Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ

Vùng xoang của xương sàng thường gặp phải bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm, nếu không có những biện pháp can thiệp điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ảnh hưởng tới các vùng lân cận như hốc mắt và nền sọ. Vậy, bạn có biết, xương sàng là gì? Viêm xoang sàng là căn bệnh như thế nào hay chưa?

Để hiểu thêm về bệnh lý viêm xoang sàng, trước tiên chúng ta cần nắm sơ qua một vài thông tin về xương sàng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn đọc một số thông tin quan trọng, mời bạn đọc hãy chú ý theo dõi.

Xương sàng nằm ở đâu?

Theo đó, toàn bộ khối sọ mặt của con người có thể được chia làm 3 vùng là vùng tầng trên, tầng giữa và cuối cùng là tầng dưới. Cụ thể hơn:

  • Tầng trên: Bao gồm vùng trán và vùng trên ổ mắt.
  • Tầng giữa: Bao gồm mũi, xương gò má, má và phần giữa hốc mắt. Xương sàng sẽ nằm trong tầng này.
  • Tầng cuối: Bao gồm cằm và hàm dưới.

Trong đó, vùng hàm mặt bao gồm tầng giữa và tầng dưới khối mặt. Riêng tầng trên của khối mặt, xương trán có liên quan mật thiết tới các chấn thương vùng hàm mặt, do đó, vùng này thường được trình bày trong giải phẫu tầng mặt giữa hệ xương.

Về xương sàng, xương sàng nằm ở vùng trung tâm của khối mặt, tham gia vào cấu trúc tạo thành ổ mũi và ổ mắt. Các mảnh thẳng của xương sàng bám vào mảnh ngang và tạo thành phần trước trên vách mũi, tiếp khớp với xương bướm vùng phía sau trên, xương lá mía vùng phía sau dưới và sụn vách mũi vùng phía trước bên dưới.

Tiếp theo, các mảnh ngang xương sàng khớp với xương trán phía trước ngoài và xương bướm phía sau. Bên dưới mảnh sàng chính là mê đạo sàng, được cấu tạo nên bởi nhiều phòng khí được gọi là xoang sàng. Trong các loại chấn thương vùng hàm mặt thường gặp, rất hiếm khi các bác sĩ phải can thiệp đến vùng xương sàng. Tuy nhiên, vùng này rất dễ mắc phải bệnh lý nguy hiểm khác là viêm xoang sàng.

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm1
Xương sàng nằm ở vị trí trung tâm của khối mặt

Bệnh viêm xoang sàng là bệnh gì?

Viêm xoang sàng chính là tình trạng các lớp niêm mạc lót bên trong xoang sàng bị nhiễm trùng. Một khi bị viêm, các hốc xoang sẽ bắt đầu phù nề và dịch bên trong xoang bị ứ đọng lại không thoát ra được. Từ đó gây ra các biểu hiện ngạt mũi, đau đầu, đau nhức vùng mặt do thiếu oxy lên não và rất nhiều những triệu chứng khác.

Cơ thể của con người có 4 cặp xoang ở 4 vị trí xương khác nhau và các xoang sẽ được đặt tên tương ứng với vị trí các xương mà chúng xuất hiện như:

  • Xoang sàng: Nằm bên trong vùng xương sàng, gần sống mũi hai bên.
  • Xoang trán: Xoang trán nằm ở vị trí phía trên ổ mắt, ở mỗi bên của xương trán.
  • Xoang bướm: Nằm bên trong xương bướm và nằm phía sau ổ mắt.
  • Xoang hàm: Nằm ở vùng xương hàm trên và dưới ổ mắt.

Các xoang hoạt động trong cơ thể như một mạng lưới thông nhau. Nếu xoang sàng bị viêm thì thông thường các tình trạng nhiễm trùng tương tự cũng sẽ xảy ra ở vị trí của các xoang khác do chúng liên kết và thông với nhau. Đây cũng chính là lý do vì sao các tình trạng viêm thường có biểu hiện, triệu chứng tương đối giống nhau và không có quá nhiều khác biệt.

Phân loại viêm xoang sàng

Dựa theo thời gian kéo dài của bệnh mà viêm xoang sàng sẽ được chia thành 2 loại là viêm xoang sàng cấp tính và viêm xoang sàng mạn tính.

  • Viêm xoang sàng cấp tính: Là tình trạng các xoang cạnh mũi hoặc chỉ ở mũi bị viêm và sưng, các triệu chứng bệnh sẽ không kéo dài hơn 4 tuần. Chính vì thế được gọi là viêm xoang sàng cấp tính.
  • Viêm xoang sàng mạn tính: Viêm xoang sàng mạn tính sẽ có những triệu chứng bệnh kéo dài hơn 12 tuần. Nguyên nhân chính gây tình trạng này là do dị ứng, nhiễm trùng và có biểu hiện của polyp xoang, lệch vách ngăn. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như chảy nước mũi, đau đầu, chóng mặt, sưng mặt và khó thở.

Ngoài ra, dựa vào cấu trúc của xương sàng, bệnh viêm xoang sàng cũng được chia làm 3 loại là viêm xoang sàng trước, viêm xoang sàng sau và cuối cùng là viêm toàn bộ xoang sàng.

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm2
Viêm xoang sàng được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào những đặc điểm riêng

Triệu chứng bệnh viêm xoang sàng

Như đã đề cập qua ở phần trên, mặc dù các triệu chứng viêm không đặc hiệu cho từng xoang mà đa phần chúng sẽ giống nhau. Thế nhưng, nhận biết được các dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm xoang nói chung cũng sẽ giúp cho quá trình chẩn đoán viêm xoang ban đầu, loại trừ các loại bệnh khác và có hướng điều trị phù hợp.

  • Nhức đầu và sốt.
  • Có cảm giác đau và nhạy cảm ở vùng mặt, cảm giác này càng khó chịu hơn khi bệnh nhân cúi xuống.
  • Nghẹt mũi, chảy dịch mũi.
  • Ho, đau họng, có đờm.
  • Hơi thở có mùi hôi.
  • Mắt có thể bị sưng đỏ, đau nếu vị trí của các xoang bị viêm gần mắt, gây ảnh hưởng đến vùng mắt.

Một khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng này kéo dài mà không thuyên giảm, bạn hãy thăm khám với các bác sĩ càng nhanh càng tốt. Viêm xoang sàng sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Sự nhiễm trùng có thể lấn sâu vào các tổ chức lân cận và để lại di chứng suốt đời, nguy hiểm nhất là tử vong. Ngoài ra, một số biến chứng khác người bệnh có nguy cơ cao gặp phải như lồi mắt, nhìn đôi thậm chí là mù. Nhiễm trùng xâm lấn, viêm màng não, viêm thần kinh thị giác,...

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm3
Viêm xoang sàng gây ra nhiều những biểu hiện khó chịu cho người bệnh

Biện pháp điều trị viêm xoang sàng

Biện pháp điều trị viêm xoang sàng sẽ còn phụ thuộc vào tình trạng viêm cũng như các dấu hiệu, thể trạng của người bệnh. Một trong số các biện pháp điều trị viêm xoang sàng sẽ được các bác sĩ chỉ định bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

Sau khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh, trước tiên các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giảm các triệu chứng viêm sưng và mở các lỗ xoang để dẫn khí lưu thông dễ dàng. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ kê:

  • Các loại thuốc kháng sinh.
  • Thuốc chống viêm không chứa steroid.
  • Thuốc corticosteroid đường xịt hoặc đường uống.
  • Một số loại thuốc thông mũi không kê đơn khác.

Thực hiện phẫu thuật

Nếu phương pháp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh phẫu thuật cắt bỏ xoang. Nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây, bạn có thể được các bác sĩ chỉ định để làm phẫu thuật:

  • Viêm xoang lúc này đã lan sang đến hốc mắt, ảnh hưởng xấu tới mắt.
  • Người bệnh không đáp ứng thuốc, khó điều trị bằng thuốc.
  • Viêm xoang gây ra biến chứng áp xe não cho bệnh nhân.
  • Viêm xoang ảnh hưởng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Mục tiêu khi làm phẫu thuật đó chính là loại bỏ các mô xương sàng bị viêm và mở rộng lỗ thông xoang bị tắc. Phẫu thuật sẽ cần được thực hiện bởi các bác sĩ tai mũi họng đã giàu kinh nghiệm phẫu thuật mũi xoang.

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm4
Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả tốt

Cải thiện viêm xoang sàng tại nhà

Để giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu do viêm xoang sàng gây ra, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà. Các phương pháp này rất dễ thực hiện lại mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ tốt các phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc.

  • Có thể dùng máy xông hơi để giúp làm ẩm không khí, tránh để mũi khô, khó chịu, kích ứng.
  • Đắp khăn ấm lên mũi để giảm đau, nghẹt mũi.
  • Rửa mũi xoang hàng ngày với nước muối sinh lý.
  • Hít hơi nước nóng để giảm đau đồng thời làm thông các xoang.
  • Thực hiện các bài tập thở giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm xoang.
  • Uống trà mật ong giúp hỗ trợ giảm đau, kháng viêm.

Vì xoang sàng là xương gần kề với các cấu trúc sọ não nên bệnh viêm xoang sàng rất dễ gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn so với các bệnh viêm xoang hàm hay viêm xoang bướm. Do đó, việc điều trị, chăm sóc người bệnh tại nhà cũng như nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh là việc rất quan trọng. Hãy luôn chăm sóc tốt cho cơ thể, giữ ấm cho cơ thể, sử dụng máy lọc không khí và tránh xa những nguồn lây bệnh hô hấp để không mắc phải viêm xoang sàng.

Tìm hiểu về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng nguy hiểm5
Chăm sóc sức khỏe tại nhà là việc rất quan trọng giúp cải thiện triệu chứng bệnh

Bài viết đã cung cấp đến bạn đọc thêm một số thông tin bổ ích về xương sàng và bệnh lý viêm xoang sàng có liên quan. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh viêm xoang nhưng không rõ biểu hiện khiến cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, mong rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ nâng cao ý thức, chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, hãy thăm khám càng sớm càng tốt một khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường không thuyên giảm.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin