Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Bệnh thường gặp/
  4. Hội chứng suy giảm miễn dịch

Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Thạc sĩ - Bác sĩTrần Thị Mỹ Linh

Đã kiểm duyệt nội dung

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Y học cổ truyền tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Cơ - Xương - Khớp và lĩnh vực Xét nghiệm.

Xem thêm thông tin

Hội chứng suy giảm miễn dịch khiến cơ thể giảm hoặc mất khả năng bảo vệ và chống chọi lại với bệnh tật. Người bệnh mắc hội chứng này dẫn đến việc dễ nhiễm trùng, diễn tiến bệnh nghiêm trọng kéo dài và thường xuyên tái phát. Phát hiện bệnh, điều trị kịp thời và có chiến lược phòng ngừa là rất quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung hội chứng suy giảm miễn dịch

Hệ thống miễn dịch là gì?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới hoạt động phối hợp gồm các tế bào, kháng thể, hóa chất trung gian và các cơ quan miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, cơ thể bạn sẽ nhận biết được đâu là những tác nhân bên ngoài đang xâm nhập. Hệ thống này được kích hoạt sẽ tiến hành huy động, tấn công và tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, sau quá trình tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất ra các kháng thể để ghi nhớ và tiêu diệt các tác nhân lạ này nếu bạn tiếp xúc lại với chúng trong tương lai. Bất kì tác nhân nào được hệ miễn dịch nhận biết được coi là kháng nguyên (Ag).

Da, giác mạc và niêm mạc nằm ở đường hô hấp (vòm họng ), đường tiêu hóa và đường sinh dục ( cổ tử cung,..) tạo thành một hàng rào vật lý là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể.

Hệ thống miễn dịch của bạn bao gồm:

  • Tế bào thực bào: Bao gồm Bạch cầu đa nhân trung tính có trong máu và mô, Bạch cầu đơn nhân trong máu, đại thực bào trong mô có vai trò tiêu hoá và phá hủy các kháng nguyên xâm nhập. Sự tấn công của các tế bào thực bào được tạo điều kiện khi kháng nguyên được bao phủ bởi kháng thể (Ab), được tạo ra như một phần của miễn dịch thu được, hoặc khi các protein bổ thể opsonin hóa kháng nguyên.
  • Bạch cầu đa nhân: Bao gồm bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm và tế bào đơn nhân (mono bào, đại thực bào, tế bào mast) giải phóng các chất trung gian gây viêm, gửi tín hiệu cảnh báo và huy động tế bào khác tới hỗ trợ.
  • Tế bào NK, diệt tự nhiên: Giết các tế bào nhiễm virus và một số tế bào khối u.
  • Hạch bạch huyết: Là nơi vai trò sàng lọc các chất trong dịch bạch huyết (chứa các protein, chất béo, khoáng chất, tế bào bạch cầu, tế bào ung thư, tế bào lạ,...) và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, khu trú chúng để không thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Cơ thể có hàng trăm hạch bạch huyết, dễ nhận biết nhất là nhóm hạch cổ, nách và bẹn.
  • Amidan và vòm họng: Đây là những chiếc bẫy có thể tóm lấy các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể bạn.
  • Tuyến ức: Cơ quan này nằm phía trước tim và phía sau xương ức. Đây là cơ quan bạch huyết chuyên biệt của hệ thống miễn dịch, giúp tế bào lympho T trưởng thành. Tế bào này có nhiệm vụ nhận biết và ghi nhớ các tác nhân gây bệnh để huy động nhanh các hóa chất trung gian và các tế bào bạch cầu tấn công tác nhân đó.
  • Tủy xương: Các tế bào gốc ở vùng xương xốp sẽ phát triển thành các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và một số loại tế bào miễn dịch khác. Tế bào B trưởng thành trong tủy xương. Các tế bào B và tế bào T trưởng thành sau đó phối hợp với nhau để tiêu diệt những kẻ xâm lược.
  • Da và các loại dịch tiết: Da là tuyến phòng thủ đầu tiên của bạn trước các tác nhân gây bệnh. Bên ngoài, lớp da là thượng bì sừng hóa, các tế bào sừng trong da tiết ra các chất peptide kháng khuẩn (defensin), tuyến bã và tuyến mồ hôi tiết ra các chất ức chế vi khuẩn (ví dụ: axit lactic, axit béo). Ngoài ra, nhiều tế bào miễn dịch (ví dụ, các tế bào mast, lympho bào trong biểu mô, các tế bào Langerhans lấy mẫu lấy mẫu kháng nguyên) nằm trong da. Các loại dịch nhầy có chứa các chất chống vi khuẩn, chẳng hạn như lysozyme, lactoferrin và kháng thể tiết immunoglobulin (Ig) A (SIgA) lót đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục góp phần ngăn cản tác nhân gây bệnh và đưa chúng ra ngoài bằng nhu động của lông mao hoặc hắt hơi, ho, khạc,... Ngoài ra, trong các dịch tiết này cũng chứa nhiều enzyme có khả năng tiêu diệt vi trùng.
  • Giác mạc: Nước mắt có chứa defensin. Các đại thực bào và tế bào đuôi gai cư trú trong giác mạc và các tế bào miễn dịch khác, bao gồm tế bào T và bạch cầu trung tính thực bào, được tuyển chọn thông qua mạch máu vùng rìa trong quá trình nhiễm trùng.

Sự xâm nhập các hàng rào giải phẫu có thể khởi phát 2 loại phản ứng miễn dịch: Bẩm sinh hoặc Mắc phải hoặc cả 2 như các thành phần phân tử (ví dụ, bổ thể, cytokine, các chất phản ứng pha cấp tính) tham gia vào cả miễn dịch bẩm sinh và mắc phải.

Miễn dịch bẩm sinh (tự nhiên) là miễn dịch có sẵn, không cần trí nhớ miễn dịch nghĩa là không bị phơi nhiễm để tạo kháng thể mà vẫn có miễn dịch phòng bệnh. Do đó, cơ chế miến dịch này có thể đáp ứng ngay lập tức với sự xâm nhập. Khả năng miễn dịch bẩm sinh sử dụng các thụ thể nhận dạng mẫu (PRR) để phát hiện các mẫu phân tử liên quan đến mầm bệnh ngoại lai (PAMP) và các mẫu phân tử liên quan đến tổn thương vật chủ (DAMP).

Các thành phần bao gồm Tế bào thực bào (ví dụ, bạch cầu trung tính, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào): Bạch cầu đa nhân ( bạch cầu trung tính thực bào, bao gồm bạch cầu ái toan và bạch cầu ái kiềm): Các tế bào giống lympho tự nhiên (ví dụ, các tế bào diệt tự nhiên).

Miễn dịch mắc phải (thích ứng) là miễn dịch có sau khi tiếp xúc với kháng nguyên (nguồn gây bệnh) để có đầy đủ hiệu quả và cần thời gian để phát triển sau tiếp xúc ban đầu với một yếu tố xâm nhập mới. Sau đó, đáp ứng rất nhanh. Hệ thống ghi nhớ các phơi nhiễm trong quá khứ và kháng nguyên đặc hiệu. Bao gồm: Tế bào B và tế bào T trong đó miễn dịch dịch thể có nguồn gốc từ tế bào B các tế bào B phát triển thành tương bào tiết ra kháng thể hòa tan đặc hiệu với kháng nguyên và miễn dịch qua trung gian tế bàocó nguồn gốc từ tế bào T.

Hội chứng suy giảm miễn dịch là gì?

Hội chứng suy giảm miễn dịch là tình trạng hệ thống miễn dịch trở nên suy yếu hoặc bất hoạt khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của các tế bào lạ hoặc tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, tế bào ung thư,... Sự suy yếu này dẫn đến hậu quả nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh lý ung thư phát triển nghiêm trọng.

Hội chứng suy giảm miễn dịch gồm hai loại:

Suy giảm miễn dịch nguyên phát: Do bẩm sinh hoặc di truyền thiếu một số cơ chế phòng vệ miễn dịch của cơ thể hoặc hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định hơn 300 dạng suy giảm miễn dịch nguyên phát.

Suy giảm miễn dịch thứ phát: Hình thành trong quá trình sống, do mắc phải, do mắc một số bệnh lý, nhiễm các chất độc,... Thường chia làm 3 nhóm chính sau:

  • Rối loạn toàn thân: Bao gồm các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, suy dinh dưỡng, suy kiệt, nhiễm HIV.
  • Điều trị miễn dịch: Bao gồm hóa trị bằng cytotoxic, cắt bỏ tủy xương trước khi cấy ghép, xạ trị.
  • Các bệnh nặng kéo dài: Đặc biệt ở những bệnh nhân nghiêm trọng, già nằm viện lâu ngày

Triệu chứng hội chứng suy giảm miễn dịch

Triệu chứng của hội chứng suy giảm miễn dịch

Người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch thường dễ mắc nhiều loại nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm các chủng vi khuẩn, virus hiếm gặp. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể nặng nề hơn, thời gian kéo dài và điều trị kém đáp ứng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Đau họng,chảy nước mũi, ho,...
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy kéo dài, phân sống, trướng bụng, gan lách to,...
  • Nhiễm trùng miệng: Nấm miệng, loét miệng, tưa lưỡi, viêm nha chu,...
  • Nhiễm trùng mắt: Đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt,...
  • Nhiễm trùng da: Nhọt mủ, loét da, mụn nước,...
  • Triệu chứng nhiễm trùng chung: Sốt, ớn lạnh, chán ăn, sụt cân,...

Mặc dù những người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch có thể giảm khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh bên ngoài, nhưng họ lại có thể phát sinh những phản ứng miễn dịch chống lại mô cơ thể của chính mình và phát triển các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như lupus đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,...

Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 3
Nấm miệng là một trong những triệu chứng của suy giảm miễn dịch

Biến chứng của hội chứng suy giảm miễn dịch

Các biến chứng do hội chứng suy giảm miễn dịch khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh mà người bệnh mắc phải. Cụ thể gồm:

  • Nhiễm trùng tái phát, tình trạng đề kháng kháng sinh;
  • Các bệnh lý rối loạn tự miễn dịch;
  • Tổn thương đa cơ quan tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiết niệu hoặc tiêu hóa;
  • Chậm tăng trưởng (ở trẻ em);
  • Tăng nguy cơ ung thư;
  • Tử vong do nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kì dấu hiệu nào được đề cập ở trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện.

Nguyên nhân hội chứng suy giảm miễn dịch

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm hư hại hoặc phá vỡ hệ thống miễn dịch. Một số loại thuốc khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, một số tình trạng bệnh lý khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh hoặc khó bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại.

  • Suy giảm miễn dịch nguyên phát: Loại suy giảm miễn dịch này có tính chất di truyền. Có hơn 300 loại suy giảm miễn dịch nguyên phát ngăn cản hệ thống miễn dịch hoạt động như bình thường được phân loại thành 6 nhóm gồm thiếu hụt tế bào lympho T, thiếu hụt tế bào lympho B, thiếu hụt tế bào T và tế bào B kết hợp, khiếm khuyết thực bào, thiếu hụt bổ thể, không rõ nguyên nhân.
  • Dị ứng: Khi cơ thể phản ứng quá mẫn với một chất vô hại (như thực phẩm hoặc phấn hoa), hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng bằng cách giải phóng histamine gây ra các triệu chứng dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ (hắt hơi hoặc nghẹt mũi) đến nặng (khó thở và thậm chí sốc phản vệ và tử vong).
  • Rối loạn tự miễn dịch: Những rối loạn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh của cơ thể chúng ta. Lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường tuýp I, viêm giáp Hashimoto và viêm khớp dạng thấp là những ví dụ về các bệnh lý tự miễn phổ biến.
  • Nhiễm trùng: HIV và bệnh bạch cầu đơn nhân là những bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
  • Ung thư: Một số loại ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u tủy ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch. Những bệnh ung thư này xảy ra khi các tế bào miễn dịch phát triển không kiểm soát.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là một phản ứng mạnh mẽ của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng dẫn đến tình trạng viêm lan rộng và gây ra một chuỗi các tổn thương nội tạng, suy đa tạng và tử vong.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như nhóm thuốc corticosteroid, cyclosporin A, methotrexate,... có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Các thuốc này thường được sử dụng để kháng viêm giảm đau, chống thải ghép, các bệnh tự miễn.
Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 4
HIV là những bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)