Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không?

Thị Thúy

08/04/2025
Kích thước chữ

Tỏi không chỉ là gia vị tạo hương thơm đặc trưng cho món ăn, tỏi còn được nhiều người tin dùng với tác dụng hỗ trợ giảm cholesterol và cải thiện mỡ máu. Nhưng liệu thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không? Hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Cholesterol cao là “kẻ thù thầm lặng” góp phần gây ra hàng loạt bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Ăn tỏi được nhiều người truyền tai là phương pháp hỗ trợ điều trị tự nhiên, đơn giản mà hiệu quả giúp giảm cholesterol. Nhưng liệu thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không?

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không?

Tỏi được biết đến như một loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp, đồng thời cũng là một dược liệu quý trong y học cổ truyền nhờ vào nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một trong những lợi ích nổi bật của tỏi là khả năng hỗ trợ cải thiện các chỉ số mỡ máu, đặc biệt là cholesterol.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ về tác dụng của tỏi trong việc giảm lipid máu, những người bổ sung tỏi trong vòng 6 tuần đã ghi nhận mức cholesterol "tốt" (HDL) tăng đến 15%. Không chỉ vậy, việc sử dụng chiết xuất tỏi thường xuyên trong vòng 4 tháng cũng giúp cải thiện rõ rệt các chỉ số lipid máu, bao gồm cả giảm cholesterol "xấu" (LDL) và triglycerid.

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không? 1
Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không?

Đáng chú ý, ở những người có khả năng dung nạp tỏi tốt, việc ăn tỏi thường xuyên còn mang lại hiệu quả bất ngờ khi giúp giảm tới 38% nguy cơ gặp phải các biến cố mạch vành, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch. Điều này cho thấy tỏi không chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài nếu được sử dụng đều đặn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, dù tỏi có những tác dụng nhất định trong việc điều hòa mỡ máu, nhưng không thể xem đây là một phương pháp điều trị lâu dài cho các trường hợp rối loạn lipid máu hoặc cholesterol cao. Tỏi chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp giảm nhẹ lượng cholesterol "xấu" trong cơ thể. Nếu ngưng sử dụng, chỉ số cholesterol có thể quay trở lại mức ban đầu.

Do đó, việc bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống hàng ngày nên được kết hợp cùng với lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu bạn đang băn khoăn “ăn tỏi có giảm cholesterol không?”, thì câu trả lời là bệnh nhân cholesterol cao nên ăn tỏi đúng cách và không nên kỳ vọng quá mức như với một loại thuốc điều trị và không thay thế phương pháp điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Cách ăn tỏi để tốt cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cholesterol xấu

Tỏi là một loại gia vị không chỉ mang lại hương vị đậm đà cho món ăn mà còn được biết đến như một “vị thuốc” tự nhiên giúp hỗ trợ giảm mỡ máu và cải thiện sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số cách sử dụng tỏi hiệu quả để bạn có thể linh hoạt áp dụng tùy vào khẩu vị và thói quen sinh hoạt của mình:

Ăn tỏi sống

Đây là cách đơn giản và phổ biến nhất. Bạn chỉ cần dùng 2 – 3 tép tỏi tươi mỗi ngày, đã được bóc vỏ và rửa sạch. Nên ăn tỏi sau bữa cơm để hạn chế cảm giác khó chịu cho dạ dày. Cách này giúp tỏi phát huy tối đa hoạt chất allicin, một chất có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).

Ngâm rượu tỏi

Lấy khoảng 300g tỏi tươi, bóc vỏ và rửa sạch, sau đó cho vào bình thủy tinh, ngâm với 600ml rượu trắng. Sau khoảng 2 tuần là có thể sử dụng. Mỗi ngày, bạn nên uống 2 lần, mỗi lần khoảng 10ml (tương đương một ly nhỏ), nên dùng vào buổi sáng và tối sau bữa ăn. Rượu tỏi có tác dụng kích thích tuần hoàn máu và điều hòa mỡ máu hiệu quả.

Tỏi ngâm giấm đường

Dùng 500g tỏi đã bóc vỏ ngâm cùng với 200g đường đỏ và 500ml giấm trắng. Sau 1 tháng, tỏi sẽ ngấm đều và có thể sử dụng. Mỗi ngày sau bữa ăn, ăn khoảng 4 – 5 tép tỏi và uống một ít giấm tỏi đã pha loãng với nước. Nên sử dụng liên tục trong vòng 15 ngày để thấy được hiệu quả rõ rệt.

Kết hợp tỏi với chanh

Bạn có thể dùng nước cốt chanh trộn cùng với tỏi nghiền nhuyễn để tạo hỗn hợp giúp làm sạch thành mạch và giảm cholesterol. Trong chanh chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, pectin và limonin. Tuy nhiên, phương pháp này không thích hợp cho người có bệnh dạ dày do độ axit cao từ chanh.

Ăn tỏi đen

Tỏi đen là tỏi trắng được lên men trong điều kiện đặc biệt để làm giảm vị hăng và tăng hoạt tính sinh học. Bạn chỉ cần ăn trực tiếp 1 củ tỏi đen đã bóc vỏ sau bữa ăn mỗi ngày. Tỏi đen không những dễ ăn mà còn giúp kiểm soát mỡ máu, hỗ trợ tim mạch và tăng cường miễn dịch hiệu quả.

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không? 2
Bạn có thể ăn trực tiếp 1 củ tỏi đen đã bóc vỏ sau bữa ăn mỗi ngày

Dù sử dụng theo cách nào, bạn cũng nên duy trì đều đặn và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý để tối ưu hiệu quả trong việc giảm cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch nhé!

Làm cách nào để giảm cholesterol?

Tăng cholesterol máu, đặc biệt là cholesterol "xấu" (LDL), là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và xơ vữa động mạch. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn cải thiện tình trạng mỡ máu và tăng cường sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả.

Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát cholesterol. Nếu bạn có mức LDL cao, nên giảm tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày, từ đó hỗ trợ giảm cân và kiểm soát mỡ máu.

  • Giảm chất béo xấu và cholesterol: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hòa như mỡ động vật, bơ, đồ hộp béo, óc, lòng, phủ tạng. Mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 250mg cholesterol. Thay vào đó, hãy sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu nành và tăng cường bổ sung dầu cá chứa acid béo không bão hòa.
  • Tăng cường đạm ít béo: Lựa chọn thịt bò nạc, thịt gà bỏ da, cá, đậu đỗ. Tránh dùng thịt nhiều mỡ hoặc chế biến chiên xào. Protein nên chiếm khoảng 12 – 20% tổng năng lượng.
  • Tinh bột và đường: Glucid nên chiếm 60 – 70% tổng năng lượng. Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ và hạn chế dùng đường dưới 20g/ngày.
  • Bổ sung chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa: Rau xanh và trái cây như bí đỏ, cải xanh, carot, cam, bưởi, mận, đào không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm LDL hiệu quả.

Tập luyện thể dục thường xuyên

Dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để vận động. Bạn có thể chọn đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, yoga, nhảy dây hoặc cầu lông. Hoạt động thể chất giúp tăng cholesterol "tốt" (HDL) và hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa.

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không? 3
Hãy dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để vận động

Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia

Thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Việc cai thuốc cần có kế hoạch và sự hỗ trợ từ bác sĩ. Ngoài ra, cần hạn chế uống rượu bia, tránh uống quá nhiều trong thời gian ngắn để bảo vệ gan và tim mạch.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo thống kê, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có cholesterol LDL cao. Vì vậy, nên kiểm tra mỡ máu định kỳ, đặc biệt ở người có nguy cơ cao như béo phì, tiểu đường, ít vận động. Việc phát hiện sớm giúp bạn có hướng điều chỉnh kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Hỗ trợ điều trị bằng thuốc

Trong trường hợp chỉ số cholesterol cao, nhất là khi thay đổi lối sống và chế độ ăn uống vẫn chưa đủ để kiểm soát mỡ máu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm thuốc giảm mỡ máu nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho tim mạch. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm nhóm statin, fibrat hoặc thuốc ức chế hấp thu cholesterol. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý mua hoặc ngưng thuốc đột ngột để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.

Thói quen ăn tỏi có giảm cholesterol không? 4
Hỗ trợ điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Việc kết hợp đúng cách giữa ăn tỏi, thay đổi lối sống lành mạnh và điều trị bằng thuốc sẽ giúp bạn kiểm soát cholesterol tốt hơn và bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thể giải đáp được thắc mắc ăn tỏi có giảm cholesterol không? Thói quen ăn tỏi mỗi ngày có thể mang lại lợi ích nhất định trong việc hỗ trợ giảm cholesterol, đặc biệt là khi kết hợp với lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu và đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng tỏi đúng cách và phù hợp với thể trạng của bản thân. Đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc tiêu hóa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin