Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Giải đáp thắc mắc: Thai 37 tuần nặng bao nhiêu?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ

“Thai 37 tuần nặng bao nhiêu?” là thắc mắc của nhiều bà mẹ. Khi hiểu rõ được các chỉ số cân nặng cũng như những thay đổi khác của thai nhi, mẹ sẽ có kế hoạch chăm sóc cũng như chuẩn bị tốt nhất cho thời điểm sinh đẻ sắp tới.

Thai nhi 37 tuần tuổi là giai đoạn tương đương với tháng thứ 9 của thai kỳ. Vì thế mẹ luôn quan tâm đến sự thay đổi trong cơ thể của con, nhất là vấn đề thai 37 tuần nặng bao nhiêu. Trong giai đoạn này, mẹ luôn lưu ý trong mọi hoạt động, cách ăn uống, đi khám thai định kỳ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày bé chào đời.

Bé phát triển thế nào khi đến 37 tuần tuổi?

Phổi và não

Qua siêu âm, mẹ có thể thấy bé đã trưởng thành gần giống kích thước của một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng thực tế, cơ thể bé vẫn chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng để thích nghi với thế giới bên ngoài. Phổi và não vẫn chưa phát triển hoàn toàn, dự tính khoảng 2 tuần tới mới hoàn chỉnh. Vì vậy, thai 37 tuần tuổi vẫn được xem là thiếu tháng mặc dù đã cận ngày sinh.

Bé đạp ít hơn

Bụng của mẹ lúc này sẽ không có nhiều khoảng trống cho bé vận động. Vào những tuần cuối của thai kỳ, bé ít đạp, nhưng mỗi khi thay đổi tư thế vẫn ngọ nguậy. Nếu thấy bé đột nhiên nằm im, mẹ cần gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Giải đáp thắc mắc: Thai 37 tuần nặng bao nhiêu? 1
"Thai 37 tuần nặng bao nhiêu?" là mối quan tâm của nhiều mẹ bầu

Tay cử động khéo léo

Ở tuần 37 của thai kỳ, bé cử động các ngón tay ngày càng linh hoạt hơn. Bé có thể nắm các bộ phận nhỏ trên cơ thể như dây rốn, mũi, ngón chân.

Bé biết mút tay

Qua siêu âm có thể thấy bé mút tay rất nhiều trong tuần thứ 37. Đây là cách bé "luyện tập" cho việc bú sữa sau khi chào đời.

Đầu bé lớn dần

Đầu của bé vẫn đang phát triển. Khi chào đời, chu vi đầu của bé sẽ tương đương với ngực.

Tập luyện giây phút chào đời

Bé dành phần lớn thời gian để luyện tập cho đường hô hấp như hít vào và thở ra trong nước ối và các hoạt động khác như chớp mắt, xoay người từ bên này sang bên kia…

Tóc của bé

Tóc của bé có thể mọc rất nhiều hoặc ít. Đôi khi tóc của bé không cùng màu với bố mẹ. Một số trường hợp sau đó bé bị rụng tóc toàn bộ và mọc lại với một màu tóc mới.

Thai 37 tuần đã quay đầu

Đây là dấu mốc đáng nhớ ở giai đoạn 37 tuần tuổi khi thai nhi quay đầu. Bé bắt đầu xoay người ngược lại, đầu di chuyển vào vùng xương chậu. Nếu thấy thai 37 tuần chưa quay đầu, mẹ cần được bác sĩ kiểm tra.

Thai 37 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Gần đến ngày dự sinh, mẹ lo lắng không biết cân nặng của thai nhi có đạt mức chuẩn để sẵn sàng chào đời không? Theo Hiệp hội Sản phụ Hoa Kỳ, thai 37 tuần tuổi dài 48,5cm và có cân nặng trung bình khoảng 2,85kg.

Để biết chi tiết hơn về thai 37 tuần tuổi phát triển theo từng ngày thế nào, mẹ có thể theo dõi bảng dưới đây. Bên cạnh vấn đề “thai 37 tuần nặng bao nhiêu" là đạt chuẩn, mẹ cũng cần biết thêm các chỉ số khác về thai nhi:

  • Chu vi đầu (HC): 316 - 355mm, trung bình 335mm.
  • Chu vi bụng (AB): 292 - 374mm, trung bình 331mm.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 66 - 80mm, trung bình 71mm.
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BFF): 85 - 97mm, trung bình 91mm.

Sự thay đổi của mẹ ở tuần thai thứ 37

Đốm máu

Cổ tử cung của mẹ bầu trong giai đoạn này rất dễ bị kích thích, dẫn đến hiện tượng ra máu, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục.

Vết rạn da

Những vết rạn da xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm: Cánh tay, đùi, hông, bụng do mẹ bầu bị tăng cân đột ngột khiến da bị căng quá mức.

Đầy hơi

Hormone Progesterone - một loại nội tiết tố quan trọng trong cơ thể phụ nữ, sẽ tăng liên tục khi mang thai để thích ứng với sự phát triển thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu sẽ dễ bị đầy hơi, gây khó chịu.

Sưng ở một số vị trí trên cơ thể

Ở tuần thai thứ 7, nhiều mẹ có thể bị phù chân. Mặc dù phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng nếu chân bị sưng quá mức thì có khả năng liên quan đến hội chứng tiền sản giật

Khó ngủ

Vào những tháng cuối thai kỳ, khó ngủ là tình trạng chung của mẹ bầu. Để giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ tốt hơn, bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, tập thường xuên các bài vận động nhẹ nhàng.

Các cơn co thắt Braxton Hicks

Bước vào tuần thai thứ 37, những cơn chuyển dạ giả xuất hiện thường hơn. Trên thực tế, cường độ và nhịp độ của các cơn gò tử cung (Braxton Hicks) khó phân biệt với các dấu hiệu dọa sinh non. 

Giải đáp thắc mắc: Thai 37 tuần nặng bao nhiêu? 2
Ở tuần thai thứ 37, mẹ bầu phải thường xuyên đối mặt với những cơn chuyển dạ giả

Buồn nôn hoặc tiêu chảy

Thai nhi phát triển có thể gây chèn ép lên cơ quan tiêu hóa, khiến mẹ bầu phải đối mặt với các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn…

Thai 37 tuần ăn gì và sinh hoạt ra sao?

Tháng thứ 9 trong thai kỳ là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình mang thai. Do đó, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vừa giúp bé phát triển tốt, vừa cải thiện sức khỏe cho mẹ, sẵn sàng cho quá trình sinh đẻ. 

Chế độ ăn

Trong giai đoạn này, một số những thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung là:

  • Thực phẩm giàu sắt: Bông cải xanh, cải bó xôi, hạt bí ngô, nho khô, cá hồi, thịt đỏ, thịt gà, lòng đỏ trứng…
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Bánh mì nguyên cám, đậu các loại, các loại hạt tốt, rau quả tươi...
  • Thực phẩm giàu axit folic: Mẹ bầu nên hấp thụ khoảng 600 - 800mg axit folic mỗi ngày từ các thực phẩm như quả bơ, trái cây họ cam, măng tây, các loại rau có màu xanh đậm, lòng đỏ trứng gà, hạt hướng dương…
  • Thực phẩm giàu canxi: Sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh, các loại hạt, yến mạch, chuối, thịt nạc, trứng, cá…
  • Thực phẩm giàu DHA: Mẹ bầu mang thai tháng thứ 9 nên tiêu thụ khoảng 200mg DHA/ngày cho sự phát triển của não bộ của bé từ nhiều nguồn thực phẩm như bí ngô, các loại hạt, bơ đậu phộng, đậu hũ, ngũ cốc, sữa tươi, lòng đỏ trứng, tôm, cá biển…
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Gồm có dâu tây, cà chua, cam, bưởi,…
  • Thực phẩm giàu Protein: Gồm bơ, sữa, các loại hạt, bí đỏ, cá hồi, tôm, thịt, đậu, trứng...
  • Thực phẩm giàu vitamin A: Gồm thịt bò, cải bó xôi, ớt chuông, dưa hấu, cà chua, cà rốt, bí đỏ, khoai lang…

Bổ sung nước

Cơ thể mẹ lúc này đã khá nặng nề lại thêm bị phù chân, vì vậy việc bổ sung thêm chất lỏng là rất cần thiết. Để giảm thiểu được tình trạng phù nề, các bác sĩ khuyên mẹ nên uống đủ mỗi ngày 8 ly nước.

Giải đáp thắc mắc: Thai 37 tuần nặng bao nhiêu? 3
Mẹ nên uống đủ mỗi ngày 8 ly nước sẽ giúp giảm thiểu được tình trạng phù nề

Chế độ vận động

Gần đến ngày sinh, mẹ cần phải tập luyện trước để sinh suôn sẻ thông qua các bài yoga đơn giản như sau:

  • Hít vào thật sâu 4 giây, thở ra thật chậm 4 giây: Động tác này giúp ích cho lúc rặn sinh.
  • Tư thế con bướm: Động tác này giúp giảm mỏi ở vùng chân và đùi trong.
  • Tư thế cái ghế: Động tác này giúp tăng cường cơ bắp đùi và xương chậu.
  • Tư thế nằm vặn mình: Động tác này giúp rất có ích cho bà bầu bị táo bón, giảm đau ở lưng.
  • Massage tầng sinh môn.

Sau khi đọc bài viết trên mẹ đã biết thai 37 tuần nặng bao nhiêu và ở giai đoạn này, cơ thể của bé gần như hoàn thiện về mọi mặt và có thể thích ứng với cuộc sống bên ngoài sau khi chào đời. Mẹ cũng nên khám thai thường xuyên để phát hiện ra những dấu hiệu thai nhi bất thường và xử lý kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin