Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu thường không gây ra triệu chứng nhưng có thể dẫn đến những bệnh lý mạch máu có triệu chứng, bao gồm bệnh động mạch ngoại biên, bệnh động mạch vành (CAD) và đột quỵ.
Nồng độ triglyceride cao (> 500 mg/dL hoặc > 5,65 mmol/L) có thể gây viêm tụy cấp hoặc chứng gan lách to, dị cảm, khó thở và lú lẫn khi tăng rất cao.
Nồng độ LDL - c cao có thể dẫn đến xuất hiện vòng cung màu trắng hoặc xám xung quanh giác mạc và u vàng thể gân ở gân Achilles, khuỷu tay, đầu gối và trên các khớp xương bàn ngón tay. Một số triệu chứng lâm sàng khác xảy ra ở những bệnh nhân có LDL cao do tăng cholesterol máu gia đình... bao gồm ban vàng mí mắt (những u nhỏ lành tính màu vàng xuất hiện tại các mô liên kết xung quanh vùng mắt). Ban vàng mí mắt cũng có thể gặp ở những bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát và có mức lipid bình thường.
Bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình dạng đồng hợp tử có thể có vòng cung trên giác mạc, u vàng thể gân, ban vàng mí mắt và u vàng thể phẳng hoặc thể củ. U vàng thể phẳng là những mảng phẳng hoặc hơi nhô lên màu vàng nhạt trong khi u vàng thể củ lại là những nốt cứng, không đau, thường nằm trên vùng da bên ngoài khớp.
Những bệnh nhân bị tăng TG nghiêm trọng có thể bị nổi vàng khắp cơ thể, lưng, khuỷu tay, mông, đầu gối, bàn tay và bàn chân.
Bệnh nhân mắc chứng rối loạn chuyển hóa protein máu hiếm gặp có thể bị u vàng thể phẳng và thể củ.
Khi bệnh nhân bị tăng triglyceride máu nghiêm trọng (> 2000mg/dL hoặc > 22,6mmol/L), có thể xuất hiện màu trắng kem trong động mạch và tĩnh mạch võng mạc (nhiễm lipid võng mạc - lipemia retinalis). Nồng độ lipid cực cao cũng làm cho huyết tương có màu sữa đục. Các triệu chứng kèm theo bao gồm dị cảm, khó thở và lú lẫn.
Tác động của Rối loạn lipid máu đối với sức khỏe
Rối loạn lipid máu là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hóa (bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh gout).
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu nghiêm trọng hoặc không được điều trị có thể dẫn đến các bệnh lý khác, bao gồm bệnh động mạch vành (CAD) và bệnh động mạch ngoại vi (PAD). Cả CAD và PAD đều có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Hỏi đáp (0 bình luận)