Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Sức khỏe sinh sản/
  4. Vô sinh nữ

Vô sinh nữ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Vô sinh nữ được hiểu là việc cố gắng mang thai nhưng không thành công mặc dù đã quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng ít nhất một năm. Có nhiều phương pháp điều trị vô sinh nữ tùy thuộc vào nguyên nhân vô sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung vô sinh nữ

Vô sinh nữ là gì?

Vô sinh nữ là là việc không thể mang thai (mặc dù đã quan hệ tình dục và không kèm biện pháp tránh thai) trong thời gian như sau:

  • 06 tháng cố gắng mang thai nếu trên 35 tuổi.
  • 01 năm cố gắng mang thai nếu dưới 35 tuổi.

Cố gắng mang thai có nghĩa là bạn thường xuyên quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai. Một số người được chẩn đoán sớm hơn nếu họ mắc bệnh lý hoặc vô sinh do bất thường tử cung.

Vô sinh nữ có thể là nguyên phát hoặc thứ phát:

  • Vô sinh nguyên phát có nghĩa là bạn chưa bao giờ mang thai và không thể mang thai sau sáu tháng (trên 35 tuổi) hoặc một năm (dưới 35 tuổi) cố gắng.
  • Vô sinh thứ phát xảy ra khi bạn không thể mang thai lần nữa sau khi mang thai và sinh nở thành công ít nhất một lần.

Vô sinh ở phụ nữ có thể do tuổi tác, tình trạng hormone, tình trạng bệnh lý và lối sống hoặc các yếu tố môi trường.

Triệu chứng vô sinh nữ

Những dấu hiệu và triệu chứng của vô sinh nữ

Triệu chứng chính của vô sinh nữ là nữ giới không có khả năng mang thai. Biểu hiện thường gặp là:

  • Chu kỳ kinh nguyệt quá dài (>35 ngày) hoặc quá ngắn (<21 ngày);
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt vì không rụng trứng.

Ngoài ra, vô sinh nữ có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với vô sinh ở nữ giới, việc cần gặp bác sĩ có thể phụ thuộc vào độ tuổi:

  • Trước năm 35 tuổi: Nên cố gắng mang thai trong khoảng 01 năm trước khi xét nghiệm hoặc điều trị.
  • Nếu bạn ở độ tuổi từ 35 đến 40: Nên gặp bác sĩ sau 06 tháng cố gắng mang thai.
  • Nếu bạn trên 40 tuổi: Có thể cân nhắc xét nghiệm hoặc điều trị sớm.
  • Ngoài ra, nữ giới có tiền sử kinh nguyệt không đều, có bệnh viêm vùng chậu, sảy thai nhiều lần, điều trị ung thư hoặc lạc nội mạc tử cung thì cũng nên đi khám sớm để điều trị kịp thời.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Sản hoặc Hiếm muộn để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Vô sinh nữ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 4
Nên gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh vô sinh kịp thời

Nguyên nhân vô sinh nữ

Để biết được các nguyên nhân dẫn đến vô sinh nữ, cần hiểu được các quá trình thụ thai ở nữ giới như sau:

  • Trứng trưởng thành được phóng thích từ buồng trứng và di chuyển qua ống dẫn trứng.
  • Tinh trùng bơi lên cổ tử cung, qua tử cung và vào ống dẫn trứng để gặp trứng để thụ tinh.
  • Trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng đến tử cung.
  • Trứng đã thụ tinh sẽ bám vào bên trong tử cung và phát triển thành phôi thai.

Từ quá trình thụ thai như trên, việc điều trị vô sinh sẽ tương ứng với các bất thường trong giai đoạn hình thành phôi hoặc liên quan đến cơ quan sinh sản:

  • Rối loạn chu kỳ rụng trứng: Rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp vô sinh. Một số bệnh lý có thể gây rối loạn sự rụng trứng gồm: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn chức năng vùng dưới đồi, suy buồng trứng nguyên phát, sản xuất quá nhiều prolactin từ tuyến yên...
  • Bất thường ống dẫn trứng: Ống dẫn trứng bị chấn thương hoặc bị tắc nghẽn khiến tinh trùng không thể đến được với trứng hoặc cản trở đường đi của trứng đã thụ tinh vào tử cung. Một số nguyên nhân gây bất thường ống dẫn trứng có thể bao gồm: Bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng tử cung và ống dẫn trứng do chlamydia, lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, đã từng phẫu thuật ở vùng bụng hoặc xương chậu, bao gồm cả phẫu thuật điều trị thai ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung.
  • Bất thường liên quan đến tử cung hoặc cổ tử cung: Làm cản trở quá trình làm tổ của trứng hoặc làm tăng nguy cơ sảy thai, ví dụ polyp hoặc khối u lành tính (u xơ) thường gặp ở tử cung, ung thư cổ tử cung, bất thường nguyên phát (từ khi sinh ra), hẹp cổ tử cung, dị tật di truyền hoặc tổn thương cổ tử cung. Đôi khi cổ tử cung không thể sản xuất ra loại chất nhầy tốt nhất để tinh trùng di chuyển qua cổ tử cung vào tử cung.
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân.
Vô sinh nữ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 5
Vô sinh không rõ nguyên nhân thường chiếm tỷ lệ lớn
Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh vô sinh nữ

Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến khả năng sinh sản của phụ nữ?

Khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo tuổi, đặc biệt sau 35 tuổi. Khi phụ nữ già đi, số lượng trứng trong buồng trứng giảm và chất lượng trứng cũng giảm theo. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai và các vấn đề về thụ tinh. Thêm vào đó, phụ nữ lớn tuổi thường có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tử cung và buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Có những phương pháp tự nhiên nào giúp tăng khả năng thụ thai không?

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai không?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây vô sinh nữ không?

Các biến chứng có thể gặp khi điều trị vô sinh là gì?

Hỏi đáp (0 bình luận)