Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những loại thuốc điều trị bệnh bạch hầu phổ biến hiện nay

Ngày 14/10/2024
Kích thước chữ

Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn gây ra. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hiện nay, đã có những thuốc điều trị bệnh bạch hầu giúp kiểm soát và phòng ngừa biến chứng bệnh.

Bệnh bạch hầu gây ra tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp trên. Tác nhân gây ra bệnh này là những ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến hệ thần kinh, tim, thận và gây nhiễm độc toàn thân, từ đó bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị tử vong. Thuốc điều trị bệnh bạch hầu có tác dụng tốt không? Bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm những thông tin về căn bệnh này nhé!

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu (tên tiếng Anh là Diphtheria) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh này thường ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, cổ họng và đôi khi cả da. Vi khuẩn bạch hầu tạo ra một loại độc tố gây tổn thương mô tại chỗ nhiễm trùng và có thể lan vào máu, gây hại cho các cơ quan khác như tim, thận và hệ thần kinh.

Những thuốc điều trị bệnh bạch hầu: Cách sử dụng và phòng bệnh 1
Bệnh bạch hầu làm xuất hiện một lớp giả mạc dày, trắng ngà tại nơi nhiễm khuẩn

Dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường có các biểu hiện sau:

  • Giả mạc: Bệnh bạch hầu tạo ra một lớp màng giả màu trắng, xám ở vùng bị nhiễm, thường là ở cổ họng hoặc mũi.
  • Ngoại độc tố: Vi khuẩn sản sinh ra ngoại độc tố gây tổn thương cho tim, thận và hệ thần kinh.
  • Lây truyền: Bệnh lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang vi khuẩn mà không có triệu chứng.

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho, với giọt bắn chứa vi khuẩn hòa vào không khí. Người khỏe mạnh có khả năng bị mắc bệnh nếu hít phải và khi cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu. Ngoài ra, sự lây nhiễm gián tiếp của vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.

Người nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày mà không có triệu chứng rõ ràng. Triệu chứng điển hình của bệnh là viêm họng, với sự xuất hiện của lớp màng giả màu trắng ở họng, amidan, lưỡi và khẩu cái mềm. Nếu không được điều trị, lớp màng này có thể lan xuống thanh quản, gây khó thở, khàn giọng và ho. Lớp màng giả này còn có thể làm tắc đường thở, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màng khẩu cái làm thay đổi giọng nói, gây sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn.
  • Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện trạng thái hôn mê hoặc bị tử vong.
  • Biến chứng viêm cơ tim hoặc viêm dây thần kinh ngoại biên.

Hiện nay, người ta đã nghiên cứu ra các loại thuốc điều trị bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh phát triển mạnh vẫn có thể gây ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh của bệnh nhân trong khi sử dụng thuốc điều trị bệnh bạch hầu. Tỷ lệ tử vong của bệnh khá cao, chiếm đến 3% và cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Những thuốc điều trị bệnh bạch hầu: Cách sử dụng và phòng bệnh 2
Đường lây truyền chính của bệnh bạch hầu là sự phát tán của vi khuẩn qua đường hô hấp

Những loại thuốc điều trị bệnh bạch hầu

Theo phác đồ điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế, cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh như sau:

  • Phát hiện bệnh sớm và cách ly ngay khi phát hiện ca bệnh là rất quan trọng.
  • Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và các loại kháng sinh như Penicillin G, Erythromycin hoặc Azithromycin ngay lập tức để ngăn chặn biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.
  • Theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng để xử lý kịp thời. Đồng thời, cần chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân để đảm bảo quá trình hồi phục tốt nhất.

Kết hợp sử dụng các thuốc điều trị bệnh bạch hầu nhằm đạt hiệu quả cao:

Sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)

Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) nên được sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều dùng phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, không phụ thuộc vào độ tuổi hay cân nặng. Trước khi tiêm, cần thực hiện test, nếu dương tính thì sử dụng phương pháp giải mẫn cảm - Besredka.

Liều dùng thuốc:

  • Bạch hầu hầu họng hoặc thanh quản trong 2 ngày đầu: 20.000 - 40.000 UI;
  • Bạch hầu mũi họng: 40.000 - 60.000 UI;
  • Bạch hầu ác tính: 80.000 - 100.000 UI.

Trong trường hợp bệnh nhân mắc bạch hầu nặng, bác sĩ sẽ xem xét và sử dụng truyền tĩnh mạch SAD cho người bệnh. Cần theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ và chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu nếu xảy ra. Cách truyền là pha toàn bộ SAD trong 350 - 500ml nước muối 0,9%, truyền tĩnh mạch chậm trong 24 giờ.

Phương pháp Besredka được thực hiện như sau:

  • Tiêm 0,1ml huyết thanh bạch hầu, đợi 15 phút.
  • Nếu bước đầu sau khi tiêm truyền, bệnh nhân không có phản ứng, tiến hành tiêm thêm 0,25ml huyết thanh bạch hầu.
  • Nếu sau 15 phút vẫn không có phản ứng, thực hiện tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch với phần còn lại.
  • Nếu có biểu hiện nhạy cảm khi thử phản ứng, không nên sử dụng toàn bộ liều. Tiến hành thực hiện giải mẫn cảm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
nhung-thuoc-dieu-tri-benh-bach-hau-cach-su-dung-va-phong-benh 3.jpg
Huyết thanh kháng độc tố là thuốc điều trị bệnh bạch hầu

Sử dụng kháng sinh

Benzylpenicillin và Erythromycin là hai loại kháng sinh nằm trong danh mục thuốc điều trị bệnh bạch hầu với cơ chế và tác dụng như sau:

Benzylpenicillin (Penicillin G)

Đây là loại kháng sinh đầu tiên được sử dụng trong điều trị bệnh bạch hầu. Penicillin G được tổng hợp từ nấm Penicillium notatum (Penicillium chrysogenum) và có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Liều dùng phù hợp là 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày, chia 2 lần. Nên thực hiện tiêm bắp 14 ngày cho tới khi hết giả mạc.

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Benzylpenicillin trong điều trị bệnh bạch hầu như tình trạng ban da, nổi mề đay, thường xuyên ớn lạnh, sốt, kiệt sức, đau nhức ở khớp, kiệt sức và bị sốc phản vệ. Cần thận trọng với những người có tiền sử dị ứng với Penicillin và Cephalosporin do nguy cơ phản ứng chéo miễn dịch. Đặc biệt cẩn trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng thận, người cao tuổi và trẻ sơ sinh.

Những thuốc điều trị bệnh bạch hầu: Cách sử dụng và phòng bệnh 4
Tiêm bắp Penicillin G nhằm điều trị bệnh bạch hầu

Erythromycin

Thuộc nhóm Macrolid, Erythromycin có tác dụng kìm và diệt khuẩn ở nồng độ cao, do đó có thể tác dụng rộng. Thuốc này thường được sử dụng thay thế cho kháng sinh nhóm Beta-lactam ở những bệnh nhân dị ứng với Penicillin và được chỉ định phòng bệnh bạch hầu ở những người mất miễn dịch. Nên sử dụng thuốc trong vòng 14 ngày với liều lượng:

  • Trẻ em dùng liều 30 - 50mg/kg/ngày;
  • Người lớn dùng liều 500mg/lần x 4 lần/ngày.

Tác dụng phụ có thể xảy ra: Đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu. Những tác dụng phụ này thường liên quan đến liều lượng và xuất hiện nhiều ở người trẻ hơn là người cao tuổi. Đối với bệnh nhân mắc bệnh gan, suy thận, hoặc bệnh tim, cần rất thận trọng khi sử dụng Erythromycin. Thuốc này có thể làm giảm tác dụng của Clopidogrel, Zafirlukast và vắc xin thương hàn. Tránh sử dụng rượu vì nó có thể làm giảm hấp thu Erythromycin và tăng tác dụng phụ của rượu.

Cách điều trị khác

Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phối hợp với một số điều trị như sau:

  • Hỗ trợ quá trình hô hấp: Đảm bảo và làm thông thoáng đường thở. Nếu bệnh nhân bị khó thở thanh quản độ II, cần mở khí quản để duy trì sự thông thoáng của đường thở.
  • Hỗ trợ tuần hoàn: Cung cấp đầy đủ nước và điện giải theo nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt chú ý bù trừ khi bệnh nhân bị nôn ói, khó thở hoặc sốt cao.
  • Điều trị suy đa tạng và suy thận: Bệnh nhân mắc bạch hầu có thể cần lọc máu nếu bị suy đa tạng và suy thận.
  • Sử dụng kết hợp với thuốc Corticoid: Nếu gặp bệnh bạch hầu ác tính và bạch hầu thanh quản có tình trạng phù nề nhiều, có thể sử dụng thuốc Corticoid.

Việc điều trị kịp thời và đúng cách bệnh bạch hầu không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như suy thận, bệnh viêm cơ tim và tổn thương hệ thần kinh. Do đó thững thuốc điều trị bệnh bạch hầu đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. 

Vắc xin bạch hầu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh bạch hầu. Tiêm vắc xin không chỉ giúp bảo vệ cá nhân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn tạo ra miễn dịch cộng đồng, góp phần giảm thiểu lây lan trong xã hội. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp đầy đủ các loại vắc xin, bao gồm vắc xin bạch hầu. Với đội ngũ chuyên nghiệp và cơ sở vật chất hiện đại, Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin