Nguyên nhân dẫn đến rám má
Sinh lý bệnh của rám má hay nám vẫn còn khó nắm bắt, tuy nhiên có khá nhiều yếu tố liên quan ảnh hưởng đến việc hình thành rám má.
Rám má là sự rối loạn sắc tố xảy ra tại vị trí xuất hiện vết nám, tại đó có sự gia tăng đáng kể hắc sắc tố melanin cục bộ. Nhiều nguyên nhân đã được biết là có ảnh hưởng đến việc hình thành vết nám bao gồm:
Nội tiết tố nữ hay estrogen
Sự rối loạn hoặc thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ estrogen là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nám da ở phụ nữ. Một số tác nhân dẫn đến sự thay đổi estrogen như giai đoạn mang thai và sinh con; một số phụ nữ uống thuốc tránh thai đường uống; sử dụng các liệu pháp thay thế estrogen; các bệnh lý rối loạn nội tiết tố nữ liên quan đến chức năng buồng trứng, tử cung hoặc tuyến giáp (cường giáp, nhược giáp, bướu cổ…).
Cơ chế gây nám do estrogen liên quan đến các thụ thể estrogen trên các tế bào melanocytes làm kích thích các tế bào sản xuất ra nhiều melanin hơn.
Yếu tố di truyền
Theo các báo cáo nghiên cứu về rám má hay nám da, các nhà khoa học nhận ra rằng các bạn nữ nếu có bà ngoại hoặc mẹ, dì bị nám thì nguy cơ làm tăng khả năng bạn nữ đó sẽ bị nám so với những bạn không có yếu tố di truyền. Đặc biệt, trong giai đoạn dậy thì hoặc lúc còn trẻ bạn nữ có yếu tố di truyền sẽ rất dễ gặp tình trạng bị tàn nhang sớm.
Thuốc
Một số thuốc cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành nám, ngoại trừ thuốc tránh thai ra thì còn một số thuốc làm tăng sự hình thành nám.
Một số thuốc bao gồm: Thuốc tăng nhạy cảm da với ánh nắng mặt trời (kháng sinh nhóm tetracycline, kháng sinh họ quinolone, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, vitamin C, các dẫn xuất vitamin A như: Retinoin, tretinoin…).
Ngoài ra, việc lạm dụng mỹ phẩm đặc biệt là các loại mỹ phẩm kém chất lượng như kem trộn có chứa corticoid, thuốc rượu lột tẩy mạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng sự xuất hiện rám má hay làm nặng thêm tình trạng rám má có sẵn.
Tia UV
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của rám má là tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn khác. Đợt cấp của nám được nhìn thấy phổ biến sau khi phơi nắng kéo dài nhưng sắc tố mờ dần sau thời gian tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tia UV bao gồm UVA, UVB và UVC trong đó UVC được hấp thu bởi tầng ozone, còn UVB gây cháy da đỏ da và rát da, UVA sẽ gây hiện tượng sạm nám da, lão hóa da và ung thư da. Nên các biện pháp điều trị nám sẽ không thể thiếu chống nắng tích cực như che chắn vật lý kết hợp với bôi chống nắng và uống viên uống chống nắng.
Dù cơ chế là gì, nám dẫn đến sự lắng đọng melanin gia tăng trong lớp biểu bì, trong lớp trung bì. Tế bào melanocytes trong tầng đáy của lớp thượng bì khi bị kích thích hoặc bị tổn thương sẽ gia tăng sự chuyển hóa acid amin tyrosine thành hắc sắc tố melanin thông qua enzyme tyrosinase trong các tế bào melanosome.
Sau đó, các melanin sẽ bắt đầu di chuyển lên trên lớp thượng bì hình thành nám biểu bì hay nám mảng; tuy nhiên vì một số nguyên nhân nào đó, melanin sinh ra ở tầng đáy thượng bì không di chuyển lên trên mà di chuyển xuống dưới lớp trung bì sẽ hình thành nên nám đốm hay nám chân đinh, chân sâu. Đối với nám chân sâu thì khả năng điều trị cũng như đáp ứng điều trị sẽ thấp hơn so với nám mảng.
Hỏi đáp (0 bình luận)