Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?

Ngày 27/10/2024
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp. Bệnh không chỉ đặc trưng bởi các triệu chứng sốt cao, đau cơ, phát ban mà còn có thể tiến triển đến các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết nội tạng và sốc. Trong số các triệu chứng, đau bụng được coi là dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý, vì có thể báo hiệu sự chuyển biến nguy hiểm của bệnh. Vậy sốt xuất huyết đau bụng có sao không? Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Nếu bạn đang quan tâm đến câu hỏi “Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?” thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về sốt xuất huyết giúp bạn giải đáp thắc của mình.

Tổng quan về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, thuộc họ Flaviviridae. Virus Dengue được truyền sang người chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. 

Virus Dengue có bốn type huyết thanh khác nhau (DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4). Nhiễm một type không tạo miễn dịch chéo cho các type khác dẫn đến nguy cơ mắc lại và xuất hiện các biến chứng nặng. Bệnh phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với tần suất gia tăng trong mùa mưa.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-dau-bung-co-sao-khong 1
Sốt xuất huyết là gì?

Triệu chứng

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm thường diễn biến qua ba giai đoạn với các triệu chứng đặc trưng:

  • Giai đoạn sốt (kéo dài từ 2 đến 7 ngày): Khởi phát với sốt cao đột ngột (>39°C), kèm theo nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ và khớp, phát ban và chảy máu nhẹ. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn.
  • Giai đoạn nguy hiểm (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu): Mặc dù sốt có thể giảm, nguy cơ biến chứng tăng cao. Các dấu hiệu bao gồm đau bụng dữ dội, nôn liên tục, xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc, gan to và dấu hiệu tích tụ dịch (phù chân, tràn dịch màng phổi). Đây là giai đoạn cần theo dõi sát sao.
  • Giai đoạn hồi phục (kéo dài từ 48 đến 72 giờ): Lúc này, tình trạng bệnh nhân có thể cải thiện rõ rệt với sự tái hấp thu dịch và ổn định lại các chức năng sinh lý. Nhiệt độ cơ thể trở về bình thường, tình trạng tổng quát tốt hơn và các dấu hiệu chảy máu giảm dần. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi bệnh nhân để đảm bảo không có biến chứng muộn.

Việc nhận biết qua ba giai đoạn của sốt xuất huyết đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong và các biến chứng nguy hiểm.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-dau-bung-co-sao-khong 2
Sốt cao là một trong những triệu chứng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?

Đau bụng trong bệnh sốt xuất huyết là một triệu chứng cần được đặc biệt quan tâm vì có thể là triệu chứng báo hiệu các biến chứng nguy hiểm trong giai đoạn nặng của bệnh. Thông thường, triệu chứng này xuất hiện sau 3 đến 7 ngày từ khi bệnh nhân bắt đầu sốt, do hiện tượng rò rỉ huyết tương từ mạch máu vào các khoang cơ thể như ngực, gan hoặc bụng.

Các dấu hiệu khác có thể đi kèm với đau bụng trong sốt xuất huyết nặng bao gồm nôn mửa liên tục, xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc có máu trong phân), chảy máu mũi hoặc nướu và cảm giác mệt mỏi, bồn chồn. Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi cơn sốt giảm đi trong vòng 24 đến 48 giờ.

goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-dau-bung-co-sao-khong 3
Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?

Dựa vào thông tin trên, câu trả lời cho câu hỏi “Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?” là có, đây là triệu chứng cần được quan tâm. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đau bụng khi mắc sốt xuất huyết đều là dấu hiệu của biến chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp có thể do nhiễm trùng đường tiêu hóa thông thường, không liên quan đến sự tiến triển nặng của diễn biến bệnh sốt xuất huyết. 

Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn cần được thăm khám và chẩn đoán sớm tại các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời nhằm tránh nguy cơ biến chứng.

Nguyên nhân gây đau bụng khi sốt xuất huyết

Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra đau bụng trong sốt xuất huyết:

  • Tổn thương gan: Sốt xuất huyết có thể dẫn đến tổn thương gan gan, do huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch gây căng tức vùng gan. Điều này đi kèm với sự gia tăng men gan, dẫn đến cảm giác đau ở vùng bụng trên phải. Tỷ lệ bệnh nhân trưởng thành bị tổn thương gan dao động từ 4% đến 52% và có khoảng 45 – 96% bệnh nhân sốt xuất huyết có nồng độ men gan tăng cao, thậm chí có thể tăng đến mức đáng báo động.
  • Xuất huyết nội tạng: Trong giai đoạn nặng, tổn thương mạch máu và giảm tiểu cầu gây xuất huyết nội tạng, đi kèm đau bụng dữ dội, nôn mửa, đi tiêu ra máu. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến sốc và suy đa cơ quan.
  • Viêm dạ dày: Virus Dengue có thể gây viêm lớp niêm mạc dạ dày dẫn đến tổn thương bề mặt niêm mạc làm cho lớp bảo vệ của dạ dày trở nên yếu, khiến axit dạ dày có thể gây tổn thương sâu hơn và gây đau dữ dội. Người bệnh thường có các triệu chứng đi kèm như buồn nôn và nôn mửa.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Sốt xuất huyết có thể gây chảy máu trong đường tiêu hóa khi các mạch máu ở dạ dày hoặc ruột bị tổn thương. Tình trạng này không chỉ gây đau bụng mà còn có thể đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác như nôn ra máu và tiêu chảy có máu, đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp.
  • Viêm hạch mạc treo: Hạch bạch huyết trong mạc treo, phần nối ruột với thành bụng, có thể bị viêm do phản ứng của cơ thể với virus Dengue. Viêm hạch mạc treo thường gây đau bụng dưới, cơn đau có thể lan rộng và kèm theo sốt cao, buồn nôn.
  • Tắc mạch máu nội tạng: Tình trạng thoát huyết tương trong sốt xuất huyết có thể dẫn đến rối loạn đông máu và hình thành cục máu đông trong các mạch máu nội tạng. Sự tắc nghẽn này gây giảm oxy cung cấp cho các cơ quan dẫn đến đau bụng dữ dội, kèm theo nguy cơ hoại tử.
  • Viêm túi mật: Đây là tình trạng viêm túi mật không do sỏi, xảy ra khi dịch mật ứ đọng gây tăng áp lực bên trong túi mật. Sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ này do sự xâm nhập của virus vào túi mật, gây phản ứng viêm cấp tính. Triệu chứng thường bao gồm đau bụng bên phải, buồn nôn và nôn mửa.
  • Viêm tụy cấp: Tình trạng này có thể do virus Dengue tấn công trực tiếp vào tụy hoặc do các rối loạn đông máu dẫn đến tắc nghẽn mạch máu ở tụy. Triệu chứng đặc trưng là đau bụng dữ dội lan lên lưng, kèm theo nôn mửa và sốt.
  • Viêm đại tràng: Viêm đại tràng có thể xuất hiện do ảnh hưởng của virus hoặc do tác dụng phụ của các thuốc dùng để điều trị sốt xuất huyết. Triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, tiêu chảy và trong một số trường hợp có thể kèm theo máu trong phân.
goc-giai-dap-sot-xuat-huyet-dau-bung-co-sao-khong 4
Sốt xuất huyết đau bụng có thể là triệu chứng nguy hiểm của bệnh

Những nguyên nhân trên cho thấy rằng đau bụng trong sốt xuất huyết là một triệu chứng phức tạp, có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố bệnh lý. Việc theo dõi và can thiệp y tế kịp thời là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến câu hỏi: “Sốt xuất huyết đau bụng có sao không?”. Nhìn chung, đau bụng trong sốt xuất huyết là một triệu chứng quan trọng cần được chú ý, đặc biệt khi xuất hiện trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Do đó, việc theo dõi sát sao và can thiệp y tế kịp thời là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ biến chứng, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Xem thêm: 

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải biến chứng nặng? 

Các biến chứng của sốt xuất huyết bạn đã biết chưa?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin