Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị run tay khi viết là bệnh gì? Làm thế nào để cải thiện chứng run tay?

Ngày 09/08/2024
Kích thước chữ

Bị run tay khi viết là tình trạng mà hiện nay rất nhiều người mắc phải. Run tay khi viết sẽ gây ra rất nhiều bất tiện trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, nhất là đối với những người làm công việc có đặc thù phải viết nhiều. Vậy, bị run tay khi viết là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không can thiệp, run tay khi viết sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc, tâm lý người bệnh. Để biết thêm một vài thông tin về tình trạng bị run tay khi viết, đồng thời tìm lời giải đáp cho các thắc mắc trên, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Bị run tay khi viết là bệnh gì?

Run tay khi viết chính là biểu hiện tay bị run khi cầm bút, ký, viết, đồng thời, người bệnh cũng không thể hoặc gặp khó khăn trong việc điều khiển tay theo ý muốn. Cho đến nay, run tay khi viết vẫn là một chứng bệnh vô căn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Đây có thể là hậu quả do chấn thương não hoặc do di truyền, tổn thương não, viêm não,... gây ảnh hưởng đến chức năng điều khiển vận động của não bộ. Run tay khi viết có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên thường gặp ở những người phải cầm bút thường xuyên như sinh viên, giáo viên, học sinh hay những người làm công việc giấy tờ, hành chính, người lớn tuổi,... Run tay sẽ làm cho chữ viết xấu, nguệch ngoạc. Không chỉ có thế, run tay cũng có thể xảy ra khi người bệnh thực hiện một số các động tác chuyên biệt khác như cầm kim, cầm cốc,...

Nhìn chung, run tay không phải là tình trạng quá nguy hiểm đối với sức khỏe. Tinh thần và thể chất của người bệnh không bị ảnh hưởng quá nhiều, tuy nhiên, điểm đáng chú ý của tình trạng này đó chính là sự cản trở vận động cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Bị run tay khi viết là bệnh gì? Làm thế nào để cải thiện chứng run tay?1
Rất nhiều người mắc phải tình trạng tay bị run khi viết

Nguyên nhân gây tình trạng run tay khi viết

Như đã đề cập qua ở phần trên, nguyên nhân run tay khi viết vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng run tay khi viết có thể là do tế bào não bị tổn thương và sự rối loạn dẫn truyền thần kinh. Chính các rối loạn dẫn truyền tín hiệu thần kinh ở não bộ đã làm cho các cơ tay khó nới lỏng, thư giãn cũng như thực hiện các cử động.

Ngoài ra, ở một số các trường hợp khác, chứng run tay cũng có thể là do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra hoặc cơ thể người thiếu hụt một số các khoáng chất như canxi, kali, natri,... hay dùng cafein quá nhiều, lượng đường trong máu thấp, thường xuyên lo âu, căng thẳng, stress,... Thậm chí, đây cũng có thể là một hội chứng sau cai rượu, bị cường giáp, suy gan, ngộ độc thủy ngân hoặc đa xơ cứng,...

Những người cao tuổi cũng là đối tượng phổ biến mắc chứng run tay khi viết, đi kèm theo là chứng run chân. Người bệnh cũng bị giảm hoặc mất khả năng phối hợp động tác. Tất cả những biểu hiện bất thường này có thể liên quan đến bệnh Parkinson, một căn bệnh liệt rung phổ biến thường gặp ở người già.

Người bệnh cũng cần đặc biệt chú ý, nếu run tay kèm theo cảm giác tê tê ở đầu ngón tay, nhức đầu, một nửa cơ thể như bị liệt, mất cảm giác thì đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não. Tuyệt đối không nên chủ quan và nhanh chóng gọi cấp cứu, tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Bị run tay khi viết là bệnh gì? Làm thế nào để cải thiện chứng run tay?2
Run tay có thể do rất nhiều những nguyên nhân tiềm ẩn khác nhau gây ra

Đặc điểm của chứng run tay khi viết

Đặc điểm của chứng run tay khi viết sẽ khác nhau ở mỗi người, theo đó, có một số người chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài trong suốt cả cuộc đời, một số khác thì bị run nhiều nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu run tay xảy ra thường xuyên và không đi kèm với những biến đổi trạng thái cảm xúc thì đây rất có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý. Khi bệnh đã ở giai đoạn nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn có thể gặp một số các biểu hiện khác như:

  • Khó hoặc mất khả năng thực hiện một số công việc cần đến kỹ năng vận động khéo léo, chẳng hạn như đánh đàn, vẽ tranh,...
  • Khó có thể cầm nắm, cầm cốc, chén mà không làm cho nước bên trong đổ ra ngoài.
  • Khó thực hiện các hoạt động hàng ngày như trang điểm, cạo râu,...
  • Nói năng dần kém lưu loát.
  • Đi lại khó khăn.

Ngoài ra, tình trạng run tay khi viết còn có thể nặng hơn nếu như người bệnh thường xuyên mệt mỏi, lo âu, stress hay sử dụng nhiều caffein.

Bị run tay khi viết là bệnh gì? Làm thế nào để cải thiện chứng run tay?3
Run tay cũng có thể đi kèm theo rất nhiều biểu hiện khác

Cải thiện triệu chứng run tay khi viết

Mặc dù tình trạng run tay khi viết chưa thể điều trị khỏi một cách dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh có thể thực hiện một số các biện pháp dưới đây để hạn chế sự run tay, giúp tay thoải mái, dễ dàng cầm bút viết hơn. Cụ thể:

  • Sử dụng thuốc: Để sử dụng thuốc cải thiện chứng run tay, bạn sẽ cần đi thăm khám bác sĩ. Các bác sĩ sẽ cân nhắc kê thuốc điều trị cho bạn tùy vào từng nguyên nhân được chẩn đoán gây ra chứng run tay khi viết. Một số các loại thuốc có thể được chỉ định như thuốc kháng cholinergic (Artan, Trihex) và tiêm botox. Tuy nhiên cần lưu ý, các loại thuốc này sẽ không thể sử dụng lâu ngày vì sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc hoặc xuất hiện các tác dụng phụ. Do đó, bạn cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm soát căng thẳng, stress: Hãy hạn chế căng thẳng, lo âu bằng cách dành nhiều thời gian để thư giãn. Bạn có thể tập hít thở sâu, tập thiền yoga hoặc nghe nhạc thường xuyên để giảm căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng có thể luyện viết, khi viết hãy hít thở thật sâu rồi từ từ thở ra, bạn sẽ thấy các biểu hiện run tay khi viết sẽ giảm dần.
  • Luyện tập các bài tập giảm run tay: Thực hiện một số bài tập giảm run tay như bài tập kéo căng cơ khớp ngón tay, bài tập bóp bóng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng như cải thiện sự linh hoạt, dẻo dai. Hãy tập luyện thường xuyên bằng cách sử dụng một tay để bóp mạnh quả bóng cao su mềm. Giữ chặt quả bóng trong khoảng 5 giây và lặp đi lặp lại hành động này khoảng 10 lần liên tiếp. Sau đó, hãy chuyển sang tay còn lại để có thể cải thiện chứng run tay.
  • Cầm bút đúng cách: Chú ý đến cách cầm bút của bạn, hãy thả lỏng tay khi cầm bút. Bạn càng cố nắm chặt bút thì biểu hiện run tay sẽ càng khó kiểm soát. Thư giãn tay bằng cách massage tay nhẹ nhàng, hít thở đều, xoa bóp tay trước khi viết sẽ giúp bạn viết tốt hơn. Ngoài ra, hãy sử dụng các loại bút to để viết dễ dàng hơn.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Nếu bị run tay khi viết, bạn tuyệt đối không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê hay rượu bia nếu như không muốn tình trạng run tay trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy bổ sung thật nhiều hoa quả, rau xanh vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Ăn nhiều các loại đậu và cá, thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất cũng như omega-3, các chất cần thiết cho hoạt động của não bộ.

Ngược lại, nếu biểu hiện run tay ngày càng nặng hơn dù người bệnh đã dùng thuốc hay thử bất kỳ phương pháp nào khác, người bệnh nên trao đổi với các bác sĩ để được tư vấn xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay dừng và chuyển sang loại thuốc khác hoặc thực hiện phẫu thuật. Quan trọng nhất người bệnh cần nhớ, không được tự ý ngưng sử dụng hoặc đổi các loại thuốc.

Bị run tay khi viết là bệnh gì? Làm thế nào để cải thiện chứng run tay?4
Thăm khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện chứng run tay

Bạn không nên chủ quan nếu gặp phải chứng run tay khi viết. Nếu tình trạng này kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, hãy đến các cơ sở y tế uy tín hoặc các chuyên khoa thần kinh, các chuyên khoa có liên quan để thăm khám và điều trị sớm. Tránh để biểu hiện kéo dài lâu ngày gây ra nhiều biến chứng xấu ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sức khỏe tổng thể.

Xem thêm: Buồn bực chân tay là dấu hiệu của bệnh gì? Chữa bằng cách nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin