Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Suy tim ứ huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ

Suy tim ứ huyết là tình trạng chức năng co bóp của tim không hiệu quả khiến việc tống máu từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm, gây ra hiện tượng máu bị ứ lại tại tĩnh mạch ngoại biên. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh suy tim ứ huyết sẽ giúp người bệnh tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tim là một cơ quan quan trọng của hệ tuần hoàn. Chính vì thế, nếu có bất kỳ tổn thương hoặc bệnh lý nào xảy ra ở cơ quan này đều sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Có nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm, trong đó suy tim ứ huyết là một trong những biến chứng nặng nề và khó điều trị.

Suy tim ứ huyết là gì?

Suy tim là bệnh lý xảy ra do chức năng co bóp của cơ tim bị suy giảm, không cung cấp đủ nhu cầu máu của của các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gây ứ trệ tuần hoàn máu tại mạch máu và cơ quan (còn được gọi là ứ huyết). Trong hầu hết các trường hợp, suy tim không phải là bệnh lý xảy ra do tim (nguyên phát) mà là hậu quả do nhiều nguyên nhân thứ phát gây ra.

Dựa theo khu vực tim bị ảnh hưởng, suy tim ứ huyết được chia thành 2 dạng, bao gồm:

  • Suy tim trái: Đây là tình trạng hoạt động co bóp của tâm thất trái kém hiệu quả, dẫn đến máu bị ứ đọng tại tâm thất trái. Trong khi đó, tâm thất trái vẫn phải hoạt động và máu từ phổi về tâm nhĩ trái, gây ứ trệ máu tại phổi.
  • Suy tim phải: Tình trạng này xảy ra do hoạt động co bóp của tâm thất phải bị suy giảm, dẫn đến máu lên phổi cũng bị giảm khiến máu ứ đọng tại tâm thất phải và gây cản trở tuần hoàn trở lại tim phải.

Khi tình trạng suy tim một bên xảy ra, bên tim còn lại phát hoạt động gắng sức trong thời gian dài nhằm đảm bảo nhu cầu tuần của cơ thể. Do đó, các dạng suy tim trái hoặc phải thường sẽ tiến triển thành suy tim toàn bộ. Đây là dạng suy tim ở mức độ nặng, tiến triển nhanh chóng và gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Suy tim ứ huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 1
Suy tim ứ huyết là tình trạng ứ trệ tuần hoàn máu do suy giảm chức năng co bóp của tim

Nguyên nhân dẫn đến suy tim ứ huyết

Suy tim ứ huyết có thể là hậu quả được gây ra bởi nhiều nguyên nhân thứ phát, bảo gồm:

  • Sau nhồi máu cơ tim: Khi động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị tắc nghẽn do một nguyên nhân nào đó sẽ khiến cho quá trình cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim bị cắt đứt. Từ đó, một số vùng cơ tim bị hoại tử, tạo thành sẹo khiến cho khả năng co bóp của cơ tim bị suy giảm.
  • Sau tăng huyết áp: Tình trạng huyết áp cao không được kiểm soát tốt và kéo dài lâu ngày sẽ tạo ra một sức cản lớn trong lòng mạch máu. Lúc này, tim phải co bóp nhiều và mạnh hơn để thắng được sức cản này. Từ đó, trái tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài và dẫn đến bệnh lý suy tim.
  • Bệnh lý van tim: Các bệnh lý về van tim (đặc biệt là bệnh lý về van 2 lá) không được phát hiện sớm và điều trị sẽ khiến cho tim phải hoạt động quá sức, về lâu dài gây ra bệnh suy tim.
  • Bệnh lý tim bẩm sinh: Các bệnh như thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot…
  • Bệnh viêm cơ tim.
  • Bệnh lý rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài lâu ngày gây suy tim.
  • Bệnh lý cơ tim do rượu: Việc sử dụng quá nhiều rượu khiến cho sức co bóp của cơ tim bị yếu dần.

Có khoảng 40% trường hợp suy tim ứ huyết không xác định được một nguyên nhân cụ thể nào gây ra bệnh.

Suy tim ứ huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 2
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh suy tim

Triệu chứng suy tim ứ huyết

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim ứ huyết, bao gồm:

Khó thở

Khó thở là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và hay gặp nhất của suy tim ứ huyết. Người bệnh có cảm giác thiếu không khí, ngộp thở, hụt hơi khi gắng sức như chạy bộ, leo cầu thang hoặc vận động mạnh. Trong trường hợp suy tim nặng, các biểu hiện trên có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh không làm gì hoặc nằm nghỉ ngơi.

Tính chất khó thở thường sẽ xuất hiện về đêm, bệnh nhân nằm đầu thấp và dễ thở hơn khi ngồi dậy.

Tuy nhiên, khó thở không chỉ là triệu chứng của suy tim mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Do đó, rất khó xác định được chính xác nguyên nhân gây khó thở là do suy tim hay do một bệnh lý nào đó ở phổi hoặc nguyên nhân khác.

Suy tim ứ huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 3
Khó thở là triệu chứng thường gặp trong suy tim ứ huyết

Phù

Giai đoạn đầu của bệnh, biểu hiện phù thường kín đáo ở mắt cá hoặc mu bàn chân. Đặc điểm của phù do suy tim ứ huyết là phù mềm, trắng, lõm khi ấn ngón tay vào và không gây đau. Phù thường nhẹ vào buổi sáng và rõ hơn vào cuối ngày. Tình trạng phù sẽ tăng dần, dễ nhận biết hơn và có thể phù toàn thân khi suy tim tiến triển nặng hơn.

Phù do suy tim là hậu quả của tình trạng cơ tim bị suy giảm sức co bóp, gây ứ trệ dịch nước trong cơ thể và thoát ra các mô ngoại biên sau đó. Ngoài ra, tình trạng giảm tưới máu đến thận cũng là nguyên nhân gây phù do tăng giữ nước và muối trong cơ thể.

Tĩnh mạch cổ nổi

Đây là một trong các dấu hiệu của hiện tượng ứ trệ tuần hoàn trong cơ thể, xảy ra do tim co bóp không đủ khiến lượng máu tĩnh mạch đổ về tim bị ứ trệ. Hậu quả là một lượng máu bị giữ lại trong hệ tĩnh mạch và biểu hiện ra bên ngoài là tĩnh mạch cổ nổi rõ dưới da, đặc biệt là khi người bệnh nằm nghỉ.

Các triệu chứng khác

Suy tim ứ huyết có thể gây ra một số triệu chứng khác như:

  • Gan to.
  • Người bệnh ho nhiều về đêm, ho khan kèm với tình trạng khó thở.
  • Dễ bị mệt mỏi, đặc biệt là khi gắng sức hoặc làm việc nặng.
  • Khó ngủ, ngủ không đủ giấc, mất ngủ do ho và khó thở về đêm.

Chẩn đoán suy tim ứ huyết

Để chẩn đoán bệnh suy tim ứ huyết, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

  • Siêu âm tim: Đây là phương pháp cận lâm sàng quan trọng nhất trong việc chẩn đoán suy tim. Thông qua chỉ số EF (phân suất tống máu) trong siêu âm tim sẽ giúp đánh giá được khả năng tống máu của cơ tim. Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp đánh giá được sự giãn nở của buồng tim, tình trạng của van tim (hẹp hay hở) hay phát hiện ra dấu hiệu bất thường của bệnh tim bẩm sinh (các shunt tim)...
  • Chụp X-quang tim phổi: Hình ảnh tim to, phát hiện được sự gia tăng các mạch máu trong phổi do tình trạng ứ huyết ở phổi và các dấu hiệu nhiễm trùng phổi gây ra đợt suy tim cấp ở bệnh nhân suy tim mạn.
  • Điện tâm đồ: Phương pháp này ít có giá trị trong chẩn đoán suy tim ứ huyết, chủ yếu đánh giá được các rối loạn nhịp tim do suy tim.
Suy tim ứ huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 4
Siêu âm tim là một phương pháp cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán suy tim

Điều trị bệnh suy tim ứ huyết như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh suy tim ứ huyết gồm có:

Điều trị các yếu tố thúc đẩy

Nguyên tắc này sẽ dựa trên các triệu chứng xảy ra, cụ thể là:

  • Nhiễm trùng: Nếu xảy ra nhiễm trùng như nhiễm trùng tiểu, viêm phổi… thì bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh, có sốt thì hạ sốt.
  • Tăng huyết áp: Việc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp giảm triệu chứng của suy tim.
  • Nhịp tim nhanh: Sử dụng thuốc kiểm soát nhịp tim.
  • Thiếu máu: Bù dịch và máu đầy đủ.

Kiểm soát chặt chẽ tiến triển của suy tim

Có 3 nhóm thuốc chính được sử dụng để kiểm soát tình trạng tiến triển của bệnh suy tim ứ huyết, cụ thể là:

  • Thuốc tăng co bóp cơ tim: Một số thuốc thường dùng trong các trường hợp sốc tim hoặc suy tim nặng như dopamin, digoxin, dobutamin.
  • Thuốc lợi tiểu: Gồm có thuốc lợi tiểu kháng aldosteron (spironolacton) và thuốc lợi tiểu quai (furosemid) có tác dụng giúp đào thải bớt dịch ra ngoài, giảm triệu chứng ứ huyết do suy tim gây ra.
  • Thuốc giãn mạch: Thuốc chẹn thụ thể aldosterone hoặc thuốc ức chế men chuyển được ưu tiên sử dụng nhằm giúp giãn mạch, hạn chế tình trạng tái hấp thu nước và muối tại thận.

Điều trị nguyên nhân gây suy tim (nếu có thể)

Một số nguyên nhân gây suy tim như:

  • Bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh van tim: Thực hiện phẫu thuật tạm thời hoặc triệt để ở những bệnh nhân trẻ hoặc có tiên lượng sống còn nhiều.
  • Tăng huyết áp: Việc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp hạn chế được đợt suy tim cấp và điều trị được nguyên nhân chính gây suy tim.

Điều trị hỗ trợ

Một số biện pháp đi kèm nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân suy tim ứ huyết như:

  • Nằm đầu cao khi thấy khó thở.
  • Thở oxy khi xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, bù đủ lượng dịch và đảm bảo năng lượng cho người bệnh hoạt động.

Tóm lại, suy tim ứ huyết là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế được các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ hoặc thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Xem thêm: Bệnh suy tim ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.