Thành phố Hồ Chí Minh công bố bệnh sởi và hình thức chống dịch
Ngày 28/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tính đến ngày 26 tháng 8 năm 2024, số bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã là 410 ca, với 3 ca đã tử vong và bệnh sởi đang có chiều hướng tiếp tục tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 3447/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2024 Quyết định Về việc công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên TP.HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên công bố dịch này trong năm nay.
Theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C:
Một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất;
Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên;
Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), số ca sởi đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Sởi là bệnh truyền nhiễm được xếp vào nhóm B. Trong tuần 34, thành phố đã ghi nhận gần 80 ca phát ban nghi ngờ sởi, gần gấp đôi so với số ca trung bình của 4 tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến ngày 26 tháng 8, thành phố đã ghi nhận 410 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023, chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Sự gia tăng ca mắc sởi được đánh giá là do gián đoạn nguồn cung vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng trước đó, cùng với việc tỉ lệ tiêm đủ mũi vắc xin sởi đạt thấp dưới 95%, dẫn đến sự suy giảm miễn dịch cộng đồng.
Đặc điểm và nguy cơ của bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, chủ yếu lây lan qua đường hô hấp từ người sang người. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh sởi có biểu hiện bao gồm sốt cao, viêm long đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, kết mạc mắt và nổi ban đặc trưng trên da. Một trong những yếu tố tác nhân chính để sởi phát sinh tiến triển thành dịch là do miễn dịch cộng đồng suy yếu bởi sự gián đoạn trong tiêm chủng.
Người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những người chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm nhưng không đầy đủ. Đặc biệt, trẻ em chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và những người có hệ miễn dịch yếu là nhóm đối tượng dễ gặp phải biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
Biện pháp phòng chống dịch
Với tình hình dịch sởi hiện nay tại TP.HCM, đòi hỏi các biện pháp phòng chống và ứng phó phải được triển khai quyết liệt để kiểm soát tình hình.
Chiến dịch tiêm chủng
Để đối phó với dịch sởi, TP.HCM đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng lớn nhằm bảo vệ trẻ em. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 từ 31/8/2024 đến 30/9/2024, tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi sẽ được tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella (MR). Các hình thức tiêm chủng bao gồm tiêm tại cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng, trạm y tế và bệnh viện. Việc sử dụng vắc xin phối hợp sởi-rubella sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ em và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Giám sát và phát hiện sớm
Các cơ sở y tế sẽ được yêu cầu phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sởi và thực hiện xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải tổ chức phân luồng bệnh nhân và có khu vực riêng để sàng lọc bệnh sởi, đồng thời yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang để tránh lây lan. Việc báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện nhanh chóng để kịp thời đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết.
Phòng ngừa trong các cơ sở y tế
Để phòng tránh sự lây lan trong bệnh viện, các nhân viên y tế và bệnh nhân chưa được tiêm chủng hoặc tiêm thiếu mũi (chưa đũ mũi tiêm) cần được tiêm phòng. Việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện là rất quan trọng, do đây là môi trường đặc biệt dễ bị lây lan, nếu không kiểm soát tốt sẽ phát tán ra cộng đồng. Đồng thời, các cơ sở y tế cần phải duy trì các biện pháp vệ sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh chính trong cơ sở y tế của mình, phòng tránh lây lan ra cộng đồng dân cư.
Tăng cường truyền thông và giám sát
Ngành y tế cũng sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sởi trong cộng đồng, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng tại các cơ sở giáo dục. Việc phát hiện sớm ca bệnh sởi và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời là rất quan trọng. Đặc biệt, các trường học và nhóm trẻ cần chú trọng công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Kế hoạch ứng phó của TP.HCM
Ngay sau khi công bố dịch, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành kế hoạch ứng phó với dịch sởi, bao gồm các hoạt động chính như:
Phát hiện sớm: Đưa ra các biện pháp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh sởi.
Ngăn chặn lây lan: Hạn chế lây lan dịch sởi trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế.
Chiến dịch tiêm chủng: Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, mở rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường giám sát: Các cơ sở y tế và trạm y tế địa phương sẽ giám sát và điều tra dịch tễ, thực hiện cách ly và điều trị kịp thời.
Lời khuyên cho du khách
Với việc TP.HCM công bố dịch sởi, nhiều người có thể lo lắng về tình hình sức khỏe khi đến thành phố. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh từ Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi không cần phải quá lo lắng. Miễn dịch do vắc xin cung cấp sẽ giúp bảo vệ họ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, du khách và người dân nên chú ý kiểm tra lịch sử tiêm chủng, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi tình hình sức khỏe, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, phát ban hoặc các triệu chứng nghi ngờ sởi, nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và việc công bố dịch sởi tại TP.HCM cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Các biện pháp phòng chống, bao gồm chiến dịch tiêm chủng, giám sát, phát hiện sớm và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Người dân và du khách cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tuân thủ các hướng dẫn y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.