Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xạ trị ung thư tuyến giáp: Phương pháp điều trị hiệu quả và những điều cần biết

Chùng Linh

27/01/2025
Kích thước chữ

Nhắc đến ung thư, người ta sẽ nghĩ ngay đến căn bệnh thế kỷ, khó có thể chữa khỏi. Thực tế lại cho thấy rằng, ung thư tuyến giáp là bệnh lý​ có tỷ lệ sống cao nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Một trong những phương pháp phổ biến để điều trị bệnh lý này đó là xạ trị. Hãy cùng tìm hiểu xạ trị ung thư là gì nhé!

Điều trị bằng iod phóng xạ (RAI) là một phương pháp quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm và người bệnh đáp ứng tốt, tỷ lệ sống có thể đạt gần 100%. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu rõ hơn về xạ trị ung thư tuyến giáp là gì, cũng như hiệu quả của phương pháp điều trị đối với bệnh nhân.

Tổng quan về ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư nội tiết phổ biến nhất, nhưng có tiên lượng rất tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp phát triển chậm, đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, với tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt trên 98 - 99% nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến giáp vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố được cho là yếu tố thuận lợi để hình thành nên tế bào ung thư giáp đó là yếu tố di truyền, giới tính (nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới), các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, tiếp xúc với phóng xạ hay một số tác động từ yếu tố môi trường và lối sống…

xa-tri-ung-thu-tuyen-giap-la-gi 1.jpg
Ung thư tuyến giáp có tiên lượng rất tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Ung thư tuyến giáp thường không biểu hiện thành triệu chứng cụ thể ở những giai đoạn đầu. Người ta thường phát hiện bệnh một cách tình cờ thông qua các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đang điều trị một bệnh lý khác liên quan đến tuyến giáp. 

Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số bệnh nhân có thể sờ thấy khối u nhỏ ở cổ, di động theo nhịp nuốt. Nếu có hạch cổ, hạch có thể mềm hoặc chắc, di động hoặc cố định tùy vào mức độ xâm lấn.

Ở những giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sụt cân không rõ nguyên nhân, khối u lớn hơn với mật độ dày đặc, có thể chèn ép gây khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nổi hạch ở cổ, vùng da cổ có thể bị thâm nhiễm, sùi loét…

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến giáp vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với nam giới.
  • Tiếp xúc với phóng xạ: Đặc biệt là ở độ tuổi nhỏ, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp trong tương lai.
  • Bệnh lý tuyến giáp nền: Viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bướu giáp lâu năm có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
  • Yếu tố môi trường và lối sống: Thiếu iod trong chế độ ăn uống hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Xạ trị ung thư tuyến giáp là gì?

Trong điều trị ung thư tuyến giáp, thuật ngữ "xạ trị" chủ yếu đề cập đến điều trị bằng iod phóng xạ (RAI - Radioactive Iodine Therapy), chứ không phải xạ trị ngoài như trong các loại ung thư khác. RAI sử dụng iod-131, một đồng vị phóng xạ của iod, được tuyến giáp hấp thụ và phát ra bức xạ beta để tiêu diệt tế bào tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật hoặc các tế bào ung thư đã di căn.

Phương pháp này mang lại hiệu quả cao vì tuyến giáp có khả năng hấp thụ gần như toàn bộ iod nạp vào cơ thể. Loại iod phóng xạ được sử dụng phổ biến nhất đó là I-131 (Radioiodine - RAI). Iod phóng xạ I-131 sau khi được tuyến giáp thu thập sẽ phát ra bức xạ để phá hủy tế bào tuyến giáp, bao gồm cả tế bào bình thường và tế bào ung thư. 

Liều iod-131 sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp thường cao hơn đáng kể so với liều dùng trong quét iod phóng xạ chẩn đoán. Phương pháp này có thể tiêu diệt các mô tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật hoặc điều trị ung thư tuyến giáp đã di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.

xa-tri-ung-thu-tuyen-giap-la-gi 2.jpg
Xạ trị ung thư tuyến giáp mang lại hiệu quả cao

RAI được chỉ định trong trường hợp nào?

Xạ trị ung thư tuyến giáp nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, tuy nhiên thời gian khuyến cáo để bắt đầu đó là từ khoảng 6 tuần đến 6 tháng sau phẫu thuật. Điều này là bởi việc trì hoãn xạ trị sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của người bệnh sau phẫu thuật và lợi ích của phương pháp xạ trị. Xạ trị ung thư giúp gia tăng tỷ lệ sống của người bệnh, đặc biệt là ở những trường hợp mắc ung thư tuyến giáp thể nhú hay thể nang đã có sự di căn đến cổ hoặc các bộ phận khác, hoặc trường hợp tái phát ung thư tuyến giáp sau điều trị ban đầu.

Tuy nhiên, không phải lúc nào xạ trị cũng là phương pháp mang lại lợi ích tốt nhất, cụ thể trong trường hợp ung thư tuyến giáp nhỏ và chưa di căn, người bệnh có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt bỏ mà không cần can thiệp xạ trị. Trong ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, nếu khối u nhỏ (<1 cm) và chưa di căn, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị duy nhất mà không cần RAI. Hay trong điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy sẽ không sử dụng liệu pháp xạ trị, bởi những tế bào này không sử dụng iod.

Tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến một số tế bào bình thường xung quanh. Sau điều trị bằng iod phóng xạ, cơ thể bệnh nhân có thể phát ra bức xạ trong một thời gian ngắn, thường từ vài ngày đến vài tuần tùy vào liều lượng. Bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp cách ly an toàn để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.

xa-tri-ung-thu-tuyen-giap-la-gi 3.jpg
Buồn nôn, nôn ói là tác dụng phụ có thể gặp sau điều trị ung thư

Một số tác dụng phụ ngắn hạn có thể bao gồm: Đau và sưng vùng cổ, viêm tuyến nước bọt, buồn nôn, nôn, khô miệng và thay đổi vị giác. Ở một số người tình trạng giảm hình thành nước mắt cũng có thể gặp phải gây khô mắt. Ở nam giới, khi sử dụng một lượng bức xạ lớn có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh vô sinh. Trong khi iod phóng xạ có thể gây ra các tác động độc hại đến buồng trứng, khiến kinh nguyệt không đều. Bệnh nhân nữ được khuyến cáo tránh thai ít nhất 6 tháng sau điều trị bằng iod phóng xạ, một số chuyên gia khuyến nghị nên đợi đến 12 tháng để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kết hợp sàng lọc ung thư được xem là biện pháp tối ưu trong phát hiện và điều trị kịp thời ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. 

Bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết về xạ trị ung thư tuyến giáp và các đặc điểm giúp phát hiện bệnh. Hy vọng bạn sẽ tích lũy được những kiến thức hữu ích để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Điều trị bằng iod phóng xạ (RAI) là một phương pháp quan trọng, giúp giảm nguy cơ tái phát và di căn trong ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang. Hầu hết bệnh nhân có tiên lượng tốt, với tỷ lệ sống cao nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, việc sử dụng RAI không phải lúc nào cũng cần thiết, và phải được xem xét kỹ lưỡng tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin