Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Quỳnh Loan
Mặc định
Lớn hơn
Nhiều phụ huynh thắc mắc bé bị tay chân miệng lần 2 có nhẹ hơn lần đầu không và cách điều trị ra sao để đảm bảo an toàn cho trẻ? Việc hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh cùng phương pháp chăm sóc phù hợp sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và hạn chế nguy cơ biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này đồng thời cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách điều trị và chăm sóc trẻ tái mắc tay chân miệng hiệu quả.
Bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Bất kể trẻ mắc bệnh lần đầu hay lần thứ hai, việc điều trị và chăm sóc đúng cách là rất quan trọng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ và thực hiện các biện pháp chăm sóc nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Tái nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ không phải là hiện tượng hiếm gặp. Nhiều trẻ có thể mắc bệnh lần thứ hai hoặc thậm chí nhiều lần hơn nếu bị virus gây bệnh tấn công. Nguyên nhân chính là do bệnh tay chân miệng không chỉ do một loại virus gây ra mà xuất phát từ hơn 10 chủng virus thuộc nhóm virus đường ruột. Điều này có nghĩa là dù trẻ đã từng mắc bệnh trước đó, hệ miễn dịch của trẻ chỉ tạo được kháng thể với chủng virus cụ thể mà trẻ từng nhiễm nhưng không có khả năng miễn dịch với các chủng virus khác.
Ngoài ra, bệnh tay chân miệng có thể lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người nhiễm bệnh hoặc qua các vật dụng bị nhiễm virus. Trẻ em, đặc biệt là những bé có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu không được bảo vệ đúng cách rất dễ bị tái nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh nhiều lần, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như giữ gìn vệ sinh cá nhân, khử khuẩn đồ chơi và môi trường sống của trẻ đồng thời hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng bé bị tay chân miệng lần 2 sẽ có triệu chứng nhẹ hơn so với lần đầu. Dù trẻ mắc bệnh lần đầu hay tái nhiễm nhiều lần, bệnh vẫn diễn tiến qua bốn giai đoạn chính gồm: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh không phụ thuộc vào số lần mắc mà chủ yếu do chủng virus gây bệnh, tình trạng sức khỏe của trẻ và khả năng can thiệp điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách, bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim hoặc suy hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi trẻ bị tái nhiễm bệnh. Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, loét miệng, phát ban trên tay chân hoặc cơ thể, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh tay chân miệng có thể tái nhiễm nhiều lần do trẻ chưa có miễn dịch lâu dài với virus gây bệnh. Khi bé bị tay chân miệng lần 2, việc điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục, hạn chế nguy cơ biến chứng.
Điều quan trọng nhất khi bé bị tay chân miệng lần 2 là đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu phát hiện bệnh sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian hồi phục.
Thông thường, nếu bệnh được phát hiện trong giai đoạn khởi phát hoặc đầu giai đoạn toàn phát với triệu chứng nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu cảnh báo hoặc bệnh tiến triển nặng, nguy cơ biến chứng cao, trẻ cần được nhập viện để theo dõi và điều trị kịp thời. Trong mọi trường hợp, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ thường kê đơn thuốc nhằm giảm triệu chứng và hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho trẻ, bao gồm:
Thuốc hạ sốt
Dùng khi trẻ sốt từ 38°C trở lên. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định paracetamol, ibuprofen hoặc acetaminophen.
Thuốc sát khuẩn
Khi trẻ có vết loét miệng, bác sĩ có thể kê dung dịch sát khuẩn như Lidocaine, benzydamine dạng xịt hoặc súc miệng, nước muối sinh lý NaCl 0,9% để giảm đau và ngăn nhiễm trùng.
Bù nước và điện giải
Trẻ bị tay chân miệng thường sốt và nôn nhiều, dễ mất nước. Việc bổ sung oresol giúp duy trì cân bằng điện giải, tránh nguy cơ mất nước nghiêm trọng.
Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian bác sĩ chỉ định. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh nếu bác sĩ không kê đơn, vì kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh tay chân miệng nếu trẻ không bị nhiễm khuẩn.
Bên cạnh việc dùng thuốc, chế độ chăm sóc khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của trẻ:
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Trẻ cần được cung cấp đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng gồm đạm, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nên ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt và chia thành nhiều bữa nhỏ để tránh đau miệng khi ăn. Hạn chế đồ ăn cay nóng hoặc có vị chua vì có thể gây kích ứng niêm mạc miệng khiến trẻ khó chịu hơn.
Vệ sinh cá nhân
Tắm rửa và vệ sinh cơ thể cho trẻ mỗi ngày, đặc biệt trong giai đoạn mụn nước vỡ ra để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra cần cắt móng tay sạch sẽ để tránh trẻ gãi làm vỡ mụn nước dẫn đến bội nhiễm da.
Giữ môi trường sống sạch sẽ
Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, giường nệm và các vật dụng cá nhân của trẻ như quần áo, tã lót, ly uống nước và chén bát bằng dung dịch sát khuẩn để hạn chế lây lan virus. Đồ chơi của trẻ cũng cần được khử trùng thường xuyên để tránh nguy cơ tái nhiễm.
Mặc dù tay chân miệng thường là bệnh lành tính nhưng nếu không theo dõi sát sao, trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu cảnh báo như giật mình liên tục, quấy khóc kéo dài, run tay chân hoặc đi loạng choạng. Nếu có những biểu hiện này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ xử lý kịp thời và tránh các biến chứng nặng.
Tóm lại, bé bị tay chân miệng lần 2 có thể nhẹ hoặc nặng hơn tùy vào cơ địa từng trẻ và chủng virus gây bệnh. Điều quan trọng là phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh đồng thời áp dụng đúng phương pháp điều trị và chăm sóc để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Đặc biệt nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, giật mình liên tục hoặc đi loạng choạng hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.