân khát nước nhưng không dám uống nước, chỉ nhìn hoặc nghe tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Cơn co thắt thanh quản và cơ hô hấp thường đột ngột và dữ dội, cổ và lưng bệnh nhân ưỡn ra, cánh tay vùng vẫy giơ cao, cơn co giật toàn thân kèm theo ngưng tim, ngưng thở.

Tình trạng tăng kích thích ngũ giác cực điểm: Sợ gió, sợ ánh sáng bóng láng hoặc khi ngửi phải mùi lạ.

Tăng kích thích quá độ: Ảo giác mất định hướng, nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, hành vi kỳ quái, trốn chạy hoặc gây hấn với người chung quanh. Bệnh nhân lên cơn trong vài phút, vùng vẫy cắn xé từng lúc, rú lên như chó sủa, thở dồn dập đứt hơi và có thể tử vong trong cơn.

Rối loạn thần kinh thực vật: Sốt cao 40oC, đồng tử giãn hai bên không đều, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp thế đứng. Tình trạng tăng tiết nước bọt đi kèm với tính trạng khó nuốt làm bệnh nhân khạc nhổ lung tung và sùi bọt mép.

Tất cả những triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn. Giữa hai cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, hợp tác tương đối tốt nhưng tiến triển nhanh chóng các cơn ngày càng dày hơn, nặng hơn, bệnh nhân hôn mê, ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Người bệnh có thể tử vong trong vòng hai đến bốn ngày sau khi lên cơn dại.

Thể bại liệt

Thể lâm sàng này ít gặp hơn, thường xảy ra trên bệnh nhân đã tiêm ngừa vắc xin nhưng do tiêm muộn sau khi sau khi bị động vật bệnh dại cắn phải. Lúc đầu có thể dị cảm ngay vết cắn, đau cột sống, đau chi bị cắn, tình trạng liệt tiến triển lan tỏa lên chi trên (nếu vết cắn ở chi dưới), mất phản xạ gân xương. Bệnh nhân bị bí tiểu đại tiện, sau đó liệt cơ cổ, mặt, lưỡi gây sặc, liệt các cơ hô hấp, tử vong chậm hơn thể hung dữ, khoảng từ 02 - 20 ngày.

Lưu ý: Hiện nay, ngay cả khi có sự hỗ trợ y tế cũng chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào sống sót. Do đó, chủ động phòng bệnh dại bằng vắc xin là vô cùng cần thiết.

Tình hình bệnh dại tại Việt Nam

Kể từ năm 2022, ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại trên cả nước, đặc biệt là ở Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên Phủ, Bến Tre, Đắk Lắk và Bình Thuận. Đến năm nay, số lượng ca bệnh dại gia tăng đột biến, chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 ca tử vong, số ca tử vong cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ của năm trước. Riêng số ca tử vong do bệnh dại tại Khu vực phía Nam đã lên đến 21 trường hợp (Báo cáo tuần thứ 44 của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tính từ đầu năm 2024 đến nay).

Chẩn đoán và điều trị bệnh dại như thế nào?

Bệnh dại là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, sau khi bị động vật cắn bạn không nên chờ đợi các triệu chứng để chẩn đoán bệnh dại, vì khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, thì không còn có những biện pháp y tế nào có thể điều trị được.

Nếu bạn bị động vật cắn, hãy kiểm tra vết thương ngay và rửa sạch vết thương nhiều lần với xà bông đặc (hoặc các chất tẩy rửa khác), xịt vòi nước vào vết cắn ít nhất 5 phút, lấy bỏ dị vật mô dập nát. Sau đó, bạn nên đến ngay các trung tâm y tế để tiêm phòng vắc xin ngừa dại.

Phác đồ tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu

Dự phòng trước phơi nhiễm

  • Tiêm bắp liều 0,5ml: Theo lịch N0 - N7 - N28 (N21)
  • Tiêm trong da, liều 0,1ml x 01 vị trí: Theo lịch N0 - N7 - N28 (N21).
  • Người có nguy cơ cao: Nhắc lại sau 01 năm, các mũi nhắc sau đó mỗi 05 năm.

Dự phòng sau phơi nhiễm

  • Tiêm bắp, liều 0,5ml: Theo lịch N0 - N3 - N7 - N14 - N28.
  • Tiêm trong da, liều 0,1ml x 02 vị trí: Theo lịch N0 - N3 - N7 - N28.

Người đã tiêm dự phòng

Có bằng chứng đã tiêm ≥ 3 mũi vắc xin dại nguồn gốc tế bào trong 05 năm theo Hãng sản xuất (Sổ tiêm hoặc Cổng tiêm chủng Quốc gia hoặc Phần mềm Long Châu). Tiêm 2 mũi theo lịch:

  • Tiêm bắp liều 0,5ml: Theo lịch N0 - N3.
  • Tiêm trong da liều 0,1ml x 01 vị trí: Theo lịch N0 - N3.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Mặc dù bệnh dại là một căn bệnh nguy hiểm và hiện nay vẫn không có thuốc đặc trị, tuy nhiên bệnh có thể hoàn toàn phòng ngừa được bằng biện pháp phòng ngừa đặc hiệu (ngay cả khi người bệnh đã phơi nhiễm với virus) bên cạnh các biện pháp phòng ngừa khác.

Phòng ngừa đặc hiệu (với vắc xin ngừa dại)

Hiện tại, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh dại bằng 03 loại vắc xin phổ biến tại Việt Nam là vắc xin Verorab (Pháp), vắc xin Abhayrab và vắc xin Indirab (Ấn Độ).

Phòng ngừa không đặc hiệu

Những biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu thường dựa trên việc giảm tần suất tiếp xúc với động vật có nguy cơ mắc bệnh dại như:

  • Tiêm vắc xin phòng dại cho thú cưng và vật nuôi.
  • Giữ vật nuôi trong khu vực an toàn và dễ giám sát.
  • Không tiếp xúc với động vật hoang dã.
  • Bịt kín mọi khe nứt và khe hở nơi để tránh dơi vào nhà.
  • Đảm bảo các yêu cầu về bảo hộ sức khỏe ở những nơi làm việc tiềm ẩn nguy cơ cao: Phòng thí nghiệm, phòng khám thú y,...

Chủ động tiêm phòng vắc xin dại đúng thời điểm là vô cần quan trọng để bảo vệ bản thân cũng như gia đình khỏi những nguy cơ tiềm tàng mà bệnh dại có thể gây ra. Hãy cùng chung tay xây dựng một môi trường sống an toàn, bảo vệ sức khỏe của mọi người bằng cách không ngừng nâng cao ý thức về phòng bệnh trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là bệnh dại.

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin
Nguồn tham khảo