Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không: Hiểu rõ nguy cơ và cách điều trị

Ngày 01/07/2024
Kích thước chữ

Liệt dây thần kinh VII là bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi, ở cả nam và nữ và không lây truyền. Đây là tình trạng bất thường gây ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, khiến các cơ cử động trên mặt bị tê liệt tạm thời hoặc lâu dài. Vậy liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không?

Dây thần kinh VII có nhiệm vụ chi phối các cơ mặt như nhíu mày, nháy mắt, mỉm cười... Tổn thương dây thần kinh mặt sẽ mang lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Vậy liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về liệt dây thần kinh VII

Dây thần kinh VII là dây vận động, điều khiển hoạt động của các cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII, hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất khả năng vận động các cơ trên một nửa khuôn mặt. Tình trạng này khác với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến bó tháp của não.

Dây thần kinh VII là một dây thần kinh rất phức tạp, xuất phát từ hệ thống thần kinh trung ương, đi qua thái dương, tuyến mang tai và đến các cơ ở vùng mặt. Điều này giải thích tại sao tổn thương vận động của nửa mặt có thể có nhiều nguyên nhân như thương tổn não, tổn thương dây thần kinh số VII…

Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không: Hiểu rõ nguy cơ và cách điều trị 1
Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều độc giả

Liệt dây thần kinh số VII được phân loại thành hai dạng chính:

  • Liệt dây thần kinh VII ngoại biên: Đây là loại tổn thương phổ biến, dẫn đến liệt một nửa khuôn mặt, làm mất sự cân đối giữa hai bên mặt. Triệu chứng điển hình bao gồm một nửa khuôn mặt không thể di chuyển, má nhăn, lông mày sụp, trán nhăn, đau tai và rối loạn vị giác ở vùng 2/3 trước lưỡi...
  • Liệt dây thần kinh VII trung ương: Đặc trưng bởi tổn thương ở phần dưới 1/4 khuôn mặt. Triệu chứng tiêu biểu là mất chức năng vận động ở vùng này, do tổn thương ảnh hưởng đến bán cầu não.

Nguyên nhân gây bệnh

Để giải đáp thắc mắc liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không, trước tiên hãy tìm hiểu về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có nhiều nguyên nhân gây ra liệt dây thần kinh số VII, chủ yếu do tình trạng sưng viêm hoặc chèn ép quá mức như:

  • Nhiễm lạnh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh. Do dây thần kinh số VII nằm ở vị trí nhạy cảm trong ống xương đá, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đột ngột, các mạch máu co thắt gây cản trở tuần hoàn máu, làm dây thần kinh bị phù lên và bị chèn ép quá mức dẫn đến tê liệt.
  • Nhiễm trùng: Bao gồm nhiều loại virus như virus cảm cúm, virus HIV… có thể gây ra tình trạng này.
  • Chấn thương hoặc hậu phẫu thuật: Các chấn thương hoặc di chứng sau mổ cũng là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương, sưng viêm và tê liệt dây thần kinh mặt.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Bao gồm các bệnh tổn thương mạch máu như tiểu đường cũng như các bệnh liên quan đến vòm họng và nền sọ như tụ máu nền sọ, u dây thần kinh số VII, ung thư vòm họng...
Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không: Hiểu rõ nguy cơ và cách điều trị 2
Liệt dây thần kinh số VII chủ yếu do tình trạng viêm và chèn ép gây ra

Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số VII chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về dấu hiệu liệt mặt, từ đó xác định vị trí tổn thương để đưa ra chẩn đoán. Một số dấu hiệu liệt mặt thường gặp là:

  • Dấu hiệu Charles Bell, người bệnh không thể nhắm mắt kín gặp trong liệt mặt ngoại biên.
  • Khi người bệnh nghỉ ngơi, hai bên mặt không cân đối, bên liệt bị lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa, má nhẽo và phập phồng lên khi thở ra…
  • Với các tổn thương kín đáo, có thể thấy được dấu hiệu lông mi bên liệt dài hơn bên kia khi nhắm chặt mi mắt.

Bên cạnh đó, bác sĩ cần phải đánh giá sự trương lực cơ khi nghỉ và thăm khám các bộ phận khác như:

  • Khám tai: Tìm kiếm nốt phỏng ở tai, chảy máu hoặc chảy dịch qua tai và tình trạng của màng nhĩ để chẩn đoán nguyên nhân.
  • Khám họng và cổ: Sờ cổ và kiểm tra họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
  • Kiểm tra thần kinh: Đánh giá các tổn thương dây thần kinh sọ và các kết hợp điều trị khác.

Ngoài ra, người bệnh được chỉ định các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và tìm các nguyên nhân gây bệnh như:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não có mạch máu: Giúp xác định tổn thương ở vùng trung ương hay ngoài biên.
  • Đo điện cơ (EMG): Là một trong các phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán liệt dây thần kinh VII. Phương pháp này sử dụng các dây điện cực mỏng được gắn vào cơ để đo và theo dõi sự biến đổi của hoạt động điện trong cả thời gian nghỉ ngơi và khi vận động.
  • Các xét nghiệm khác: Bao gồm các xét nghiệm huyết học, sinh hóa...
Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không: Hiểu rõ nguy cơ và cách điều trị 3
Đo điện cơ là phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán liệt dây thần kinh VII

Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không?

Phần trên đã giới thiệu khái quát về nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán liệt dây thần kinh mặt, vậy liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không? Nhìn chung, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ để lại nhiều di chứng nếu không điều trị kịp thời. Hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 mức độ nhẹ thường chỉ là tạm thời và biến mất sau 1 - 3 tháng. Ngược lại, đối với các trường hợp liệt nghiêm trọng thường không có khả năng tự phục hồi nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nặng nề sau:

  • Biến chứng về mắt: Viêm kết mạc, viêm hoặc loét giác mạc, lộn mí... Các biến chứng này có thể được phòng tránh bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt, đeo kính bảo vệ hoặc phẫu thuật khâu sụn mí để khắc phục hoàn toàn hoặc một phần tình trạng này.
  • Đồng vận: Là tình trạng co cơ không tự chủ khi người bệnh thực hiện các hoạt động tự chủ khác như mép bị kéo khi người bệnh nhắm mắt.
  • Co thắt nửa mặt liệt mặt: Đây là biến chứng thường gặp ở các trường hợp nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố thần kinh bị ảnh hưởng một phần.
  • Hội chứng nước mắt cá sấu: Là một biến chứng hiếm gặp, biểu hiện bằng tình trạng chảy nước mắt khi ăn.

Phương pháp điều trị hiện nay

Phần trên đã giải đáp liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không, vậy phương pháp điều trị tình trạng này là gì? Mục tiêu điều trị liệt mặt là cải thiện các triệu chứng, phục hồi khả năng vận động của cơ mặt và ngăn ngừa biến chứng. Hầu hết các trường hợp liệt nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe tích cực, các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm và biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp liệt nặng do sưng viêm hoặc nhiễm trùng, người bệnh sẽ được chỉ định các biện pháp sau:

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ phục hồi chức năng cơ mặt nhanh hơn gồm:

  • Corticosteroid: Có tác dụng làm giảm sưng viêm và phục hồi nhanh chóng các cử động trên khuôn mặt.
  • Thuốc kháng virus: Giúp kiểm soát triệu chứng nhiễm virus. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên kết hợp với corticosteroid.

Chăm sóc mắt

Đây là bước cực kỳ quan trọng trong phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII nhằm ngăn ngừa biến chứng khô mắt, viêm loét giác mạc hay nhiễm trùng khác. Bệnh nhân nên sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các loại nước mắt nhân tạo do bác sĩ chỉ định để giữ ẩm và xoa dịu kích ứng cho mắt. Ngoài ra, cần thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để vệ sinh mắt và che chắn mắt cẩn thận mỗi khi ra ngoài để giảm tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. 

Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không: Hiểu rõ nguy cơ và cách điều trị 4
Chăm sóc mắt là bước quan trọng trong điều trị liệt thần kinh số VII

Phẫu thuật

Đối với những trường hợp liệt dây thần kinh số VII nặng và nghiêm trọng cần phải tiến hành phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết não, u não… Phẫu thuật nhằm làm giảm áp lực lên dây thần kinh và phục hồi các chuyển động bình thường của cơ mặt.

Vật lý trị liệu

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số biện pháp vật lý trị liệu nhằm hỗ trợ cải thiện chức năng cơ mặt và giảm thiểu biến chứng. Các biện pháp này bao gồm những bài tập vận động đơn giản hoặc massage xoa bóp để tập luyện cơ mặt.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Để tăng hiệu quả điều trị và cải thiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số VII, người bệnh có thể kết hợp thực hiện một số biện pháp khác như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau.
  • Châm cứu giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng liên quan khác.
  • Chườm nhiệt nóng hoặc lạnh vào vùng cơ bị liệt để hỗ trợ giảm sưng viêm và thúc đẩy tuần hoàn.

Liệt dây thần kinh số VII có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, hầu hết người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giải đáp thỏa mãn cho câu hỏi: “Liệt dây thần kinh số VII có nguy hiểm không?” Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe khác!

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin