Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách rửa vết thương khâu tại nhà đúng cách, tránh nhiễm trùng

Ngày 27/08/2022
Kích thước chữ

Chăm sóc vết thương tại nhà tưởng chừng rất dễ dàng nhưng lại là vấn đề rắc rối của khá nhiều người. Cùng tìm hiểu cách rửa vết thương khâu tại nhà trong bài viết dưới đây nhé!

Chăm sóc đúng cách có thể giúp vết thương nhanh lành hơn, hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn cũng như để lại biến chứng nguy hiểm về sau. Tuy nhiên không phải ai cũng biết thực hiện sao cho đúng và an toàn. Dưới đây chính là cách rửa vết thương khâu tại nhà mà bạn cần nắm rõ. 

Tác hại của việc rửa vết thương sai cách 

Cách rửa vết thương khâu tại nhà sai cách, không đúng kỹ thuật có thể làm cho vết thương trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc nắm rõ nên vệ sinh vết thương khâu thế nào, rửa bằng dung dịch gì rất quan trọng để phòng tránh một số trường hợp sau:

Khiến vết thương nhiễm bẩn

Bàn tay chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các vật dụng hằng ngày. Do đó, lượng vi khuẩn có trên tay rất nhiều, đặc biệt ở phần móng tay. Việc chăm sóc vết thương chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc tiếp xúc tay với vị trí tổn thương và gián tiếp khiến vi khuẩn xâm nhập, gây ra tình trạng mưng mủ, vết thương bị nhiễm trùng

Đối với trường hợp nhẹ, vết thương trở nên viêm và lâu khỏi hơn. Còn đối với trường hợp nặng có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Bên cạnh tay thì những dụng cụ sơ cứu, vệ sinh vết thương cũng chứa rất nhiều vi khuẩn, bao gồm: Nhíp để lấy mảnh vụn ra khỏi vết thương, khăn, quần áo lau vết thương, cầm máu. Chúng thường không đảm bảo vệ sinh khiến vết thương dễ bị vi khuẩn xâm nhập.

Băng gạc vô trùng không được bảo quản đúng cách cũng có thể là nơi tồn tại của vi khuẩn và bụi bẩn. Tuy nhiên trong những trường hợp khẩn cấp, cần phải lập tức cầm máu kịp thời, có thể chọn mua bộ dụng cụ vô khuẩn ở các cửa hàng y tế để bỏ qua những lo ngại về vấn đề này

Cách rửa vết thương khâu tại nhà 1

Vết thương khâu nhiễm khuẩn do không biết cách rửa vết thương khâu tại nhà đúng kỹ thuật

Làm tổn thương đến vùng da quanh vết thương

Mọi người thường có thói quen rửa vết thương bằng cách chà xát để loại bỏ bụi bẩn. Tuy nhiên, việc này lại vô tình làm vùng da, mô xung quanh miệng vết thương, khiến chúng bong tróc, làm tổn thương nặng và lan rộng hơn. 

Việc sử dụng các loại thuốc sát trùng ngoài da cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tổn thương đến vùng da lành. Cồn hay oxy già bên cạnh tác dụng diệt khuẩn thì cũng gây phá hủy mô và tế bào. Khiến cho các tế bào lành xung quanh bị tổn thương nhiều hơn. Bên cạnh đó khi các mô liên kết bị phá hủy làm cản trở quá trình liền sẹo. Thời gian lành vết thương từ đó bị kéo dài lên nhiều lần.

Gây đau đớn cho người bệnh

Hầu hết các tổn thương, đặc biệt là những vết thương hở miệng đều đem lại cảm giác đau. Cảm giác này tăng lên khi vết thương tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chà rửa quá mức. 

Kéo dài hơn thời gian lành vết thương

Việc thực hiện cách rửa vết thương khâu tại nhà sai cách hầu như đều khiến vết thương trở nên lâu lành hơn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.

Cách rửa vết thương khâu tại nhà 2

Rửa không đúng cách khiến vết thương lâu lành 

Cách rửa vết thương khâu tại nhà đúng quy trình 

Vệ sinh, sát khuẩn tay và các dụng cụ

Sát khuẩn tay và các dụng cụ tiến hành chính là bước đầu tiên trong quá trình rửa vết thương khâu. Có thể rửa tay bằng xà phòng hoặc là dung dịch sát khuẩn, còn với các dụng cụ kim loại thì có thể đốt bằng cồn. Riêng bông băng vô trùng chỉ nên sử dụng loại vẫn còn trong bao bì kín.

Cách rửa vết thương khâu tại nhà 3

Dụng cụ rửa vết thương khâu 

Làm sạch, rửa vết thương

Có thể nói đây là bước quan trọng nhất giúp loại bỏ những nguy cơ gây nhiễm trùng. Ngoài ra, bụi bẩn đọng lại trên vết thương cũng sẽ được rửa trôi.

Việc nên rửa vết thương khâu bằng gì cũng khá quan trọng. Nên sử dụng nước sạch hoặc nước muối để rửa, sau đó lau lại vết thương bằng các dung dịch sát khuẩn. Cần lưu ý tránh những dung dịch có chứa cồn hoặc là oxy già đối với vết thương hở.

Dưỡng ẩm cho vết thương

Độ ẩm phù hợp có thể giúp đẩy nhanh quá trình lên da non và giúp liền sẹo nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ nên dưỡng ẩm khi vết thương đã khô miệng. 

Băng bó và bảo vệ vết thương

Thông thường đối với những vết thương nhỏ thì việc băng bó là không cần thiết. Chỉ cần giữ vết thương sạch sẽ, không cọ xát quá nhiều vào quần áo là được. 

Còn đối với các vết thương hở lớn, sau khi đã vệ sinh và sát trùng thì cần phải băng bó lại. Nhằm tránh va chạm, cọ xát hay nhiễm bẩn vết thương. Cách thực hiện cũng rất đơn giản: Sử dụng băng y tế để quấn quanh miệng vết thương. Tuy nhiên cần chú ý không quấn quá chặt (khiến máu không lưu thông) hoặc quá lỏng (không chắc chắn). Bên cạnh đó là cần thay băng hằng ngày để đảm bảo vệ sinh. Do đó, ngoài cần biết cách rửa vết thương khâu tại nhà, bạn cũng nên chú ý đến cách thay băng vết thương khâu tại nhà sao cho đúng để vết thương mau lành.

Cách rửa vết thương khâu tại nhà 4

Bao lâu thay băng vết thương một lần - Cần thay mỗi ngày để vết thương luôn sạch sẽ, không bị nhiễm trùng

Theo dõi và nhận định vết thương khâu sau khi rửa

Những dấu hiệu bình thường

  • Đau tại chỗ vết khâu: Thông thường cơn đau sẽ kéo dài trong khoảng 3 ngày đầu, sau đó đau sẽ dịu dần. Bạn có thể được kê đơn một vài loại thuốc giảm đau nếu tình trạng quá nghiêm trọng. 
  • Sưng nề, đau nhức ở ngọn chi sau vết khâu: Tổn thương làm đứt các tĩnh mạch dưới da sẽ cản trở dòng máu từ phía ngọn chi chảy về tim gây ra ứ trệ tuần hoàn. Tùy thuộc vào mức độ ứ trệ mà sẽ tạo nên hiện tượng sưng nề, đau nhức. Để khắc phục tình trạng này ta cần hạn chế vận động, đồng thời nâng cao ngọn chi để máu về tim dễ dàng hơn. Đối với vết thương ở cẳng – bàn tay thì sử dụng dây treo tay vào cổ. Còn vết thương ở cẳng – bàn chân thì cần gác cao chân khi ngủ cũng như nghỉ ngơi.

Những dấu hiệu bất thường khi rửa vết thương khâu

  • Rỉ máu nhiều tại vết thương.
  • Đau đớn tăng dần và liên tục nhiều ngày.
  • Có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ tại vết thương.
  • Vùng da xung quanh phù nề căng mọng, tích tụ nhiều dịch, mủ tanh hôi dưới miệng vết khâu.
  • Bục chỉ vết khâu.
  • Bệnh nhân sốt cao không ngớt.

Những điều không được làm đối với vết thương khâu 

Tự ý rắc thuốc bột hoặc đắp lá lên vết thương

Dịch rỉ ra từ vết thương cộng với các loại bột hoặc lá chính là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng vết thương.

Cách rửa vết thương khâu tại nhà 5

Không tự ý đắp lá thuốc khiến vết thương trầm trọng hơn 

Ngâm vết thương với nước trầu không hay bất kỳ dung dịch nào khác

Khi vết thương bị ngâm trong nước quá lâu, biểu bì da có khuynh hướng mềm ra, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Để vết thương luôn khô ráo chính là điều kiện tốt nhất.

Quá lạm dụng oxy già

Đây là sai lầm rất nhiều người mắc phải. Bản chất của oxy già chính là một chất sát khuẩn cực mạnh. Do đó, ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn thì chúng còn có thể phá hủy cả các tế bào lành. Sử dụng quá nhiều sẽ khiến vết thương lâu lành. Sát khuẩn vết thương bằng cồn i-ốt pha loãng là tốt nhất.

Cách rửa vết thương khâu tại nhà đơn giản, an toàn và đúng quy trình của bộ y tế đã được chúng tôi trình bày kỹ lưỡng trong bài viết trên. Mong rằng sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc vết thương của mình và người thân trong gia đình. 

Thảo My 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin