Nguyên lý máy chạy thận nhân tạo và một số thông tin bạn cần biết
Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nhiều bệnh nhân suy thận cần chạy thận nhân tạo thắc mắc rằng nguyên lý máy chạy thận nhân tạo hoạt động là gì? Khi nào các bác sĩ sẽ chỉ định chạy thận?
Gánh nặng bệnh thận đang gia tăng đều đặn trên toàn thế giới và dần dần đạt đến đỉnh điểm. Suy thận là một chứng rối loạn suy nhược, một mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe ở nói chung và hơn thế nữa đối với các nước đang phát triển. Liệu pháp điều trị bằng máy chạy thận nhân tạo rất tốn kém và kéo dài suốt đời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết về các chỉ định bắt đầu chạy thận nhân tạo và các nguyên lý máy chạy thận nhân tạo hoạt động.
Vì sao cần chạy thận nhân tạo?
Thận thực hiện các chức năng quan trọng không chỉ bao gồm việc bài tiết các chất thải của cơ thể, chuyển hóa nitơ, điều hòa cân bằng nước và điện giải mà còn cả các chức năng nội tiết và hormone thiết yếu khác. Sự mất dần dần các nephron (đơn vị chức năng của thận) dẫn đến mất các chức năng thiết yếu này và dẫn đến ngộ độc và thậm chí tử vong. Vì vậy để đảm bảo sự sống, bệnh nhân cần có liệu pháp thay thế thận.
Liệu pháp thay thế thận bao gồm thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong đó ghép thận là phương pháp hiệu quả nhất trong các phương thức điều trị nhưng do vấn đề nguồn hiến thận nên không thể thực hiện được cho tất cả các bệnh nhân.
Hai phương thức thay thế thận khác hoàn toàn là các quá trình vật lý có thể thay thế, ít nhất một phần cho hai chức năng đầu tiên là bài tiết chất thải và cân bằng nội môi nước - điện giải của thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo nổi lên là một lựa chọn tốt hơn vì khả năng thay thế các chức năng tốt hơn và cũng ít biến chứng hơn.
Chạy thận nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận giúp loại bỏ chất thải của cơ thể cùng với việc duy trì cân bằng nước - điện giải ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Về cơ bản nó bao gồm sự trao đổi qua màng bán thấm giữa máu bệnh nhân và dung dịch điện giải có thành phần tương tự như máu bình thường.
Nguyên lý máy chạy thận nhân tạo
Quy trình chạy thận nhân tạo về cơ bản bao gồm việc trao đổi nước và các chất hòa tan giữa máu của bệnh nhân và dịch thẩm tách (có thành phần rất giống với dịch ngoại bào bình thường) qua màng bán thấm tổng hợp. Máu và dịch thẩm tách được ngăn cách bởi màng bán thấm di chuyển theo hai hướng ngược nhau để cho phép quá trình lọc hiệu quả xảy ra.
Máy chạy thận nhân tạo hoạt động dựa trên nguyên tắc nào?
Sự khác biệt về nồng độ trong máu bệnh nhân và dịch thẩm tách sẽ quyết định chiều di chuyển của các chất. Các chất thải chứa nitơ, ure không có trong dịch thẩm tách cho phép di chuyển hiệu quả từ máu bệnh nhân vào dịch thẩm tách theo gradient nồng độ, giúp thực hiện chức năng bài tiết. Sử dụng nguyên lý máy chạy thận nhân tạo này, mức độ điện giải trong máu bệnh nhân có thể được kiểm soát dễ dàng bằng cách thay đổi các thành phần của dịch thẩm tách. Sự khuếch tán (chuyển động của các phân tử từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp) sẽ tiếp tục cho đến khi nồng độ chất trong máu và dịch thẩm tách đạt trạng thái cân bằng.
Màng bán thấm là một màng thấm có chọn lọc, hoạt động giống như một hàng rào cho phép các hạt có kích thước phù hợp đi qua. Trong lọc máu, nó cho phép các phân tử nhỏ như nước và ure đi xuyên qua dễ dàng, trong khi các phân tử kích thước trung bình cũng có thể xuyên qua nhưng chậm và các phân tử lớn như protein và các tế bào máu không được phép đi qua.
Chuẩn bị chạy thận nhân tạo như thế nào?
Chuẩn bị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo mất từ vài tuần cho đến vài tháng trước khi có thể thực hiện chạy thận đầu tiên. Một phẫu thuật thông nối động tĩnh mạch cần thực hiện giúp tăng lưu lượng máu đến máy chạy thận. Để dễ dàng tiếp cận vào máu của người bệnh cần tạo đầu vào, đây là nơi máu được lấy ra để lọc và đưa trở lại cơ thể sau đó. Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần có thời gian để hồi phục hoàn toàn trước khi bắt đầu chạy thận.
Trong quá trình chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ nằm ngửa trên ghế, luồn hai cây kim trong cánh tay đến nơi đặt đầu vào từ đó rút máu của người bệnh, sau đó đưa nó qua một loạt các hệ thống máy lọc. Máu của người bệnh sau khi được lọc sẽ được đưa trở lại vào cơ thể thông qua kim thứ hai trong cánh tay. Người bệnh cần chạy thận 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 3-5 giờ nếu đến trung tâm lọc máu và 6-7 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 2-3 giờ nếu chạy thận tại nhà.
Chỉ định bắt đầu chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo có thể được bắt đầu tạm thời để vượt qua giai đoạn cấp tính của suy thận cấp, trong khi ở bệnh thận giai đoạn cuối thì đó là phương pháp điều trị được lựa chọn. Sau đây là các chỉ định bắt đầu chạy thận nhân tạo:
Trong suy thận cấp có tăng huyết áp không kiểm soát được, phù phổi, nhiễm toan chuyển hóa với vô niệu, tăng kali máu, viêm màng ngoài tim, bệnh lý não.
Tiêu chuẩn được chấp nhận để bắt đầu lọc máu ở bệnh nhân suy thận mạn là creatine và độ thanh thải lần lượt là 15 mL/phút và 10 mL/phút. Đối với bệnh nhân tiểu đường có thể được yêu cầu bắt đầu chạy thận sớm hơn nếu có các triệu chứng hoặc dấu hiệu suy thận không thể điều trị được như: Buồn nôn và nôn, thay đổi giấc ngủ; hôn mê, choáng váng, run rẩy, co giật; quá tải thể tích tuần hoàn; chức năng thận xấu đi dần dần với độ thanh thải creatinin trong nước tiểu 24 giờ kèm theo tình trạng tăng nitơ huyết nặng hơn, tình trạng dinh dưỡng kém và phù <15ml/phút khó điều trị.
Tóm lại, chạy thận nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân mắc bệnh thận. Chúng hoạt động dựa trên các nguyên lý máy chạy thận nhân tạo là khuếch tán giữa máu bệnh nhân và dịch thẩm tách qua màng bán thấm.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.