Phân loại insulin trong điều trị tiểu đường và cách sử dụng
Ngày 08/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Insulin thường được sử dụng để giúp kiểm soát đường huyết và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh tiểu đường. Vậy có những dạng insulin nào? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin về phân loại insulin trong điều trị tiểu đường, mời bạn đọc cùng tham khảo nhé!
Insulin là một loại hormon do tế bào tuyến tụy tiết ra để chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể và kiểm soát lượng đường trong máu. Ở người bệnh tiểu đường, cơ thể thường sẽ không sử dụng insulin hiệu quả hoặc không sản xuất đủ insulin. Tùy vào tình trạng cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp. Hãy cùng tham khảo cách phân loại insulin trong điều trị tiểu đường ở nội dung dưới đây nhé!
Phân loại insulin trong điều trị bệnh tiểu đường
Insulin có nhiều dạng khác nhau và hầu hết các loại đều mang đến hiệu quả tương tự nhau trong điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tốc độ và thời gian duy trì tác dụng ở mỗi loại thường khác nhau do sự khác biệt về cấu trúc. Do vậy, insulin chủ yếu được phân loại dựa trên thời gian khởi phát và thời gian tác động kéo dài.
Phân loại insulin theo thời gian tác động
Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và một số người mắc tiểu đường tuýp 2, bác sĩ thường khuyến nghị sử dụng hai loại insulin chính bao gồm insulin bữa ăn (insulin bolus) và insulin nền (insulin basal).
Ngoài ra, một số trường hợp còn được kê đơn insulin hỗn hợp, kết hợp giữa loại có tác dụng nhanh/ngắn và loại tác dụng trung bình/chậm, giúp đơn giản hóa quy trình điều trị. Cụ thể như sau:
Insulin bữa ăn (insulin bolus)
Insulin bolus giúp nhanh chóng kiểm soát lượng đường sinh ra từ bữa ăn. Có hai loại chính:
Insulin tác dụng nhanh: Được dùng ngay trước hoặc sau khi ăn, bắt đầu tác dụng trong vài phút và kéo dài từ 3 - 5 giờ, tùy thuộc vào nhãn hiệu.
Insulin regular (insulin tác dụng ngắn): Tương tự như insulin tác dụng nhanh nhưng thời gian bắt đầu tác động chậm hơn, dùng trước bữa ăn khoảng 30 - 60 phút và tác dụng kéo dài từ 5 - 8 giờ.
Insulin nền (insulin basal)
Insulin nền thường được sử dụng 1 hoặc 2 lần trong ngày để kiểm soát lượng đường mà cơ thể sản sinh hoặc chuyển hóa. Các loại insulin nền bao gồm:
Insulin NPH (insulin tác dụng trung bình): Dạng hỗn dịch đục, chứa protamine và kẽm, cần trộn đều trước khi sử dụng và dùng 1 - 2 lần mỗi ngày.
Insulin tác dụng kéo dài: Khởi phát tác dụng chậm hơn insulin NPH, thường dùng 1 lần trong ngày vào một thời điểm cố định.
Insulin dạng hỗn hợp (pre-mix)
Insulin hỗn hợp là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh/ngắn và loại tác dụng trung bình/chậm, giúp đơn giản hóa điều trị trước bữa ăn mà không cần thêm insulin nền, thường được tiêm 1–2 lần mỗi ngày.
Phân loại insulin theo nguồn gốc sản xuất
Insulin được tạo ra bằng nhiều phương pháp khác nhau, với phân tử insulin gồm hai chuỗi nối liền nhau. Các loại insulin dựa trên nguồn gốc sản xuất bao gồm:
Insulin người: Loại insulin tổng hợp trong phòng thí nghiệm có cấu trúc tương tự insulin tự nhiên trong cơ thể người.
Insulin analog: Cũng là dạng insulin tổng hợp nhưng có sự thay đổi ở một số vị trí của phân tử, giúp cải thiện hiệu quả điều trị.
Insulin động vật: Loại insulin này thường không được sử dụng phổ biến, nhưng một số bệnh nhân vẫn thấy insulin từ động vật (bò hoặc lợn) sau khi tinh chế mang lại hiệu quả tốt nhất cho họ. Những bệnh nhân không đáp ứng tốt với insulin tổng hợp có thể được bác sĩ chỉ định insulin động vật. Tuy nhiên, điều này không phải là lựa chọn phổ biến.
Hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản insulin
Thời điểm tiêm
Insulin tác dụng nhanh thường được tiêm ngay trước hoặc sau bữa ăn.
Insulin regular nên tiêm trước bữa ăn khoảng 30 - 60 phút.
Insulin NPH thường tiêm 1 - 2 lần mỗi ngày.
Insulin tác dụng kéo dài được dùng một lần trong ngày vào thời điểm cố định.
Insulin hỗn hợp được sử dụng trước bữa ăn.
Vị trí tiêm insulin
Hầu hết các loại insulin đều tiêm được dưới da, không nên tiêm vào cơ hoặc mạch máu vì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả hấp thụ. Vùng bụng là vị trí tiêm có khả năng hấp thụ insulin ổn định và hiệu quả nhất, trong khi các vị trí khác như cánh tay, đùi và mông có tốc độ hấp thụ thấp hơn.
Các yếu tố tăng tốc độ hấp thụ insulin:
Tiêm vào vùng hoạt động nhiều như cánh tay hoặc đùi.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao, như khi tắm nước nóng, đi spa hoặc vào phòng xông hơi.
Xoa bóp vùng xung quanh vị trí tiêm.
Tiêm vào cơ có thể làm insulin hấp thụ nhanh hơn, dẫn đến hạ đường huyết.
Các yếu tố làm chậm hấp thụ insulin:
Tiêm lặp lại vào cùng một vị trí dẫn đến hình thành sẹo hoặc sần da (loạn dưỡng mô mỡ).
Sử dụng insulin khi còn lạnh, chẳng hạn vừa lấy từ tủ lạnh.
Hút thuốc lá.
Kỹ thuật tiêm insulin
Chuẩn bị insulin và ống tiêm:
Nếu insulin ở dạng đục, hãy lắc nhẹ hoặc lăn trong lòng bàn tay từ 10 - 15 lần để dung dịch đồng đều. Không lắc mạnh vì điều này có thể tạo ra bọt khí, dẫn đến sai lệch liều lượng.
Khử trùng nắp lọ bằng bông có dung dịch sát khuẩn.
Hút không khí vào ống tiêm trước khi rút insulin, sau đó bơm khí vào lọ và nhẹ nhàng lấy thuốc, tránh tạo bọt.
Chuẩn bị bút tiêm insulin:
Lăn bút tiêm trong lòng bàn tay và lắc nhẹ 10 - 15 lần.
Lắp đầu kim vào bút tiêm, sau đó chọn liều insulin và thực hiện tiêm.
Thực hiện tiêm:
Khử trùng vùng da trước khi tiêm.
Thay đổi vị trí tiêm thường xuyên để tránh hình thành sẹo hoặc sần da.
Tiêm với góc 90° đối với bút tiêm hoặc 45° và véo da đối với lọ tiêm. Sau khi tiêm, chờ khoảng 10 giây rồi rút kim để insulin được khuếch tán đều.
Không xoa bóp sau khi tiêm để tránh ảnh hưởng đến tốc độ hấp thụ.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng insulin
Theo dõi đường huyết thường xuyên: Điều này giúp kiểm soát và điều chỉnh liều insulin hợp lý, nhất là trước khi ăn hoặc khi thay đổi chế độ sinh hoạt.
Điều chỉnh liều lượng khi cần thiết: Các yếu tố như thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập luyện, thuốc đang sử dụng hoặc thay đổi cân nặng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu insulin. Nên tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá và điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Lựa chọn vị trí tiêm: Bụng là vị trí lý tưởng nhất vì hấp thụ nhanh và ổn định. Tuy nhiên, cần thay đổi vị trí thường xuyên để tránh hiện tượng sần cứng da hoặc loạn dưỡng mô mỡ ở vùng tiêm.
Tránh xoa bóp vùng tiêm: Sau khi tiêm, không nên xoa bóp vì có thể làm thay đổi tốc độ hấp thụ insulin, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát đường huyết.
Lưu ý các tác dụng phụ nguy hiểm: Hạ đường huyết là một tác dụng phụ nghiêm trọng, cần chú ý các dấu hiệu như hoa mắt, run tay, mệt mỏi và biết cách xử lý kịp thời.
Kiểm tra insulin trước khi dùng: Nếu thấy insulin bị vón cục, có màu bất thường, đã hết hạn hoặc bị đông lạnh, không nên sử dụng.
Tính toán lượng carbohydrate: Việc biết cách tính lượng carbohydrate trong bữa ăn giúp điều chỉnh liều insulin chính xác hơn, hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Bảo quản insulin đúng cách: Insulin chưa mở cần để trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8°C, tránh tiếp xúc gần bộ phận làm lạnh hoặc ngăn đá. Sau khi mở, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 25°C trong vòng 1 tháng, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ trên 30°C.
Việc nắm được cách phân loại insulin và lựa chọn đúng loại phù hợp là yếu tố quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả. Mỗi loại insulin đều có đặc điểm, thời gian tác động và cách sử dụng khác nhau, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Việc kết hợp dùng insulin cùng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp sẽ giúp người bệnh duy trì đường huyết ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.