Tốt nghiệp Bác sĩ Y học Dự phòng từ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ đã có nền tảng vững chắc về an toàn y tế và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc hoàn thành khóa huấn luyện an toàn Sơ cấp cứu tại SAFI, bác sĩ còn nhận được bằng khen của Bộ Y tế năm 2021 cho những đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bệnh dại là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do Rabies lyssavirus gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, ảo giác, tê liệt. Khi có biểu hiện triệu chứng dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh lây chủ yếu qua vết cắn của dơi (ở Hoa Kỳ) hoặc chó, mèo (ở Châu Á và Châu Phi). Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả nếu tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại dự phòng trước và ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Nội dung chính
Tìm hiểu chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Nguy cơ
Phương pháp chẩn đoán & điều trị
Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa
Nội dung chính
Tìm hiểu chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Nguy cơ
Phương pháp chẩn đoán & điều trị
Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa
Tìm hiểu chung bệnh dại
Bệnh dại là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do Rabies lyssavirus gây ra, chủ yếu lây từ nước bọt của động vật nhiễm bệnh sang người thông qua vết cắn. Virus này ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và thường dẫn đến tử vong sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Tuy nhiên, bệnh dại ở người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Ở các nước đang phát triển, chó là loài có khả năng lây truyền bệnh dại cho người cao nhất.
Triệu chứng của bệnh dại thường xuất hiện theo các giai đoạn sau khi nhiễm virus. Ban đầu, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nhẹ như sốt, nhức đầu, và cảm giác kiệt sức, kèm theo chán ăn và buồn nôn. Những dấu hiệu này cũng có thể bao gồm cảm giác đau hoặc tê tại nơi bị vết cắn và thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
Sau đó, triệu chứng bắt đầu chuyển biến nghiêm trọng hơn khi các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh bắt đầu xuất hiện, bao gồm sự kích động, lú lẫn, và lo lắng đi kèm với hiếu động thái quá. Người bệnh cũng có thể trải qua các hành vi bất thường, mất ngủ, chứng ảo giác, sợ nước, co giật cơ và cuối cùng là tê liệt.
Bệnh dại có hai dạng chính là thể cuồng và thể liệt:
Thể Cuồng: Đây là dạng phổ biến nhất của bệnh dại, với các triệu chứng bao gồm sốt cao, đau đầu, cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc bỏng rát tại vị trí bị cắn. Sau đó, khi virus tấn công hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể trải qua tình trạng viêm não và tủy sống, dẫn đến các biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, ảo giác, lú lẫn, hành vi hung hăng, co thắt cơ bắp, khó thở, khó nuốt, tiết nhiều nước bọt, sủi bọt ở miệng, và cuối cùng là tê liệt, ngưng tim ngưng thở, tử vong.
Thể Liệt: Chiếm khoảng 20% trường hợp bệnh dại, dạng này thường bị chẩn đoán nhầm do triệu chứng ít rõ ràng hơn. Người bệnh sẽ có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu từ vị trí vết thương. Cơ bắp tê liệt dần dẫn đến hôn mê và cuối cùng là cái chết.
Nếu bạn đã tiếp xúc với chó, mèo , dơi hoặc bất kỳ động vật hoang dã nào, đặc biệt là nếu bị cắn hoặc cào, rửa vết thương ngay lập tức dưới vòi nước và xà phòng trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45 - 70 độ, cồn i-ốt hoặc povidine... Sau đó đến ngay trung tâm tiêm chủng hoặc bệnh viện tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Nguyên nhân bệnh dại
Bệnh dại gây ra do nhiễm virus dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Virus này lây lan qua nước bọt của động vật bị nhiễm. Động vật bị nhiễm có thể truyền virus bằng cách cắn một động vật khác hoặc cắn người. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh dại có thể lây lan khi nước bọt nhiễm bệnh dính vào vết thương hở hoặc qua lớp niêm mạc ở miệng hoặc mắt.
Ổ chứa của virus dại thường là động vật có vú, bất kỳ loài động vật có vú nào cũng có thể mắc bệnh dại, kể cả người; một số loài vật thường là tác nhân truyền bệnh có thể kể đến bao gồm: Dơi, dê, ngựa, trâu, bò, khỉ, gấu trúc, chồn hôi, cáo,…
Ở Việt Nam, động vật mang virus dại phổ biến nhất là chó (96-97%), tiếp đến là mèo, chuột, thỏ,…
Bị chó dại cắn sau khi đã tiêm phòng dại thì có bị bệnh dại không?
Người đã tiêm phòng dại đầy đủ có nguy cơ rất thấp mắc bệnh dại nếu bị chó dại cắn, miễn là xử lý vết thương và tiêm nhắc lại vắc xin đúng cách. Nếu trước đó đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin cơ bản và có mức kháng thể bảo vệ, việc bị cắn thường không gây bệnh, đặc biệt khi tiêm nhắc lại 2 liều vắc xin vào ngày 0 và ngày 3 theo hướng dẫn. Trong trường hợp vết cắn nghiêm trọng (nhiều vết cắn sâu hoặc ở vùng đầu, cổ), bác sĩ có thể chỉ định thêm huyết thanh kháng dại (RIG). Tuy nhiên, mức độ bảo vệ cũng phụ thuộc vào thời gian từ lần tiêm phòng gần nhất, vì kháng thể có thể giảm nếu đã vượt quá 1-3 năm. Do đó, việc xử lý vết thương, tiêm nhắc vắc xin và theo dõi chặt chẽ là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và phòng ngừa bệnh dại hiệu quả.
Mất bao lâu để bệnh dại khởi phát?
Thời gian để bệnh dại khởi phát, tức khoảng thời gian từ khi bị phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng, thường kéo dài từ 1 đến 3 tháng, nhưng có thể dao động từ 1 tuần đến hơn 1 năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vết cắn càng gần hệ thần kinh trung ương (não hoặc tủy sống), như ở đầu, cổ, hoặc tay, thì bệnh khởi phát càng nhanh, thường chỉ trong vài tuần. Ngược lại, vết cắn ở xa hơn (như chân, bàn chân) sẽ kéo dài thời gian khởi phát do virus cần nhiều thời gian hơn để di chuyển đến não. Ngoài ra, các vết cắn sâu hoặc từ động vật nhiễm dại nghiêm trọng có thể làm tăng tải lượng virus, khiến bệnh xuất hiện sớm hơn. Việc xử lý vết thương không đúng cách hoặc không tiêm phòng dự phòng (PEP) cũng làm tăng tốc độ lây lan của virus. Thời gian khởi phát bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, với người có hệ miễn dịch suy giảm thường bị bệnh nhanh hơn.
Những dấu hiệu sớm của bệnh dại thường không đặc hiệu và có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng này xuất hiện trong giai đoạn đầu (giai đoạn tiền triệu), trước khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, bao gồm:
Triệu chứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, hoặc cảm giác khó chịu chung (malaise).
Triệu chứng tại vết cắn: Ngứa, đau rát, hoặc cảm giác bất thường (như tê bì) ở vị trí bị cắn, ngay cả khi vết thương đã lành. Đây là dấu hiệu đặc trưng và quan trọng của bệnh dại.
Rối loạn thần kinh nhẹ: Lo lắng, mất ngủ, kích thích, hoặc cảm giác sợ hãi không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy ở một số trường hợp.
Tiên lượng của bệnh dại như thế nào?
Tiên lượng của bệnh dại cực kỳ nghiêm trọng, vì bệnh gần như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Trong giai đoạn trước khi có triệu chứng, nếu bệnh nhân được tiêm phòng và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) kịp thời, tiên lượng rất tốt và bệnh có thể được ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, khi đã khởi phát triệu chứng như sốt, sợ nước, sợ gió, hoặc co giật, bệnh dại gần như luôn gây tử vong. Tiên lượng cũng bị ảnh hưởng bởi loại virus dại, vị trí vết cắn (vết cắn gần não hoặc tủy sống làm bệnh tiến triển nhanh hơn) và thời gian từ phơi nhiễm đến khi điều trị.
Virus gây bệnh dại lây truyền như thế nào?
Virus gây bệnh dại (Rabies virus) lây truyền chủ yếu qua nước bọt của động vật nhiễm bệnh. Các con đường lây truyền phổ biến bao gồm:
Qua vết cắn: Đây là con đường lây truyền chủ yếu. Virus trong nước bọt của động vật dại xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua vết cắn trên da.
Qua vết liếm hoặc cào: Nếu da bị tổn thương hoặc có vết trầy xước, virus có thể xâm nhập qua vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nhiễm dại.
Qua niêm mạc: Virus có thể lây qua niêm mạc mắt, miệng, hoặc mũi khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của động vật dại.
Qua đường hô hấp (hiếm gặp): Có thể xảy ra khi hít phải aerosol chứa virus, ví dụ trong hang động có nhiều dơi nhiễm dại.
Qua ghép tạng (cực kỳ hiếm): Một số trường hợp ghi nhận virus dại lây truyền qua ghép tạng từ người hiến bị nhiễm bệnh dại mà không được phát hiện.
Hỏi đáp (0 bình luận)