Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ

Buồn nôn là tác dụng phụ nghiêm trọng khi điều trị ung thư, nếu không được kiểm soát có thể gây ra các thay đổi nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh: Mất cảm giác ngon miệng, mất nước, suy dinh dưỡng,… Vì vậy, buồn nôn và nôn cần phải được kiểm soát để bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bạn cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị hoặc nhóm chăm sức sức khỏe nếu cảm thấy buồn nôn hay đang bị nôn (ói) vì có vài loại thuốc chống nôn có thể giúp ích cho bạn lúc này. Đừng cố gắng chịu đựng vì sẽ khiến cơ thể rất mất sức, ảnh hưởng nhiều đến việc phục hồi và điều trị ung thư.

Các phương pháp điều trị ung thư có thể gây buồn nôn

Khi thực hiện hóa trị, phương pháp này có thể gây cảm giác buồn nôn (có hoặc không có nôn ói), tình trạng này sẽ diễn ra trong ngày điều trị và có thể hết sau vài ngày, tùy thuộc vào loại thuốc sử dụng.

Nếu xạ trị ở vùng bụng, ngực, não, hoặc xương chậu buồn nôn có thể bắt đầu ngay sau khi điều trị và kết thúc trong khoảng vài giờ. Cảm giác buồn nôn và nôn ói thật sự cũng có thể do những tác nhân khác trong quá trình điều trị bệnh.

Trong trường hợp này, bạn cần thông báo với bác sĩ ngay vì có vài loại thuốc chống nôn có thể giúp ích. Bác sĩ sẽ kê toa theo lịch trình đều đặn hoặc theo giờ. Nếu thuốc được kê ban đầu không phù hợp, bác sĩ sẽ đề nghị loại khác, bạn sẽ phải thử để chọn ra loại thuốc phù hợp nhất.

Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì? 1 Bác sĩ sẽ kê những loại thuốc chống nôn thích hợp

Những điều nên làm khi bị buồn nôn

Một số cách sau đây sẽ phần nào giúp bạn giảm cảm giác khó chịu của cơn buồn nôn, hoặc thậm chí là tránh gây buồn nôn cho người bệnh ung thư, cùng tham khảo nhé:

  • Bạn nên ăn trước khi tiến hành lịch trình điều trị.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn. Hãy ăn 6 đến 8 bữa nhỏ một ngày, thay vì chỉ 3 bữa chính.
  • Ăn thức ăn khô, như là bánh quy giòn, bánh mì nướng, ngũ cốc khô, hay bánh mì que, khi bạn thức dậy và vào vài thời điểm trong ngày.
  • Ăn các loại thức ăn không có mùi mạnh, nên ăn đồ ăn lạnh.
  • Hãy thử thức ăn nhạt, mềm, dễ tiêu hóa trong những ngày có lịch điều trị. Kem làm từ bột lúa mì, súp gà với bánh quy mặn có thể an toàn với dạ dày hơn là một bữa ăn lớn.
  • Nếu bạn cần nghỉ ngơi, bạn nên ngồi hoặc tựa lưng ít nhất một giờ sau khi ăn.
  • Uống từng ngụm nước thường xuyên để tránh mất nước. Có thể dùng nước đun sôi, nước uống thể thao, nước trái cây, gelatin (tương tự như rau câu, được làm từ collagen động vật), kem que.
  • Ăn chậm.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về thuốc ngừa và điều trị buồn nôn.
  • Thử ngậm kẹo bạc hà hay kẹo chanh cứng, nếu thấy vị khó chịu.
  • Trong trường hợp nôn ói, uống càng nhiều nước càng tốt. Sau khi nôn, súc miệng sạch, chờ khoảng 30 phút, sau đó cố gắng uống từng ngụm chất lỏng như là nước táo, việt quất, soda, nước đun sôi, hay ngậm đá hương vị.
  • Nấu ăn bên ngoài trên vỉ nướng hay dùng túi hút mùi để làm giảm mùi, giữ không khí trong phòng ở nhiệt độ thích hợp và sạch.

Xem thêm: Cách giảm buồn nôn và nôn hiệu quả ở trẻ em bị ung thư

Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì? 2 Bệnh nhân ung thư nên chia nhỏ khẩu phần ăn thay vì ba bữa chính

Những điều nên tránh khi bị buồn nôn

Bên cạnh một số lời khuyên nên làm, bệnh nhân ung thư cũng cần ghi nhớ những điều nên tránh khi xuất hiện cảm giác buồn nôn hoặc nôn:

  • Tránh các loại thức ăn quá ngọt, dầu mỡ, chiên, nhiều gia vị.
  • Tránh ăn trong căn phòng ấm, có mùi nấu nướng hay mùi khác.

Tóm tắt các loại thức ăn nên dùng và tránh khi buồn nôn

Bảng tóm tắt này sẽ giúp liệt kê ngắn gọn những loại thức ăn người bệnh nên dùng và nên tránh khi bị buồn nôn hoặc để hạn chế các cơn buồn nôn:

Nên ăn

Các loại thức ăn giàu protein như: Thịt luộc hay nướng, cá, gia cầm, thịt lạnh hay salad cá; trứng; súp kem làm từ sữa ít chất béo; sữa chua không chất béo.

Bánh mì, ngũ cốc, gạo và mì ống: Bánh quy mặn, bánh soda, bánh mì nướng, ngũ cốc lạnh, bánh nướng xốp, bánh mì tròn; mì sợi, gạo.

Trái cây và rau củ: Khoai tây (nướng, luộc, nghiền); nước trái cây; rau, trái cây đóng hộp (không ăn nếu buồn nôn trầm trọng).

Nước uống, đồ tráng miệng và các loại thức ăn khác: Nước trái cây đóng hộp, nước giải khát không cafein, trà đá, nước uống thể thao; nước trái cây, gelatine vị trái cây, bánh bông lan, bánh kem xốp vani; pudding; bánh quy mặn; kem que, kem trái cây; bơ, margiarine (lượng nhỏ); muối, quế, gia vị (nếu dung nạp).

Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì? 3 Bệnh nhân nên ăn khoai tây nghiền, tốt cho tiêu hóa hạn chế nôn ói

Không nên ăn

Các loại thức ăn chứa protein như: Thịt béo, chiên, như là xúc xích hay thịt xông khói; trứng chiên; sữa lắc (trừ khi được làm từ kem hoặc sữa ít chất béo).

Bánh mì, ngũ cốc, gạo và mì ống: Bánh Donut, bánh ngọt, bánh quế, bánh nướng xốp.

Trái cây và rau củ: Khoai tây chiên; rau tẩm bột, nước sốt từ rau củ hoặc rau củ có mùi mạnh.

Nước uống, đồ tráng miệng và các loại thức ăn khác: Rượu; cà phê; bánh, kem làm từ sữa nhiều chất béo; salad nhiều gia vị, ô liu; tiêu, hành, nước sốt và hỗn hợp gia vị cay.

Buồn nôn ở bệnh nhân ung thư: Nên làm và nên tránh những gì? 4 Tuyệt đối tránh xa bánh Donut và các loại thức ăn nhanh, gia vị, bia rượu

Hi vọng bài viết trên đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn và những người xung quanh trong giai đoạn khó khăn của việc điều trị ung thư. Chúc bạn sớm vượt qua và đừng ngần ngại liên lạc ngay với bác sỹ chăm sóc khi có thắc mắc hoặc dấu hiệu bất thường nhé.
Xem thêm: Những vấn đề ăn uống do phẫu thuật, xạ trị và hóa trị của bệnh nhân ung thư

Thùy

Nguồn: Y học Cộng đồng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin