Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không? Biểu hiện như thế nào?

Ngày 12/08/2024
Kích thước chữ

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt trên đối tượng trẻ em. Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh với số ca mắc tăng vọt so với cùng kỳ năm 2023, việc chủ động phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa - Khoa Phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).

Theo dữ liệu từ viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, toàn khu vực có 1147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo đến hết này 28/7, trong đó hơn 40% trường hợp (481 ca) đã được xác định nhiễm bệnh sởi. Số lượng ca sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi đã tăng gấp 5.5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Sởi là bệnh gì? Nguyên nhân là do đâu?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo phân loại trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và có thể dẫn đến tử vong.

Virus sởi hay virus Polynosa morbillorum là nguyên nhân gây ra bệnh sởi. Đây là loại virus có khả năng chống chịu kém với môi trường bên ngoài, có thể tồn tại trong không khí ít nhất 34 giờ. Tuy nhiên, các loại thuốc sát trùng thông thường lại có thể dễ dàng tiêu diệt virus sởi.

Sởi lây truyền qua đường nào?

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, khi người khỏe vô tình tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi họng của người bệnh do ho, hắt hơi,... Ngoài ra, việc chạm vào các đồ vật nhiễm chất tiết này cũng có thể dẫn đến lây nhiễm.

Với khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng, những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi trước đó, nhất là trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người đang mắc sởi.

Biểu hiện bệnh sởi như thế nào?

Bệnh sởi có thể xảy ra với tất cả mọi người, song trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Người mắc bệnh thường phải trải qua 4 giai đoạn:  

Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không? Biểu hiện như thế nào? 2
Người mắc bệnh sởi thường phải trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu khác nhau

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 - 14 ngày với đặc điểm là người nhiễm sởi không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Giai đoạn này sẽ kết thúc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Giai đoạn tiền triệu (khởi phát)

Giai đoạn tiền triệu hay giai đoạn khởi phát thường kéo dài từ 2 - 4 ngày với các dấu hiệu như sốt nhẹ - vừa, chảy nước mũi, viêm đường hô hấp trênviêm đỏ kết mạc, phù mí mắt. Niêm mạc má của trẻ xuất hiện các hạt màu trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, được gọi là hạt Koplik hay nội ban. Đây là dấu hiệu đặc trưng, chỉ dấu nhiễm bệnh, tuy nhiên, các các hạt này thường xuất hiện và biến mất tương đối nhanh, trong khoảng 1 ngày.

Bên cạnh đó, các biểu hiện tiền triệu nặng hơn như sốt cao, co giật, viêm phổi,... cũng có thể xảy ra.

Giai đoạn phát ban

Triệu chứng điển hình của bệnh đã xuất hiện với đặc trưng là phát ban tuần tự trên nhiều vị trí khác nhau:

  • Ngày thứ 1: Xuất hiện ở vùng đầu, mặt, cổ;
  • Ngày thứ 2: Xuất hiện ở vùng ngực, lưng, cánh tay;
  • Ngày thứ 3: Lan rộng khắp toàn thân, xuất hiện ở bụng, mông, đùi, chân.

Cần lưu ý một số điểm khác biệt giữa phát ban sởi với sốt phát ban thông thường

Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không? Biểu hiện như thế nào? 2
Phân biệt giữa phát ban do sởi và phát ban thông thường

Giai đoạn hồi phục

Bệnh nhân hết sốt, trên da có những vết vằn da hổ, thường hết trong vòng 1 tuần sau, không để lại sẹo. Người bệnh ăn uống khá hơn, cơ thể dần hồi phục lại bình thường.

Làm thế nào để chẩn đoán phát hiện và điều trị bệnh sởi?

Chẩn đoán bệnh sởi cần kết hợp các yếu tố gồm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng:

  • Yếu tố dịch tễ: Gia đình cùng lúc có nhiều người mắc bệnh hoặc đang ở khu vực có dịch sởi hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân sởi nhưng chưa chủng ngừa sởi.
  • Triệu chứng lâm sàng: Sốt, phát ban sởi,...
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm huyết thanh học để tìm kháng thể IgM (kháng thể đặc hiệu) với virus sởi.

Nguyên tắc điều trị bệnh sởi:

  • Cách ly người bệnh để hạn chế lây nhiễm.
  • Điều trị hỗ trợ với các triệu chứng.
  • Nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc ánh sáng mạnh trong giai đoạn viêm.
  • Phát hiện sớm để chủ động điều trị biến chứng kịp thời.
  • Các biện pháp hồi sức tuỳ theo triệu chứng bệnh.

Các biện pháp hỗ trợ trong điều trị triệu chứng:

  • Vệ sinh da, mắt, miệng, họng thường xuyên.
  • Lau người bằng nước ấm, chườm mát hoặc sử dụng thuốc hạ sốt khi có dấu hiệu sốt.
  • Uống bù nước và chất điện giải, có thể truyền dịch trong trường hợp nôn nhiều, nguy cơ bị rối loạn điện giải cao.
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý bổ sung thực phẩm giàu Vitamin A hoặc uống Vitamin A vào 2 ngày liên tiếp theo liều chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi, do đó chủ động phòng bệnh sởi là đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không?  

Sởi là bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là là nhóm đối tượng dưới 3 tuổi. Nguyên nhân là vì sởi có thể làm hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể của trẻ “quên mất” cách tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng. Từ đó, trẻ bệnh trở nên yếu ớt, dễ có khả năng mắc bệnh các bệnh nhiễm trùng khác. Các biến chứng do phát ban sởi có thể xuất hiện ở hệ thần kinh gây viêm màng não cấp tính hoặc viêm não sau nhiều năm khỏi bệnh. Một số biến chứng thường gặp khác ở trẻ em là do tình trạng bội nhiễm là viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phổi, lao tiến triển,... thậm chí là tử vong nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị.

Không chỉ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến trẻ em, bệnh sởi còn có thể ảnh hưởng xấu đến phụ nữ có thai, là nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, sinh non,... Vì lý do này, chủ động phòng chống bệnh sởi luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành y tế để dự phòng chủ động và tích cực trong chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các biện pháp phòng chống bệnh sởi hiệu quả tại cộng đồng

Hiện nay, tình hình bệnh sởi ở Việt Nam đang diễn biến tương đối phức tạp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sởi tăng vọt so với cùng kỳ năm 2023. Theo dữ liệu từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 4/8/2024 đã có 505 ca sốt phát ban nghi ngờ mắc bệnh sởi, trong đó đã có 262 trường hợp dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại Thành phố. Nghiêm trọng hơn, đến thời điểm ngày 11/8/2024, thành phố đã ghi nhận 3 trẻ tử vong vì sởi. Do đó, chủ động phòng bệnh là đặc biệt quan trọng trong thời điểm này.

Phòng ngừa đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi giúp chủ động phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ. Vắc xin sởi được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ những năm 1980 đến nay, điều này đã giúp trẻ em phòng bệnh sởi dễ dàng hơn. Cần lưu ý phải đảm bảo trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mũi tiêm đầu tiên nên được thực hiện khi trẻ tròn 9 tháng tuổi.

Hiện nay, tất cả các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc đều sẵn có các loại vắc xin phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em và người lớn chưa được tiêm ngừa sởi, chưa tiêm đủ mũi sởi hoặc không có kháng thể sởi. Các vắc xin ngừa bệnh sởi hiện có tại các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu bao gồm:

  • Vắc xin MVVAC (Việt Nam) có hiệu quả trong việc phòng ngừa duy nhất bệnh Sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên.
  • Vắc xin PRIORIX (Bỉ) có hiệu quả trong việc phòng ngừa 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
  • Vắc xin MMR II (Mỹ) có hiệu quả trong việc phòng ngừa 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không? Biểu hiện như thế nào? 3
Cần kết hợp biện pháp đặc hiệu với các biện pháp không đặc hiệu để phòng bệnh sởi hiệu quả

Phòng ngừa không đặc hiệu

Các biện pháp khác giúp phòng ngừa bệnh sởi bao gồm:

  • Cách ly người bệnh, cần đảm bảo hạn chế tiếp xúc ít nhất 4 ngày kể từ thời điểm phát ban.
  • Hạn chế tụ tập nơi đông người trong thời gian có nhiều ca mắc sởi
  • Sử dụng khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Thường xuyên vệ sinh nơi ở cũng như nơi làm việc bằng thuốc sát trùng.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, giữ ấm và sát khuẩn vùng mũi họng
  • Đảm bảo ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì thể trạng và sức đề kháng của cơ thể.
  • Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường hoặc sốt phát ban sởi, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Có thể mắc bệnh sởi 2 lần không?

Khi đã nhiễm sởi, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch suốt đời, do đó sẽ không mắc bệnh lại lần nào nữa. Điều này cũng giúp giải thích lý do vì sao khi chưa có vắc xin bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ em hơn là ở người lớn. Hiện nay, do việc tiêm phòng vắc xin ngừa sởi chưa được thực hiện đầy đủ (chưa đạt 95% chỉ tiêu trẻ đối tượng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phòng chống bệnh sởi), một số trẻ chưa được hoặc không được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, dẫn đến miễn dịch không đầy đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi ở  nhóm đối tượng này tăng  lên.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về bệnh sởi cũng như tình hình bệnh sởi ở Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Hiểu về bệnh sởi - căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - là kiến thức quan trọng và cần thiết giúp cho mỗi gia đình có thể chủ động phòng ngừa bệnh sởi trước tình hình lây nhiễm phức tạp ở hiện tại và nguy cơ gây dịch trong cộng đồng dân cư.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Đã kiểm duyệt nội dung

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin