Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Truyền nhiễm/
  4. Nhiễm giun chỉ

Nhiễm giun chỉ và những điều cần biết

Bác sĩNguyễn Thị Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ tốt nghiệp từ Đại học Y Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dinh dưỡng và Y học Dự phòng. Bác sĩ từng là giảng viên tại Trường Đại học Y tế Công cộng và cũng có kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu trong lĩnh vực tiêm chủng.

Xem thêm thông tin

Nhiễm giun chỉ là bệnh do muỗi truyền nhiễm. Triệu chứng nhiễm giun chỉ không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về bệnh giun chỉ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung nhiễm giun chỉ

Nhiễm giun chỉ là gì?

Nhiễm giun chỉ (bệnh giun chỉ) là lý ký sinh trùng do giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori gây ra. Giun chỉ lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt (vật chủ trung gian truyền bệnh) và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người (giun chỉ bạch huyết).

Ở Việt Nam, chủ yếu do 2 loại Wuchereria bancrofti và Brugia malayi:

Giun chỉ Wuchereria bancrofti:

Giun trưởng thành: Màu trắng kem, có kích thước rất thay đổi 25 – 100 mm, mảnh như sợi chỉ:

  • Giun đực dài 20 – 40 mm x 0,1 mm; Giun cái dài 40 – 100 mm, vỏ bọc ngoài trơn nhẵn. Giun đực và giun cái thường sống cuộn vào nhau như cuộn chỉ rối trong hệ bạch huyết làm cản trở sự lưu thông của bạch huyết. Giun cái có tử cung, phần trên tử cung có nhiều trứng.
  • Ấu trùng (phôi giun chỉ): Kích thước khoảng 275 – 300 µm x 8 – 10 µm, có khoảng trống ở đầu ngắn, thân uốn éo đều đặn, chứa đựng nhiều hạt nhiễm sắc nhỏ nhưng không đi đến mút đuôi, đuôi nhọn.

Giun chỉ Brugia malayi:

  • Giun trưởng thành: Mảnh và ngắn hơn so với giun chỉ Wuchereria bancrofti, giun đực dài khoảng 13 – 23 mm, giun cái dài 43 – 55 mm;

  • Ấu trùng (phôi giun chỉ): Kích thước khoảng 200 – 230 µm x 5 – 6 µm, thường uốn cong không đều, xoắn, khoảng trống ở đầu có chiều dài hơn chiều rộng. Bên ngoài có vỏ bao, nhân bên trong thân nhiều, to đậm, đoạn cuối đuôi có 2 nhân rõ.

Nhiễm giun chỉ là bệnh tương đối phổ biến, xảy ra khi nhiễm 1 trong 3 loại giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori. Bệnh do giun chỉ do muỗi truyền mầm bệnh vào cơ thể người thông qua động tác chích đốt. Tuy hình thể, đặc điểm dịch tễ và sự phân bố địa lý có khác nhau, nhưng bệnh lý, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa giữa các loài giun chỉ hoàn toàn giống nhau.

Nhiễm giun chỉ thường phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm, nhất là khu vực Đông Nam Á, giun chỉ có thể tồn tại trong cơ thể người đến hàng chục năm và gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Triệu chứng nhiễm giun chỉ

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun chỉ

Bệnh giun chỉ diễn tiến âm thầm, mạn tính. Đa số người bệnh (90 – 95%) nhiễm giun chỉ (có ấu trùng trong máu) nhưng không có các biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc có thể cả đời.

Độc tố do giun trưởng thành gây ra những biểu hiện cấp tính ở mạch bạch huyết (tỷ lệ với số giun ký sinh). Lâu ngày, các biến chứng do ngừng trệ lưu thông bạch huyết, tạo nên những tổn thương nặng hay nhẹ tùy theo số lượng giun.

Các triệu chứng cấp tính:

  • Sốt: Sốt cao, xuất hiện đột ngột, kèm theo mệt mỏi và nhức đầu. Thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày;

  • Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết: Thường xảy ra sau sốt vài ngày. Xuất hiện đường viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Hạch bẹn có thể sưng to, đau;

  • Đôi khi, đau ngực hay đau bụng rất dữ dội (có thể chẩn đoán nhầm với những bệnh khác) và gây viêm những nhánh bạch huyết lớn sâu, thường đi kèm phù da trên vùng hạch tiếp xúc;

  • Những đợt viêm mạch bạch huyết tái đi tái lại, vùng hạch thường bị: Viêm tinh hoàn, mào tinh, vùng hạch bẹn. Không nhạy cảm với điều trị kháng sinh, những đợt viêm hạch bạch huyết tự nhiên khỏi, sau 4 – 5 ngày tái lại, càng về sau càng ít.

Các triệu chứng mạn tính:

  • Viêm hoặc phù bộ phận sinh dục: Viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch mạch mạn tính ở bộ phận sinh dục, có thể gây nên triệu chứng bìu vôi hoặc vú voi;

  • Phù voi chi dưới: Là hậu quả của viêm mạn tính hạch và mạch bạch huyết chi dưới, với đặc điểm phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi;

  • Đái dưỡng chấp: Nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi lẫn máu. Trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun chỉ

Trường hợp nhiễm giun móc nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun móc nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra: Biến chứng thường gặp là phù voi và đái dưỡng chấp, ảnh hưởng nhiều tới sức lao động, thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh.

  • Phù voi: Phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi.

Sự xơ hóa và tắt nghẽn mạch bạch huyết có thể làm vỡ vào trong các nội tạng, đặt biệt thận, ống dẫn tiểu, bàng quang. Dẫn đến:

  • Đái dưỡng chấp: Nước tiểu trắng đục như nước vo gạo trong chứa phôi giun chỉ.

  • Có thể vỡ trong âm đạo, bìu.

  • Bệnh nhân có thể tiểu ra máu, bội nhiễm nhiều loại vi khuẩn với những đợt nhiễm khuẩn huyết có thể đưa đến tử vong.

  • Những đợt viêm tinh hoàn, ống mào tinh, viêm thừng tinh có thể đưa đến vô sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân nhiễm giun chỉ

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun chỉ

Nguyên nhân gây bệnh giun chỉ là do giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori ký sinh trong cơ thể người gây nên. Muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Chu kỳ phát triển của giun chỉ:

  • Khi muỗi có ấu trùng giun chỉ hút máu người.
  • Ấu trùng đến hệ thống bạch huyết phát triển thành giun trưởng thành và sống trong hệ thống bạch huyết của người.
  • Giun các trưởng thành đẻ ra ấu trùng, ấu trùng lưu thông trong máu và thường xuất hiện ở máu ngoại vi vào ban đêm (20 giờ đến 4 giờ sáng). Ấu trùng truyền từ người này sang người khác qua vật chủ trung gian là muỗi
  • Muỗi hút máu người có ấu trùng giun chỉ, ấu trùng vào dạ dày của muỗi, xuyên qua thành dạ dày, sau đó di chuyển tới cơ ngực muỗi. Tại đây ấu trùng phát triển để trở thành ấu trùng gây nhiễm. Thời gian từ khi ấu trùng vào cơ thể muỗi cho đến giai đoạn ấu trùng gây nhiễm khoảng 10 – 14 ngày.
  • Ấu trùng gây nhiễm di chuyển đến vòi muỗi và truyền sang người khác khi hút máu.
  • Tuổi thọ của giun chỉ trưởng thành 4 – 6 năm, ấu trùng trong máu tới 1 năm.
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)