Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Nguyên nhân, các biện pháp điều trị và phòng ngừa

Ngày 18/08/2024
Kích thước chữ

Nhiễm trùng sơ sinh sớm là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao chỉ đứng sau hội chứng suy hô hấp. Bệnh lý này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trước, trong hoặc sau khi sinh. Để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này thì đừng bỏ qua bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Vậy nhiễm trùng sơ sinh là gì? Dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiễm trùng sơ sinh ra sao? Nhiễm trùng sơ sinh điều trị và phòng ngừa như thế nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp trong bài viết sức khỏe dưới đây.

Tổng quan về nhiễm trùng sơ sinh sớm

Nhiễm trùng sơ sinh hiểu một cách đơn giản là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra trong giai đoạn sơ sinh. Nhiễm trùng sơ sinh bao gồm 2 nhóm là nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng sơ sinh muộn. Vậy nhiễm trùng sơ sinh sớm là gì?

Nhiễm trùng sơ sinh sớm là tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong 72 giờ sau sinh. Các triệu chứng nhiễm trùng sơ sinh sớm có thể kể đến như:

  • Triệu chứng hô hấp: Cơ thể trẻ sơ sinh xanh tím, rối loạn nhịp thở, thở nhanh, thở rên. Trong trường hợp nguy hiểm, trẻ có dấu hiệu ngừng thở đột ngột từng cơn, kéo dài trên 15 giây.
  • Triệu chứng tiêu hoá: Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng sớm có thể đối mặt với một loạt các triệu chứng tiêu hoá bao gồm chướng bụng, tiêu chảy, ứ dịch dạ dày, bú kém hay thậm chí là bỏ bú.
  • Triệu chứng tim mạch: Một số triệu chứng tim mạch trẻ có thể gặp phải khi mắc nhiễm trùng sơ sinh sớm bao gồm da xanh tái, đầu chi lạnh, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh trên 160 lần/phút.
  • Triệu chứng thần kinh: Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm có thể gặp phải tình trạng tăng hoặc giảm trương lực cơ, giảm phản xạ, lơ mơ, dễ bị kích động, co giật, hôn mê.
  • Triệu chứng thực thể: Một số trẻ mắc nhiễm trùng sơ sinh sớm có thể bị giảm cân so với sau sinh. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị rối loạn điều hoà thân nhiệt.
  • Triệu chứng trên da và niêm mạc: Trẻ có thể có xuất huyết dưới da, phát ban, vàng da sớm, nổi nốt mủ, nổi vân tím…
  • Triệu chứng huyết học: Trẻ có thể bị tụ máu dưới da, tử ban, gan lách to…

Có thể thấy rằng, nhiễm trùng sơ sinh sớm là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa các biến chứng sức khoẻ nguy hiểm.

Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Nguyên nhân, các biện pháp điều trị và phòng ngừa 1
Nhiễm trùng sơ sinh sớm là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm

Điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm

Đối với bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhiễm trùng sơ sinh nói riêng thì điều trị bằng phác đồ kháng sinh phù hợp có vai trò vô cùng quan trọng và tiếp theo đó là theo dõi, chăm sóc và áp dụng các liệu pháp hỗ trợ triệu chứng. Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm cần được điều trị tích cực và theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời ngay khi gặp các biến chứng.

Điều trị bằng kháng sinh

Với trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm, loại kháng sinh thường được bác sĩ ưu tiên chỉ định là Beta Lactam và Aminosid. Trong trường hợp điều trị bằng 2 loại thuốc này không mang lại hiệu quả hoặc nhiễm trùng gây ra bởi loại vi khuẩn nguy hiểm, bác sĩ sẽ cân nhắc lại phác đồ điều trị với loại kháng sinh mạnh hơn.

Tuỳ thuộc vào bệnh nhi nhiễm loại vi khuẩn nào mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Thời gian sử dụng kháng sinh đồ điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ có sự khác nhau ở từng loại bệnh.

Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Nguyên nhân, các biện pháp điều trị và phòng ngừa 2
Sử dụng kháng sinh là biện pháp quan trọng trong điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm

Theo dõi và chăm sóc

Trong quá trình điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm, trẻ cần được nằm phòng riêng để ngăn ngừa nhiễm trùng tiến triển, hạn chế tiếp xúc với người nhà và được theo dõi điều trị đặc biệt.

Chăm sóc tốt cũng là một trong những phương pháp giúp cải thiện triệu chứng của nhiễm trùng từ đó thúc đẩy quá trình lành bệnh. Một số vấn đề cha mẹ cần chú ý trong quá trình chăm sóc trẻ bao gồm:

  • Khi tiếp xúc với trẻ, cha mẹ cần rửa tay và sát trùng.
  • Hạn chế tối đa việc để nhiều người vào thăm nom cũng như các cử chỉ thân mật như ôm hoặc hôn trẻ.
  • Thường xuyên thay chăn, ga, gối đồng thời tiệt trùng giường và lồng ấp cho trẻ hàng ngày.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vị trí nhiễm trùng ngoài da. Đối với các vết thương có nhiều khe hốc, cần sử dụng thuốc đỏ hoặc oxy già sát trùng cục bộ. Đối với những nốt mụn phỏng trên da có thể bôi Xanh Methylen hoặc mỡ kháng sinh.

Liệu pháp hỗ trợ triệu chứng

Tuỳ thuộc vào triệu chứng và biến chứng mà trẻ đang gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp điều trị để giảm triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Thay máu.
  • Cân bằng nước, điện giải và kiềm toan.
  • Chống suy hô hấp cấp.
  • Chống rối loạn đông máu.
  • Cân bằng thân nhiệt.
  • Sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch.

Dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm

Chủ động phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh sớm là điều vô cùng cần thiết giúp giảm tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng sức khoẻ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.

Dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm trước sinh

Nhiễm trùng sơ sinh sớm có thể xảy ra trước khi sinh. Nguyên nhân là do trẻ bị lây nhiễm từ mẹ. Chính vì thế, người mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo vệ để ngăn ngừa nhiễm trùng trong thai kỳ như sau:

  • Tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Trước và trong thai kỳ, mẹ cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, virus khó điều trị như giang mai, viêm gan B…
  • Điều trị tận gốc các bệnh nhiễm trùng niệu dục, nhiễm trùng toàn thân khi phát hiện bệnh.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học và an toàn trong thai kỳ để cả mẹ và bé đều có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, mẹ cần chú ý vệ sinh thân thể thật tốt, hạn chế tối đa vận động mạnh để tránh trầy xước, viêm nhiễm. Trong những ngày cuối của thai kỳ, mẹ nên hạn chế đi lại, luôn có người ở cạnh để dự phòng trường hợp vỡ ối sớm hoặc chuyển dạ kéo dài…
Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Nguyên nhân, các biện pháp điều trị và phòng ngừa 3
Mẹ bầu cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm trong lúc sinh

Điều kiện y tế không tốt là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh trong lúc sinh. Để dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm trong lúc sinh cần chú ý:

  • Đảm bảo vô khuẩn trong suốt quá trình sinh.
  • Với những sản phụ sinh khó, bị vỡ ối sớm hoặc chuyển dạ kéo dài, không thăm khám âm đạo nhiều lần.
  • Tránh các biến chứng sản khoa cho trẻ sơ sinh như tổn thương trong lúc sinh, sinh ngạt…

Dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm sau sinh

Trẻ sinh ra an toàn song vẫn có nguy cơ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm. Để ngăn ngừa tình trạng này, cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

  • Vệ sinh phòng ốc, chăn màn, đồ dùng cho trẻ thật sạch sẽ, sát khuẩn để hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
  • Vệ sinh mắt, tai, da, rốn cho trẻ sạch sẽ.
  • Giữ cho phòng ngủ của trẻ được thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
  • Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ, sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Nguyên nhân, các biện pháp điều trị và phòng ngừa 4
Cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ kết hợp sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng nhiễm trùng sơ sinh sớm mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức sức khoẻ bổ ích về tình trạng bệnh lý này từ đó có các biện pháp chăm sóc trẻ tốt hơn.

Xem thêm: Sốc nhiễm trùng ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách chẩn đoán

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin