Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Mắt/
  4. Viêm thị thần kinh

Viêm thị thần kinh và những điều cần biết

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Viêm thị thần kinh là tình trạng viêm dây thần kinh thị giác. Tình trạng này có thể gây mất thị lực và đau khi cử động mắt. Bệnh có liên quan chặt chẽ đến các bệnh lý mạn tính như bệnh đa xơ cứng và các bệnh tự miễn khác. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp điều trị viêm dây thần kinh thị giác và hạn chế hoặc trì hoãn các tác động hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn về lâu dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung viêm thị thần kinh

Viêm thị thần kinh là gì?

Dây thần kinh thị giác là một trong 12 dây thần kinh sọ não, giúp truyền thông tin thị giác từ mắt đến não. Viêm thị thần kinh (hay còn gọi là viêm dây thần kinh thị giác) là một bệnh thần kinh, xảy ra khi dây thần kinh thị giác của bạn bị viêm.

Các tế bào tạo nên dây thần kinh thị giác của bạn có một lớp phủ gọi là bao myelin. Khi dây thần kinh thị giác bị viêm, lớp bao đó sẽ bị thoái hóa. Nếu không có lớp phủ này, các tế bào thần kinh không thể gửi tín hiệu đúng cách.

Có ba loại viêm thị thần kinh chính gồm:

  • Điển hình: Loại này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt và hầu hết người mắc bệnh đều hồi phục trong vòng vài ngày, ngay cả khi không điều trị.
  • Không điển hình: Thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và những người mắc loại này thường không hồi phục nhanh. Loại này thường liên quan đến một số rối loạn thần kinh khác.
  • Nhi khoa: Đây là dạng viêm thị thần kinh ở trẻ em.

Triệu chứng viêm thị thần kinh

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm thị thần kinh

Các triệu chứng của viêm thị thần kinh biểu hiện ở mỗi người có thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Các triệu chứng thường gặp của viêm thị thần kinh gồm:

  • Đau mắt: Trên 90% những người bị viêm thị thần kinh có triệu chứng đau, thường trở nên nặng nề hơn khi bạn di chuyển mắt. Trong một số trường hợp, viêm thị thần kinh loại không điển hình có thể không gây đau chút nào.
  • Mất thị lực: Thị lực của bạn kém đi rõ ràng. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn ở trẻ em.
  • Mất thị trường: Mất thị trường có thể xảy ra theo bất kỳ kiểu nào, chẳng hạn như mất thị trường trung tâm hoặc mất thị lực ngoại vi.
  • Rối loạn sắc tố (rối loạn khả năng nhận biết màu sắc): Là tình trạng giảm khả năng nhìn màu sắc, đặc biệt là màu đỏ.
Viêm thị thần kinh và những điều cần biết 1.jpg
Đau mắt là triệu chứng thường gặp của viêm thị thần kinh

Các triệu chứng khác ít gặp hơn:

  • Đồng tử thay đổi cách phản ứng với ánh sáng;
  • Nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy hoặc vật thể trôi nổi ở một hoặc cả hai mắt;
  • Giảm thị lực khi nhiệt độ cơ thể tăng lên (hiện tượng Uhthoff).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm thị thần kinh

  • Tổn thương thần kinh thị giác: Hầu hết người mắc bệnh đều bị tổn thương thần kinh thị giác vĩnh viễn sau một đợt viêm thần kinh thị giác, nhưng một số trường hợp có thể không gây ra triệu chứng vĩnh viễn.
  • Giảm thị lực: Đa số người mắc bệnh có thể hồi phục thị lực bình thường hoặc gần bình thường trong vòng vài tháng, tuy nhiên có thể mất một phần khả năng phân biệt màu sắc có thể vẫn tiếp diễn. Đối với một số trường hợp, mất thị lực vẫn tiếp diễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên trong thời gian dài mà không cải thiện hãy đi khám bác sĩ Nhãn khoa để được điều trị.

Đôi khi, một số vấn đề về mắt có thể cần được điều trị ngay. Nếu bạn có một trong những triệu chứng sau hãy đi khám ngay lập tức:

  • Đau mắt dữ dội;
  • Mất thị lực đột ngột;
  • Thay đổi thị lực đột ngột như mờ mắt.

Nguyên nhân viêm thị thần kinh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm thị thần kinh

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm thị thần kinh. Một số trường hợp có thể không tìm thấy nguyên nhân.

Tình trạng tự miễn và viêm nhiễm

Các nhà khoa học cho rằng tình trạng tự miễn và viêm nhiễm có thể là nguyên nhân chính hoặc yếu tố góp phần gây ra viêm thị thần kinh.

  • Viêm thị thần kinh điển hình: Bệnh đa xơ cứng (Multiple sclerosis - MS) là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm thị thần kinh. Khoảng 50% những người bệnh đa xơ cứng sẽ xuất hiện viêm thị thần kinh trong vòng 15 năm.
  • Viêm thị thần kinh không điển hình: Nghiên cứu cho thấy viêm thị thần kinh không điển hình có sự liên quan với tình trạng viêm tủy thị thần kinh (Neuromyelitis optica - NMO) và bệnh liên quan đến kháng thể kháng MOG (MOG-antibody-associated disease - MOGAD).
Viêm thị thần kinh và những điều cần biết 2.jpg
Bệnh đa xơ cứng là nguyên thường gặp của viêm thị thần kinh điển hình

Nhiễm trùng

Dây thần kinh của bạn dễ bị tổn thương do nhiễm trùng và dây thần kinh thị giác của bạn cũng vậy. Nhiễm trùng thường là nguyên nhân gây ra viêm thị thần kinh ở trẻ em.

Bốn loại mầm bệnh chính có thể gây nhiễm trùng:

  • Các bệnh gây ra do virus là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm thị thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em. Bao gồm bệnh thủy đậu, bệnh zona, bệnh sởi, virus herpes, HIV…
  • Vi khuẩn gây viêm thị thần kinh thường lây truyền sang người từ động vật hoặc côn trùng. Ví dụ như bệnh sốt do mèo cào, bệnh Lyme, bệnh lao, giang mai.
  • Các tình trạng nhiễm nấm có thể gây viêm dây thần kinh thị giác như nấm candida, aspergillus, Cryptococcus neoformans…
  • Các bệnh do ký sinh trùng có thể gây viêm thị thần kinh thường lây lan sang người từ vật nuôi, đặc biệt là mèo và chó. Ví dụ như bệnh Toxoplasma gondii từ mèo hoặc bệnh giun đũa chó.

Thuốc và độc chất

Thuốc kê đơn hoặc không kê đơn đôi khi có thể gây ra viêm thị thần kinh. Các loại thuốc và độc chất thường gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thuốc điều trị nhiễm trùng như isoniazid, chloramphenicol hoặc kháng sinh nhóm sulfa.
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp, như amiodarone hoặc digoxin.
  • Thuốc điều trị sốt rét loại quinine, bao gồm chloroquine và hydroxychloroquine.
  • Thuốc chống ung thư, như methotrexate, vincristine và tamoxifen.
  • Thuốc lá và các sản phẩm có chứa nicotine.
  • Cồn và các sản phẩm chứa cồn.

Nguyên nhân khác

Một số tình trạng khác cũng có thể gây ra hoặc góp phần gây ra bệnh viêm thị thần kinh, bao gồm:

  • Thiếu máu cục bộ: Nếu dây thần kinh thị giác của bạn không nhận đủ máu, các tế bào của có thể không hoạt động được như bình thường, dẫn đến ảnh hưởng dây thần kinh thị giác.
  • Thiếu vitamin: Nồng độ vitamin B thấp, đặc biệt là vitamin B12, có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn và nghiêm trọng.
  • Chèn ép thần kinh: Là tình trạng khi dây thần kinh thị giác của bạn bị đè ép, gây tổn thương và viêm. Khối u và các tình trạng như não úng thủy có thể gây ra tình trạng này.
  • Các bệnh chuyển hóa như bệnh đái tháo đường tuýp 2: Nguy cơ bị tổn thương dây thần kinh thị giác tăng lên khi bệnh đái tháo đường trở nên nghiêm trọng hơn.
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo