Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Mắt/
  4. Viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩPĂNG TING K'LiNa

Đã kiểm duyệt nội dung

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng, bác sĩ luôn tận tâm trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện tại, bác sĩ đang giữ vai trò bác sĩ Trưởng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.

Xem thêm thông tin

Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến, căn nguyên phức tạp, tổn thương lâm sàng thường nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến mù lòa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là gì?

Màng bồ đào cấu tạo bởi ba thành phần: Mống mắt phía trước, thể mi ở giữa và hắc mạc ở phía sau. Bệnh lý viêm của ít nhất một trong ba thành phần trên gọi là bệnh viêm màng bồ đào.

Có nhiều cách phân loại viêm màng bồ đào khác nhau như:

Phân loại theo tiến triển của bệnh

Viêm màng bồ đào cấp tính: Viêm màng bồ đào tồn tại dưới ba tháng, sau đó ổn định.

Viêm màng bồ đào mãn tính: Viêm kéo dài trên ba tháng.

Theo tổn thương giải phẫu bệnh: Viêm màng bồ đào có tổn thương u hạt hoặc không có tổn thương u hạt.

Phân loại theo vị trí giải phẫu: Là cách phân loại cơ bản nhất và đơn giản nhất được nhiều người công nhận:

Viêm màng bồ đào trước: Viêm mống mắt – thể mi.

Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm vùng parplana.

Viêm màng bồ đào sau: Viêm hắc mạc.

Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm đồng thời cả mống mắt thể mi và hắc mạc.

Triệu chứng viêm màng bồ đào

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng bồ đào

Triệu chứng cơ năng và thực thể có thể kín đáo và khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng của viêm.

Viêm màng bồ đào trước có xu hướng có biểu hiện triệu chứng rõ nhất (đặc biệt ở giai đoạn cấp tính), thường biểu hiện bằng:

  • Đau (đau mắt);
  • Đỏ mắt;
  • Sợ ánh sáng;
  • Giảm thị lực (ở nhiều mức độ).

Viêm màng bồ đào mạn tính có thể ít có các triệu chứng rầm rộ hơn và biểu hiện kích ứng hoặc giảm thị lực.

Triệu chứng thực thể bao gồm cương tụ kết mạc tiếp xúc với giác mạc. Khám sinh hiển vi phát hiện tủa keratic (các tế bào bạch cầu vón cục trên bề mặt trong giác mạc), tyndall tiền phòng và dính mống mắt sau. Với viêm màng bồ đào nặng, bạch cầu có thể lắng đọng thành mủ tiền phòng.

Viêm màng bồ đào trung gian thường không đau và biểu hiện với:

  • Ruồi bay;
  • Giảm thị lực.

Dấu hiệu chính là tyndall buồng dịch kính. Các tế bào viêm thường tích tụ ở khu vực phần sau thể mi (gần ranh giới của mống mắt và củng mạc), tạo thành hình ảnh "quả cầu tuyết". Thị lực có thể giảm do vẩn đục dịch kính và phù hoàng điểm do rò dịch từ mạch máu vùng hoàng điểm. Các tế bào viêm dính lại và ngưng tụ trong buồng dịch kính tạo hình hình ảnh quả cầu tuyết ở phần sau thể mi, có thể liên quan tới tân tạo mạch ở võng mạc ngoại biên.

Viêm màng bồ đào sau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau nhưng phổ biến nhất là vẩn đục dịch kính và thị lực giảm như trong viêm màng bồ đào trung gian. Dấu hiệu bao gồm:

  • Tyndall buồng dịch kính;
  • Tổn thương trắng hoặc vàng trắng ở võng mạc (viêm võng mạc), viêm hắc mạc hoặc cả hai;
  • Viêm mạch võng mạc;
  • Phù đĩa thị.

Viêm màng bồ đào lan tỏa có thể biểu hiện bất cứ triệu chứng cơ năng và thực thể nào của các hình thái phía trước.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm màng bồ đào

Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm màng bồ đào trước, tăng nhãn áp trong đợt viêm cấp do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng do xuất tiết. Tăng nhãn áp trong viêm màng bồ đào cũ là do dính góc tiền phòng hoặc dính bít đồng tử hoặc do tân mạch mống mắt (glôcôm tân mạch). Ngoài ra cũng phải kể đến tăng nhãn áp do dùng kéo dài thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh viêm màng bồ đào.

Đục thủy tinh thường gặp trong viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc tái phát, là biến chứng của quá trình viêm hoặc do điều trị corticosteroid kéo dài.

Phù hoàng điểm dạng nang: Viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm hắc mạc có thể gây biến chứng phù hoàng điểm dạng nang làm giảm thị lực.

Teo nhãn cầu: Trong viêm mống mắt thể mi nặng, thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn dẫn đến teo nhãn cầu.

Tổ chức hóa dịch kính: Dịch kính đục, tổ chức hóa làm giảm thị lực; bong dịch kính sau có thể co kéo gây thoái hóa, bong võng mạc.

Bong võng mạc: Viêm màng bồ đào sau có thể gây bong võng mạc do xuất tiết hoặc bong võng mạc do co kéo dịch kính.

Biến chứng khác: Màng trước võng mạc; Tân mạch dưới võng mạc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nhãn khoa, chuyên gia bệnh về mắt, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng trên. Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi và ánh sáng để kiểm tra chi tiết mắt và có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm nếu chẩn đoán ra bệnh viêm màng bồ đào. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân viêm màng bồ đào

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm màng bồ đào bao gồm do vi khuẩn, do virus, do nấm, do ký sinh trùng. Có những thể viêm màng bồ đào không thấy nguyên nhân, người ta cho rằng có liên quan đến cơ chế dị ứng hoặc có liên quan đến yếu tố miễn dịch...

Nguyên nhân viêm màng bồ đào trước bao gồm:

  • Vô căn hoặc sau phẫu thuật (nguyên nhân thông thường nhất);
  • Chấn thương;
  • Các bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống;
  • Bệnh viêm khớp thiếu niên vô căn;
  • Nhiễm trùng Herpesvirus (vi rút herpes simplex [HSV], vi rút Varicella zoster [VZV], và vi rút cytomegalovirus [CMV]).

Nguyên nhân viêm màng bồ đào trung gian bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);
  • Xơ cứng rải rác;
  • Sarcoidosis;
  • Bệnh lao (TB);
  • Bệnh giang mai;
  • Bệnh Lyme (ở các vùng lưu hành).

Nguyên nhân viêm màng bồ đào sau (viêm võng mạc) bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);
  • Toxoplasmosis;
  • CMV (ở bệnh nhân HIV / AIDS);
  • HSV / VZV;
  • Sarcoidosis.

Nguyên nhân viêm màng bồ đào toàn bộ bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);
  • Sarcoidosis;
  • Lao.

Đôi lúc, các thuốc toàn thân có thể gây viêm màng bồ đào (thường là trước). Ví dụ như sulfonamid, bisphosphonat (chất ức chế tái hấp thu xương), rifabutin, và cidofovir.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh viêm màng bồ đào

Mắt nhìn mờ có phải do viêm màng bồ đào không?

Mắt nhìn mờ có thể là một triệu chứng của viêm màng bồ đào, nhưng nó cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra, như tật khúc xạ (cận thị, viễn thị), đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh lý võng mạc hoặc các vấn đề liên quan đến thần kinh thị giác.

Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào là gì?

Biểu hiện thường gặp của viêm màng bồ đào là gì?

Viêm màng bồ đào có làm giảm thị lực vĩnh viễn không?

Xem điện thoại nhiều có làm tăng nguy cơ viêm màng bồ đào không?

Hỏi đáp (0 bình luận)