Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Sức khỏe giới tính/
  4. Hội chứng Swyer

Hội chứng Swyer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thạc sĩ - Bác sĩTrần Thị Mỹ Linh

Đã kiểm duyệt nội dung

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Y học cổ truyền tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Cơ - Xương - Khớp và lĩnh vực Xét nghiệm.

Xem thêm thông tin

Hội chứng Swyer là một rối loạn di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính hiếm gặp. Một số nhà khoa học ước tính tỷ lệ mắc hội chứng này là 1/80.000 ca sinh. Việc phát hiện sớm bất thường này ở trẻ em và có chiến lược điều trị phù hợp là rất quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung hội chứng swyer

Hội chứng Swyer là gì?

Hội chứng Swyer còn được gọi là rối loạn sinh dục đơn thuần 46 XY, một trong các rối loạn phát triển giới tính (disorder of sexual development - DSD).

Rối loạn phát triển giới tính là những tình trạng mà trong đó sự phát triển của nhiễm sắc thể giới tính, tuyến sinh dục hoặc các bộ phận giải phẫu đặc trưng của giới tính không tương thích. Tần suất mắc các bệnh liên quan đến DSD là 1/1000 trong quần thể người. Những bất thường của rối loạn phát triển giới tính có thể được xác định sớm trong thai kỳ nhờ siêu âm hoặc ở trẻ sơ sinh có các đặc điểm giải phẫu không phù hợp với nhiễm sắc thể quy định giới tính. Những người bệnh mắc DSD có thể dậy thì muộn, nam hóa không hoàn toàn, vô sinh hoặc có các khối u tuyến sinh dục.

Hội chứng Swyer được mô tả lần đầu tiên bởi tiến sĩ Swyer vào năm 1955, đặc trưng bởi sự phát triển không thành công của tuyến sinh dục (tinh hoàn hoặc buồng trứng). Người bệnh mắc hội chứng Swyer có kiểu gen của nam (46 XY) nhưng về mặt giải phẫu lại có những đặc điểm giải phẫu của cơ quan sinh sản nữ, tức là họ vẫn có âm đạo, vòi trứng và tử cung giảm sản.

Triệu chứng hội chứng swyer

Triệu chứng của hội chứng Swyer

Phụ nữ mắc hội chứng Swyer hầu hết đều có các đặc điểm thể chất bình thường cho đến khi bắt đầu dậy thì. Họ có tình trạng loạn sản tinh hoàn đơn thuần trong thời kỳ bào thai, nên không tiết được testosterone và AMH (Anti Mullerian Hormone) trong giai đoạn biệt hóa giới tính, ống Wolff phát triển thành tử cung, vòi trứng và âm đạo. Mặc dù có cơ quan sinh dục nữ bên ngoài bình thường tuy nhiên người bệnh lại có sự dậy thì chậm.

Triệu chứng bất thường điển hình ở lứa tuổi thanh thiếu niên là vô kinh nguyên phát, tức là chậm xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ngoài triệu chứng trên, hội chứng Swyer còn có những biểu hiện khác bao gồm:

  • Thể trạng cao do sụn tăng trưởng đóng muộn;
  • Tử cung nhỏ;
  • Âm vật to hơn so với những người nữ bình thường;
  • Khuôn ngực rộng;
  • Vô sinh do thiếu buồng trứng;
  • Không xuất hiện các đặc điểm sinh dục thứ cấp như phát triển vú, lông mu, lông nách,...
  • Sự phát triển u nguyên bào sinh dục - một khối u lành tính của tuyến sinh dục.
Hội chứng Swyer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2
Các triệu chứng điển hình của hội chứng Swyer ở nữ

Biến chứng của hội chứng Swyer

Mặc dù người nữ mắc hội chứng Swyer có sự phát triển tử cung, âm đạo và âm hộ tuy nhiên họ lại không có tuyến sinh dục liên quan. Thay cho sự phát triển của buồng trứng, ở hội chứng Swyer có sự phát triển không hoàn chỉnh của tuyến sinh dục (tuyến sinh dục sọc - streak gonads) dẫn đến sự thay thế bằng mô liên kết không có chức năng tiết ra các hormone liên quan đến giới tính. Do thiếu buồng trứng, người bệnh bị vô sinh và không có khả năng thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, nếu được hiến tặng trứng, họ vẫn có thể mang thai.

Ngoài ra, trẻ vị thành niên mắc hội chứng Swyer không trải qua giai đoạn dậy thì do thiếu buồng trứng dẫn đến việc không sản xuất các hormone nữ như estrogen và progesteron. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, những bé gái này có thể được điều trị với liệu pháp hormone ngoại sinh và sẽ trải qua lứa tuổi dậy thì cùng với sự phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát.

Hội chứng Swyer cũng làm tăng nguy cơ phát triển khối u nguyên bào sinh dục ở độ tuổi trưởng thành muộn, và khối u này có thể tiến triển ác tính trở thành ung thư biểu mô tuyến sinh dục.

Hội chứng Swyer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị3
Hội chứng Swyer dẫn đến vô sinh nữ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi phát hiện các triệu chứng bất thường đã được đề cập ở trẻ gái, phụ huynh cần đưa con mình đến khám tại các cơ sở y tế uy tín về nhi khoa và sản phụ khoa để tìm hiểu tình trạng vô kinh nguyên phát và có hướng xử trí kịp thời. Việc chẩn đoán sớm rất quan trọng đối với quá trình phát triển cơ thể của trẻ cũng như chuẩn bị hành trang sức khỏe trong tương lai liên quan đến mang thai và phòng ngừa u nguyên bào phát triển thành ung thư.

Nguyên nhân hội chứng swyer

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Swyer

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng Swyer vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng những bất thường gây gián đoạn hoặc đột biến của một hoặc nhiều gen cấu tạo nhiễm sắc thể XY (liên quan đến việc định hình giới tính bình thường của thai nhi) gây ra hội chứng Swyer.

Gen là các chuỗi DNA được tìm thấy trên một vị trí cụ thể của nhiễm sắc thể và là đơn vị di truyền cơ bản. Gen xác định những đặc điểm cụ thể ở mỗi người và nhiễm sắc thể hiện diện trong nhân tế bào mang thông tin di truyền cho mỗi cá nhân. Trong nhân của tế bào con người thường có 46 nhiễm sắc thể. Các cặp nhiễm sắc thể của con người được đánh số từ 1 đến 22 là các nhiễm sắc thể thường. Cặp nhiễm sắc thể số 23 còn được gọi là nhiễm sắc thể giới tính, được ký hiệu là X và Y. Nam thường có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y, nữ thường có hai nhiễm sắc thể X.

Ở khoảng 15 - 20% người bệnh mắc hội chứng Swyer xảy ra do đột biến gen SRY thuộc vùng xác định giới tính trên nhiễm sắc thể Y hoặc do mất đoạn gen SRY trên nhiễm sắc thể Y. Gen SRY được cho là rất quan trọng trong việc xác định giới tính nam bằng cách kích hoạt các mô của tuyến sinh dục nguyên thủy thành tinh hoàn. Sự vắng mặt hoặc đột biến của gen này dẫn đến sự loạn sản tinh hoàn đơn thuần.

Hội chứng Swyer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4
Đột biến gen SRY

Vì chỉ 15 - 20% phụ nữ mắc hội chứng Swyer có đột biến gen SRY nên các nhà nghiên cứu tin rằng những khiếm khuyết liên quan đến các gen khác cũng có thể gây ra hội chứng này. Những gen này bị nghi ngờ có vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển của tinh hoàn và nhận diện bào thai với cặp nhiễm sắc thể XY là nam. Các nhà khoa học còn tìm ra các trường hợp khác mắc hội chứng Swyer liên quan đến đột biến gen WNT4 , MAP3K1, SF1 hoặc NR5A1 có thể được di truyền theo kiểu gen trội trên nhiễm sắc thể thường. Đột biến gen DHH có thể được di truyền theo kiểu lặn nhiễm sắc thể thường.

Đột biến gen NROB1 là một rối loạn di truyền liên kết với X, gây ra bởi một gen bất thường trên nhiễm sắc thể X. Phụ nữ thường có hai nhiễm sắc thể X và một trong hai nhiễm sắc thể X này sẽ bị bất hoạt. Những phụ nữ có gen bệnh trên một trong hai nhiễm sắc thể X thường không biểu hiện các triệu chứng của hội chứng Swyer vì nhiễm sắc thể X có gen bất thường sẽ bất hoạt. Tuy nhiên, nếu họ di truyền nhiễm sắc thể X bất thường ấy cho con mình, con họ sẽ có cấu trúc nhiễm sắc thể XY, trong đó có nhiễm sắc thể X bệnh, sẽ biểu hiện các triệu chứng liên quan đến hội chứng Swyer.

Một số trường hợp mắc hội chứng Swyer không phải do di truyền mà là kết quả của một đột biến gen mới hoặc bất thường xảy ra không rõ nguyên nhân (tự phát). Các nhà khoa học tìm ra một số phụ nữ mắc hội chứng Swyer do đột biến gen SRY có cha (hoặc một số anh em trai) mang đột biến SRY trên nhiễm sắc thể Y nhưng lại không phát triển hội chứng Swyer. Các suy đoán được đưa ra rằng các gen và/hoặc yếu tố khác kết hợp với đột biến gen SRY có thể là điều kiện cần cho sự phát triển hội chứng Swyer ở nhóm phụ nữ này.

Hội chứng Swyer: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 5
Các đột biến gen khác gây hội chứng Swyer
Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh hội chứng swyer

Làm thế nào tôi biết mình có khả năng mắc hội chứng Swyer?

Hội chứng Swyer thường biểu hiện qua vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt) và không phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp như ngực, lông mu, nách... Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Tại sao tôi mắc hội chứng Swyer?

Hội chứng Swyer ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và khả năng sinh sản?

Hội chứng Swyer có điều trị khỏi được không?

Tôi có phải dùng thuốc hormone thay thế suốt đời không?

Hỏi đáp (0 bình luận)