Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm 6in1 và hướng xử trí phù hợp sau khi tiêm vắc xin

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Vắc xin 6in1 là vắc xin phối hợp có tác dụng phòng ngừa 6 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cũng giống như các loại vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin 6in1, trẻ có thể gặp các phản ứng phụ sau tiêm. Vậy các phản ứng sau tiêm 6in1 là gì?

Phản ứng sau tiêm 6in1 là một trong những vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Hiểu được tâm lý đó, trong bài viết sức khỏe dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản xoay quanh vấn để này để bạn có thể hiểu rõ hơn.

Một số phản ứng sau tiêm 6in1

Vắc xin 6in1 là loại vắc xin phối hợp giúp phòng ngừa 6 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do HIB.

Hiện nay, vắc xin 6in1 đang là sự lựa chọn phổ biến tại các cơ sở tiêm chủng với 2 phiên bản chính là Infanrix HexaHexaxim. Cả 2 loại vắc xin này đều cung cấp sự bảo vệ toàn diện 6 căn bệnh truyền nhiễm nêu trên, có thể thay thế lẫn nhau và thay thế cả vắc xin 5in1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Điểm chung của 2 loại vắc xin này đều sử dụng vi khuẩn ho gà dạng vô bào thay cho dạng nguyên bào, do đó mà độ an toàn của 2 loại vắc xin này khá cao.

Nói về phản ứng sau tiêm 6in1, các chuyên gia cho biết, tiêm vắc xin tức là đưa chất lạ vào cơ thể. Chính vì thế, khi đưa bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt như vắc xin 6in1 thì sau tiêm cũng đều có thể gây ra một số phản ứng phụ ngoài ý muốn.

Dưới đây là một số phản ứng sau tiêm 6in1, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Phản ứng phụ phổ biến nhất bao gồm mất vị giác, cảm giác kích thích cơ thể, sưng đỏ và đau tại vị trí tiêm, sốt, mệt mỏi, quấy khóc không rõ nguyên nhân.
  • Các phản ứng phụ thường gặp có thể kể đến như cảm giác bồn chồn, sưng tại vị trí tiêm, sốt cao trên 39,5 độ C, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Phản ứng phụ ít gặp đó là lơ mơ khi ngủ, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, sưng lan tỏa xung quanh vị trí tiêm, trong một số trường hợp có thể lan đến các khớp gần kề.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp có thể kể đến như phát ban, viêm phế quản.
  • Ngoài ra, một số phản ứng phụ rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin 6in1 cần phải lưu ý đó là viêm da, nổi mề đay, co giật.
Phản ứng sau tiêm 6in1 và hướng xử trí các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin 6in1 1
Sốt và mệt mỏi là các phản ứng sau tiêm 6in1 thường gặp

Hướng xử lý phản ứng sau tiêm 6in1

Như đã trình bày phía trên, sau khi tiêm vắc xin 6in1, trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ sau tiêm. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, không biết phải làm sao để cải thiện các phản ứng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các phản ứng sau tiêm 6in1 ở trẻ nhỏ đều ở mức độ nhẹ và đây là các dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đã được kích hoạt để bảo vệ cơ thể, hoàn toàn không gây nguy hiểm và không đáng lo ngại. Các phản ứng này sẽ dần thuyên giảm và biến mất sau 1 - 2 ngày mà không cần can thiệp điều trị.

Tuy nhiên, nếu muốn giúp trẻ giảm bớt sự khó chịu và thoải mái hơn sau khi tiêm vắc xin 6in1, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc khoa học dưới đây:

  • Để cải thiện các phản ứng phụ sau tiêm tại vị trí tiêm như sưng đau và nổi cục cứng, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp chườm mát nhẹ nhàng để giảm bớt cảm giác khó chịu. 
  • Cùng với đó, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu mềm, mỏng, thấm hút mồ hôi tốt như cotton để tránh cọ xát vào vị trí tiêm gây đau. 
  • Khi bế trẻ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý không tỳ đè mạnh vào vị trí tiêm của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần nhớ tuyệt đối không chườm nóng, không thoa dầu gió, không đắp bất cứ loại lá cây nào hay đắp khoai tây lên vị trí tiêm của trẻ bởi điều này có thể gây nhiễm trùng, thậm chí là dẫn đến hoại tử.
  • Trong trường hợp trẻ bị sốt, để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ có thể hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đồ thoáng mát và thấm hút mồ hôi, sử dụng khăn ấm chườm hoặc lâu người cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ vượt quá 38,5 độ C.
  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để trẻ mau chóng hồi phục.
  • Mặc dù hiếm gặp nhưng trong trường hợp trẻ xuất hiện các phản ứng sau tiêm 6in1 bất thường như sốt cao kéo dài khó hạ, co giật, tức ngực, khó thở, thở rít, quấy khóc dữ dội kéo dài, phản xạ kém, lừ đừ, nổi mề đay… cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

Thực tế cho thấy, sức đề kháng của mỗi trẻ là khác nhau, chính vì thế, cha mẹ hãy luôn lắng nghe và thảo luận với bác sĩ để có những hướng dẫn cụ thể và an toàn cho tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm vắc xin 6in1.

Phản ứng sau tiêm 6in1 và hướng xử trí các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin 6in1 2
Cha mẹ cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sau tiêm vắc xin 6in1

Làm sao để hạn chế các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin 6in1?

Theo các chuyên gia, các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin 6in1 có thể được hạn chế bằng cách:

Đảm bảo tuân thủ quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của Bộ Y tế

Đảm bảo an toàn trong quy trình tiêm chủng là yếu tố quan trọng đầu tiên không chỉ giúp hạn chế được phản ứng sau tiêm 6in1 mà còn làm tăng hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Về cơ bản, quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của Bộ Y tế cụ thể như sau:

  • Trước tiêm chủng: Khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ nếu đối tượng tiêm chủng là trẻ em.
  • Trong tiêm chủng: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, cụ thể là đúng loại vắc xin, đúng liều lượng và đúng đường tiêm.
  • Sau khi tiêm chủng: Theo dõi đối tượng tiêm chủng tối thiểu 30 phút, đồng thời hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, cha mẹ hoặc người giám hộ tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
Phản ứng sau tiêm 6in1 và hướng xử trí các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin 6in1 3
Cha mẹ cần cho trẻ ngồi lại theo dõi tối thiểu 30 phút sau tiêm phòng

Cha mẹ cần ghi nhớ tiền sử dị ứng của trẻ

Cha mẹ hoặc người giám hộ cần có trách nhiệm ghi nhớ các tiền sử dị ứng của trẻ và trao đổi cụ thể với bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng. Bên cạnh việc khám sức khỏe trước tiêm, đây còn là căn cứ quan trọng để giúp bác sĩ có thể đưa ra được chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm đối với vắc xin 6in1.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi tiêm vắc xin 6in1

Trong trường hợp trẻ đang mắc phải bệnh lý hay vấn đề sức khỏe nào đó, chẳng hạn như tiêu chảy, sốt khi mọc răng, trẻ bị suy giảm miễn dịch… cha mẹ hoặc người giám hộ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm phòng vắc xin 6in1 để xem xét các yếu tố có lợi và rủi ro, các tác dụng phụ có thể xảy ra từ đó cân nhắc có hay không cho trẻ tiêm vắc xin 6in1.

Phản ứng sau tiêm 6in1 và hướng xử trí các phản ứng sau tiêm phòng vắc xin 6in1 4
Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm 6in1 nếu trẻ đang bị bệnh

Trên đây là những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề cho trẻ tiêm phòng vắc xin 6in1 mà Tiêm Chủng Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về các phản ứng sau tiêm 6in1, hướng xử trí khi gặp các phản ứng này.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm