Vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành? Chăm sóc người bệnh sau mổ bướu cổ
Ngày 31/01/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hiện nay, các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng. Đối với những trường hợp tiến hành mổ bướu cổ, bệnh nhân sẽ mất một khoảng thời gian để phục hồi sau khi phẫu thuật. Thời gian vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành phụ thuộc vào việc kiêng cữ trong chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và vệ sinh vết mổ đúng cách.
Tuyến giáp là một trong những cơ quan nội tiết vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Khi tuyến giáp hoạt động không tốt dễ dẫn một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh bướu cổ. Mổ bướu cổ là một trong những phương pháp điều trị cho những bệnh nhân có bướu giáp và bị u tuyến giáp. Vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành là mối quan tâm của nhiều người bệnh.
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ là tên gọi phổ biến để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, y học gọi là bướu tuyến giáp, biểu hiện thường thấy nhất là vùng cổ bệnh nhân bị lồi lên do tuyến giáp sưng và tăng kích thước bất thường. Tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ ở nữ giới thường cao hơn so với nam giới.
Có ba loại bướu cổ thường gặp:
Bướu cổ lành tính: Khoảng 80% bướu tuyến giáp là bướu cổ lành tính. Bệnh chỉ khiến kích thước tuyến giáp tăng bất thường mà không làm thay đổi chức năng của tuyến giáp. Tuy nhiên, bướu cổ có kích thước to sẽ chèn vào khí quản, thực quản gây khó nuốt, khó thở hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.
Bướu cường giáp: Là bệnh lý tuyến giáp do rối loạn chức năng nội tiết, tuyến giáp tiết quá nhiều hormone. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như hồi hộp, tức ngực, kiệt sức, sụt cân nhanh, rối loạn giấc ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi,...
Bướu cổ ác tính (ung thư tuyến giáp): Là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp, gây xâm lấn các cơ quan xung quanh. Bệnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có mức độ nguy hiểm cao hơn so với bướu cổ lành tính và bướu cường giáp.
Những trường hợp cần mổ bướu cổ
Phần lớn các loại bướu cổ thường lành tính và hầu như không cần phải phẫu thuật. Trong những trường hợp thật sự cần thiết, các bác sĩ mới chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật mổ bướu cổ thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
Khi điều trị bướu giáp, cường giáp bằng phương pháp nội khoa (dùng thuốc) nhưng không có kết quả;
Bệnh nhân bị bướu thể nhân nhu mô cần được cắt bỏ sớm vì có thể gây ung thư hóa, nhất là bệnh nhân nam trên 40 tuổi;
Bướu tuyến giáp thể nang phát triển nhanh, chứa đầy và các bướu chìm sau xương ức, kèm theo các dấu hiệu chèn ép các cơ quan trong trung thất hoặc đe dọa vỡ;
Tuyến giáp hoạt động quá mức làm rối loạn chức năng rõ rệt, đặc biệt là ảnh hưởng đến mắt.
Vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành?
Vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành là câu hỏi khó có thể trả lời chính xác được. Thời gian lành của vết mổ bướu cổ phụ thuộc vào việc kiêng cữ, vệ sinh vết mổ đúng cách kết hợp với chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý, khoa học. Thông thường, nếu được chăm sóc tốt, vết mổ sẽ mất khoảng 1 - 2 tuần để lành từ bên ngoài, tầm 3 - 6 tháng để vết mổ lành lặn hẳn.
Bất kỳ vết thương hở hay vết mổ nào cũng cần trải qua một quá trình chữa lành và diễn ra theo 4 giai đoạn chính sau:
Giai đoạn cầm máu: Các mạch máu sẽ có lại, tiểu cầu cùng các yếu tố đông máu sẽ liên kết với nhau để bao phủ và bịt kín các thành mạch máu giúp máu ngừng chảy.
Giai đoạn viêm: Triệu chứng điển hình ở giai đoạn sau mổ bướu cổ là đau, sưng đỏ, nóng vết mổ. Hiện tượng này là bình thường và sẽ giảm dần về sau. Tuy nhiên cần theo dõi tình trạng này để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
Giai đoạn tăng sinh: Các mô và mạch máu mới bắt đầu được hình thành, thay thế những mô bị tổn thương và cung cấp đầy đủ oxy cũng như chất dinh dưỡng cho vết mổ.
Giai đoạn tái tạo: Collagen được sản sinh và tái tạo giúp đóng lại vết thương hoàn toàn. Tuy nhiên, vết mổ thường sẽ để lại sẹo, ban đầu là lớp da non có màu hồng nhạt, khá gồ ghề trên bề mặt da. Theo thời gian, vết sẹo có thể to lên và dẫn đến sẹo lồi.
Nguy cơ biến chứng sau mổ bướu cổ
Nhiều bệnh nhân bị bướu tuyến giáp cho rằng sau khi cắt bỏ khối bướu thì sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng sau khi mổ bướu cổ như:
Chảy máu sau phẫu thuật: Biến chứng này ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Chảy máu sau mổ thường xảy ra 24 - 48 giờ sau mổ, chảy máu vùng cổ có thể gây ra khó thở, lúc này cần có biện pháp cấp cứu bằng cách mở vết mổ để cầm máu.
Khàn giọng, mất tiếng hay thay đổi giọng: Tổn thương thanh quản trong quá trình phẫu thuật có thể làm thay đổi giọng nói, khàn tiếng trong vài ngày hoặc vài tuần sau phẫu thuật, nghiêm trọng hơn là khàn tiếng vĩnh viễn.
Suy giáp: Trường hợp cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp sẽ làm bệnh nhân suy giáp vĩnh viễn và cần phải dùng thuốc hormon tuyến giáp cả đời. Suy giáp biểu hiện qua các triệu chứng như kinh nguyệt thất thường, mệt mỏi, cảm lạnh, thiếu sức sống,...
Tổn thương tuyến cận giáp: Xuất hiện các triệu chứng của hạ canxi máu như tê tay, tê chân, chuột rút, bàn tay co quắp các ngón,...
Nhiễm trùng vết mổ: Vết mổ bị mưng mủ, sưng viêm kéo dài kèm theo mệt mỏi và sốt.
Chăm sóc người bệnh sau mổ bướu cổ
Vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc đúng cách. Sau đây là một số lưu ý trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng như vết thương sau khi mổ bướu cổ:
Sau khi mổ, vết thương còn đau trong khoảng 5 - 7 ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau và thuốc làm tan máu tụ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vệ sinh vết mổ là việc hết sức quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu. Việc thay băng vết mổ cần thực hiện hàng ngày hoặc cách ngày. Đa phần các trường hợp, người bệnh sẽ không được tắm (bằng vòi hoa sen hay tắm bồn) hay cho nước tiếp xúc trực tiếp với vết mổ cho đến khi vết thương liền hoàn toàn. Lưu ý theo dõi vết mổ hàng ngày, nếu thấy các biểu hiện bất thường như: Sưng tấy, thâm tím, chảy máu hoặc chảy dịch tiết, cần liên hệ ngay với bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Sau khi mổ bướu cổ, người bệnh có thể ăn uống bình thường nhưng sẽ có cảm giác khó nuốt và nuốt đau, nuốt vướng. Vì vậy nên ăn các món ăn dễ nuốt, dễ tiêu như cháo, súp, bún, phở,… Người bệnh cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh và điều độ.
Khi vết mổ bắt đầu đóng vảy gây ngứa ngáy, người bệnh không nên gãi và có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống sẹo và kem dưỡng ẩm làm mềm da và bớt ngứa.
Không vận động mạnh hay mang vác vật nặng ít nhất hai tuần đầu, đặc biệt tránh gập duỗi vùng cổ, xoay đầu quá mức.
Người bệnh cần nói chuyện nhẹ nhàng, không lớn tiếng để tránh tác động lên vùng cổ, ảnh hưởng đến vết mổ.
Hạn chế để vùng da tại vết mổ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để tránh bị sạm.
Tuyệt đối không hút thuốc, không sử dụng rượu bia hay chất kích thích để tăng tốc độ phục hồi và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Uống thuốc và tái khám đúng hẹn.
Việc thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi phẫu thuật có vai trò quan trọng trong việc ổn định sức khỏe người bệnh, cũng như quyết định vết mổ bướu cổ bao lâu mới lành. Sau khi mổ bướu cổ, người nhà và bệnh nhân cần thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ và theo dõi tình trạng sức khỏe để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi thấy bất cứ triệu chứng bất thường cần tìm đến bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm