Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Cách xử trí khi bị nặng đầu

Ngày 07/09/2024
Kích thước chữ

Nặng đầu là cảm giác khó chịu ở vùng đầu, khiến bạn cảm thấy như có áp lực nặng đè lên. Tình trạng này có thể xảy ra trong vài phút đến vài ngày và thường liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, từ căng thẳng đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nếu không kịp thời can thiệp sớm thì không chỉ cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng mà sức khỏe cũng có thể sẽ ngày càng yếu đi.

Nặng đầu không phải là một bệnh cụ thể mà là một triệu chứng. Đó là cảm giác áp lực hoặc sức nặng ở vùng đầu, thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, khó chịu và đôi khi là đau nhức.

Nguyên nhân gây nặng đầu

Có một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể kéo theo tình trạng nặng đầu, bao gồm:

Rối loạn cân bằng

Chóng mặt và hoa mắt ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng có thể khiến đầu cảm thấy nặng. Đây cũng có thể là dấu hiệu của các rối loạn cân bằng như: Bệnh Meniere, chóng mặt hoặc viêm dây thần kinh tiền đình. Mỗi loại rối loạn này đều có thể khiến người bệnh cảm nhận đầu mình nặng hơn bình thường.

Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Làm sao xử trí - 1
Rối loạn cân bằng có thể kéo theo chứng nặng đầu

Chứng nhược cơ

Chứng nhược cơ (MG) là một tình trạng làm cho cơ trở nên yếu hơn. Các triệu chứng ban đầu là dễ mệt mỏi đặc biệt là ở cơ cổ, khiến các hoạt động đơn giản như: Nhai, nói chuyện hoặc giữ thẳng đầu trở nên khó khăn hơn. Những biểu hiện này thuộc về triệu chứng suy yếu của cơ hoành và kéo theo tình trạng nặng đầu.

Tư thế sai

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia phẫu thuật quốc tế, khi cổ và đầu nghiêng về phía trước khoảng 15 độ, trọng lượng mà đầu chịu có thể tăng lên đến 13 kg. Ở góc 60 độ, tương đương với việc nhìn xuống đất, cảm giác nặng của đầu có thể lên đến gần 30 kg. Nếu đầu cảm thấy nặng, có thể nguyên nhân xuất phát từ tư thế không đúng. Việc giữ đầu ở vị trí sai lệch trong thời gian dài có thể gây ra cảm giác nặng nề ở vùng đầu.

Đau đầu xoang

Đau đầu xoang gây ra cảm giác đau và áp lực khiến chứng nặng đầu xuất hiện. Triệu chứng thường xuất hiện khi các xoang ở vùng trước mặt bị sưng. Vi khuẩn và virus mắc kẹt trong các đường dẫn xoang có thể gây sưng tấy, tiết dịch vàng và nghẹt mũi.

Đau đầu căng thẳng

Đau đầu căng thẳng là một loại đau đầu phổ biến, gây ra cảm giác như có áp lực chèn ép lên đầu. Loại đau đầu này cũng có thể làm căng cơ bắp và cổ, khiến đầu cảm thấy nặng hơn bình thường. Cơn đau có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ.

Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Làm sao xử trí - 2
Đau đầu căng thẳng là dạng đau đầu phổ biến hiện nay gây ra cảm giác nặng đầu

Biểu hiện của chứng nặng đầu

Các biểu hiện của chứng nặng đầu thường phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, và có thể bao gồm:

  • Đau nửa đầu: Đau một bên đầu, tăng nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
  • Mệt mỏi gây nặng đầu: Cảm giác đầu nặng và kiệt sức, thường kèm theo mất ngủ

Các biểu hiện khác kèm theo có thể xuất hiện:

  • Đau đầu nhói hoặc nghe đập theo nhịp mạch;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Mờ mắt;
  • Nhạy cảm với mùi, âm thanh và ánh sáng;
  • Khó tập trung;
  • Kiệt sức;
  • Nặng đầu ở các vị trí như: Sau gáy, hai bên thái dương hoặc trên trán;
  • Đau nhức ở vai và cổ;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Tức ngực;
  • Tim đập nhanh;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Mất ngủ.
Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Làm sao xử trí - 3
Tình trạng mất ngủ có thể xuất hiện kèm theo chứng nặng đầu

Điều trị chứng nặng đầu

Nhiều người bị nặng đầu thường tự chịu đựng mà không đến gặp bác sĩ, do tình trạng này thường nhẹ và có xu hướng giảm dần rồi biến mất. Tuy nhiên, nếu chứng nặng đầu xảy ra thường xuyên và kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng, việc điều trị là rất cần thiết. Điều quan trọng là bạn nên ghi nhớ và báo cáo đầy đủ các dấu hiệu, triệu chứng cho bác sĩ.

Bác sĩ có thể thảo luận và khám sức khỏe để xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra cảm giác nặng đầu. Trong một số trường hợp, để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI, CT scan hoặc thực hiện các xét nghiệm tủy sống.

Bác sĩ sẽ dựa trên tình hình bệnh nhân mà áp dụng cách điều trị sau:

  • Nếu nặng đầu do tư thế sai, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên nghỉ ngơi và thư giãn, cố gắng hạn chế việc cúi đầu nhìn xuống. Việc thay đổi tư thế có thể bao gồm nghỉ giải lao thường xuyên hơn và duy trì cổ ở tư thế chuẩn.
  • Nếu nặng đầu do đau đầu, bác sĩ có thể tiến hành cho sử dụng thuốc giảm đau không cần kê toa như: Acetaminophen, ibuprofen, hoặc naproxen.

Đối với các rối loạn cân bằng kéo theo tình trạng nặng đầu, bác sĩ điều trị có thể sử dụng một số loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc kháng cholinergic: Như scopolamine, thường dùng để điều trị say sóng.
  • Thuốc chống nôn: Dexamethasone (Decadron) và ondansetron (Zofran), giúp điều trị buồn nôn do chóng mặt.
  • Thuốc kháng histamine: Giảm tác động của say tàu xe, ví dụ như: Meclizine (Antivert), diphenhydramine (Benadryl), và promethazine (Phenergan).
  • Benzodiazepine: Được dùng để giảm lo lắng và kiểm soát chóng mặt, như: Diazepam (Valium), clonazepam (Klonopin), và alprazolam (Xanax).
Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Làm sao xử trí - 4
Tùy vào tình hình bệnh nhân bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị chứng nặng đầu thích hợp

Cách xử trí khi bị nặng đầu

  • Hãy dành thời gian nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát. Nhắm mắt lại và để đầu thư giãn trong vài phút có thể giúp bạn giảm cảm giác nặng đầu.
  • Đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước. Mất nước có thể là nguyên nhân gây nặng đầu, vì vậy uống đủ nước sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
  • Dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng vùng thái dương, trán và gáy. Điều này có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu.
  • Thực hiện các bài tập hít thở sâu để giúp cơ thể thư giãn và giảm stress, từ đó làm dịu cảm giác nặng đầu.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn hoặc mùi hương nồng. Những yếu tố này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nặng đầu.
  • Đảm bảo bạn ngồi và đứng với tư thế đúng để tránh căng cơ cổ và vai có thể góp phần gây ra tình trạng nặng đầu.
  • Đặt khăn ấm lên vùng cổ và vai để giúp giãn cơ, hoặc dùng khăn mát đắp lên trán để làm dịu cảm giác nặng nề ở đầu.
  • Đi bộ nhẹ nhàng hoặc thực hiện các động tác yoga đơn giản có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm căng thẳng giúp cải thiện tình trạng nặng đầu.
  • Đảm bảo không gian xung quanh bạn được thông thoáng, có đủ ánh sáng (không quá chói) và nhiệt độ dễ chịu.
  • Một số loại tinh dầu như: Bạc hà, oải hương có thể giúp giảm cảm giác nặng đầu khi hít nhẹ.
  • Tránh các thực phẩm có thể gây kích ứng như: Đồ uống chứa caffeine, rượu, hoặc thực phẩm chế biến sẵn.
  • Đảm bảo bạn có một giấc ngủ đủ chất lượng mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm cảm giác nặng đầu.
Chứng nặng đầu xuất hiện do đâu? Làm sao xử trí - 5
Chú ý ngồi và đứng với tư thế đúng để tránh căng cơ cổ và vai để tránh bị nặng đầu

Nếu tình trạng nặng đầu kéo dài hoặc không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Nặng đầu là một tình trạng phổ biến và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy không gây ra cơn đau nhức nghiêm trọng, nhưng bạn không nên chủ quan nếu tình trạng nặng đầu kéo dài, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể được quản lý được tình trạng nặng đầu này một cách hiệu quả thông qua các biện pháp tự chăm sóc và thay đổi lối sống khoa học.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin