Cơ thể hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng từ thực phẩm là một yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe và năng lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tối ưu hóa quá trình này, dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu hụt dưỡng chất hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa. Vậy, làm thế nào để hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất? Hãy cùng tìm hiểu để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học hơn.
Khả năng hấp thu dinh dưỡng kém từ thực phẩm là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến cả trẻ em lẫn người lớn. Tình trạng này không phải là một bệnh lý cụ thể mà thường là hậu quả của nhiều yếu tố hoặc tình trạng sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, chế độ ăn uống không cân đối, hoặc căng thẳng kéo dài. Việc cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng đòi hỏi sự kết hợp giữa điều chỉnh chế độ ăn, duy trì lối sống lành mạnh, và đôi khi cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. Vậy làm thế nào để cơ thể hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất? Trước khi tìm hiểu, chúng ta cùng điểm qua cách cơ thể tiêu hóa thức ăn như thế nào nhé!
Quá trình cơ thể hấp thụ thức ăn
Trong quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu tại ruột non, sau đó đi vào máu và phân phối đến các cơ quan, mô và cơ thể để cung cấp năng lượng, hỗ trợ các chức năng sống, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển. Quá trình này bao gồm sự phân giải cơ học, như nhai, nghiền, trộn thức ăn, kết hợp với sự phân hủy hóa học nhờ các enzym từ dịch dạ dày, tuyến tụy và mật. Các chất dinh dưỡng sau khi được tiêu hóa sẽ được hấp thụ qua tế bào biểu mô của ruột non và đi vào hệ tuần hoàn.
Tuy nhiên, một số người mắc hội chứng kém hấp thu khiến cơ thể không thể hấp thu đầy đủ dưỡng chất. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều loại chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, lipid hoặc vitamin, và đôi khi ảnh hưởng đến toàn bộ các chất cần thiết. Đây không phải là một bệnh lý độc lập mà thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố có thể gây ra kém hấp thu bao gồm chế độ ăn thiếu dưỡng chất, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, lớp màng nhầy dày bất thường trên niêm mạc ruột, hoặc các bệnh lý liên quan đến tụy, gan, túi mật, đường mật, viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích và nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa.
Làm thế nào để hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất?
Để có thể hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất, bạn nên:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Cần thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu chất lỏng, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và nâng cao sức khỏe toàn diện. Trong ít nhất 30 ngày, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau: Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, tăng cường tiêu thụ carbohydrate phức như gạo, bột yến mạch, mì ống, ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt là đu đủ và dứa. Uống từ 6 đến 8 ly nước lọc hoặc nước ép trái cây mỗi ngày. Đồng thời, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo như bơ, thịt mỡ, thức ăn chiên rán, dầu ăn và socola. Tránh sử dụng các sản phẩm giàu caffeine, thực phẩm chế biến sẵn, thịt đã qua chế biến và những loại có nhiều phụ gia thực phẩm.
Đa dạng hóa nguồn cung cấp protein
Không có thực phẩm nào có thể đáp ứng đầy đủ toàn bộ các loại protein và dưỡng chất mà cơ thể cần. Chẳng hạn, thịt ức gà rất giàu dinh dưỡng nhưng lại không cung cấp đầy đủ tất cả các axit amin thiết yếu. Do đó, hãy xây dựng thực đơn phong phú với các nguồn protein đa dạng như thịt, cá, tôm, cua và các loại thực phẩm giàu đạm khác. Việc thay đổi linh hoạt các nguồn thực phẩm sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất cần thiết.
Ăn chậm và nhai kỹ
Thực phẩm cần được nghiền nhỏ qua quá trình nhai để dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Vì vậy, việc ăn chậm và nhai kỹ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa. Khi ăn quá nhanh và không nhai kỹ, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng khó tiêu và đầy hơi.
Hạn chế ăn khuya
Thói quen ăn tối muộn không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ trong cơ thể. Quá trình trao đổi chất hoạt động mạnh nhất vào buổi sáng và đầu giờ chiều, khi cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ngược lại, ăn vào thời điểm tối muộn không chỉ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ, vì cơ thể cần xử lý đến 75% lượng calo trước khi có thể nghỉ ngơi hoàn toàn.
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Việc chia thực đơn thành nhiều bữa ăn nhỏ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể hấp thụ dưỡng chất. Đồng thời, cách ăn này duy trì quá trình trao đổi chất ở trạng thái ổn định và giảm nguy cơ tích tụ mỡ thừa, hỗ trợ quản lý cân nặng tốt hơn.
Uống đủ nước
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất, hấp thụ dinh dưỡng, cũng như nhiều chức năng thiết yếu khác. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen uống quá ít nước, dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặc dù vậy, uống quá nhiều nước trong bữa ăn cũng có thể cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất. Cần tránh uống nước có ga trong bữa ăn chính vì chúng có thể gây cảm giác đầy bụng. Các loại đồ uống như cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số dưỡng chất.
Thiết lập thói quen ăn uống đúng giờ
Để tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất, hãy ăn sáng vào khoảng 7-8 giờ, đảm bảo bữa trưa cách bữa sáng khoảng 4 giờ và ăn tối trước khi đi ngủ ít nhất 3 tiếng. Cơ thể cần có khoảng thời gian hợp lý để xử lý thức ăn và chuyển hóa dưỡng chất hiệu quả. Vì vậy, duy trì thói quen ăn uống đúng giờ không chỉ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể.
Trên đây là một số phương pháp giúp bạn đọc biết được làm thế nào để hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu gặp phải các triệu chứng bất thường liên quan đến hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, hoặc đau dạ dày, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.