Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Bệnh thường gặp/
  4. Liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số VII: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Thạc sĩ - Bác sĩTrần Thị Mỹ Linh

Đã kiểm duyệt nội dung

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Y học cổ truyền tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Cơ - Xương - Khớp và lĩnh vực Xét nghiệm.

Xem thêm thông tin

Liệt dây thần kinh số VII là một bệnh lý thường xuyên được đề cập trên các phương tiện truyền thông gần đây, xảy ra trên mọi lứa tuổi ở cả nam và nữ. Việc tìm hiểu nguyên nhân và những biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này rất được quan tâm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung liệt dây thần kinh số 7

Chức năng của dây thần kinh số VII

Dây thần kinh số VII là dây thần kinh hỗn hợp vừa có chức năng vận động các cơ bám da mặt, cơ bám da cổ, xương bàn đạp ở tai giữa, giúp các cơ mặt, vùng cổ chuyển động, vừa có chức năng cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi, cảm giác vòm miệng, cảm giác nông vùng ống tai ngoài, vùng da nhỏ phía sau vùng tai và chức năng phó giao cảm chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến lệ, các tuyến niêm mạc mũi, vòm miệng và các tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi. Dây thần kinh số VII bên trái điều khiển vận động nửa mặt trái và tương tự, dây thần kinh số VII bên phải điều khiển vận động nửa mặt phải.

Dây thần kinh số VII có nguồn gốc từ nhân thần kinh mặt ở cầu não (vận động), nơron ở hạch gối (cảm giác), nhân lệ tỵ và nhân bọt trên (tự chủ).

Dây thần kinh số VII thoát ra khỏi não ở rãnh hành cầu sau đó ra chi phối cho vùng mặt gồm ba đoạn: Đoạn trong sọ, đoạn trong xương đá và đoạn ngoài sọ.

Liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Liệt dây thần kinh số VII có thể gây liệt một phần tư dưới của mặt (liệt dây thần kinh VII trung ương) hoặc liệt một bên mặt (liệt dây thần kinh VII ngoại biên).

Liệt VII ngoại biên (hay liệt mặt ngoại biên) là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, nguyên nhân do tổn thương dây thần kinh mặt, còn liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là bệnh lý thần kinh mặt ngoại biên khởi phát cấp tính và là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt mặt do tổn thương nơron thần kinh vận động dưới. Tình trạng khiếm khuyết chức năng thần kinh của dây thần kinh số VII xảy ra trong vòng 48 - 72 giờ đầu tiên và mức độ nghiêm trọng của liệt tương quan với thời gian rối loạn chức năng của tổn thương, khả năng phục hồi và tình trạng suy giảm chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng liệt dây thần kinh số 7

Triệu chứng của liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số VII thường khởi phát đột ngột, triệu chứng liệt hoàn toàn thường trong vòng 48 giờ, thường phát hiện sau khi ngủ dậy. Người bệnh sẽ có các biểu hiện điển hình sau:

  • Liệt toàn bộ cơ mặt một bên: Mất nếp nhăn trán và nếp mũi má, mắt nhắm không kín, mặt bị lệch về bên lành, miệng méo, tiếng nói và ăn uống bị ảnh hưởng.
  • Gương mặt khó biểu hiện đầy đủ cảm xúc.
  • Cảm giác tê và nặng nửa bên mặt bị yếu cơ.
  • Giảm hoặc mất cảm giác vị giác ⅔ trước của nửa bên lưỡi cùng bên tổn thương.

Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể có một số triệu chứng kèm theo như:

  • Có thể nghe vang đau với một số âm thanh chói do sự tăng nhạy cảm với âm thanh.
  • Có thể đau sau tai trước khi xuất hiện các triệu chứng trên khoảng 1 - 2 ngày, có thể kèm ù tai
  • Khô mắt hoặc chảy nước mắt sống.
  • Chảy nước dãi ở bên khóe miệng bên xệ.

Nếu người bệnh chỉ có tình trạng liệt dây thần kinh số VII trung ương, người bệnh thường chỉ có liệt ¼ dưới của mặt với các biểu hiện miệng méo, nhân trung lệch, chảy nước dãi ở khóe miệng bên xệ và đi kèm liệt ½ người cùng bên.

liet-day-than-kinh-so-VII-nguyen-nhan-trieu-chung-va-phuong-phap-dieu-tri 2.png
Triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Biến chứng của liệt dây thần kinh số VII

Liệt dây thần kinh số VII có thể gây ra các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh như:

  • Biến chứng mắt: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc.
  • Tăng đồng vận: Biểu hiện co cơ không tự chủ tại bất kỳ vị trí nào trên mặt, phối hợp với các hoạt động tự chủ như co rút miệng khi nhắm mắt, nháy mắt khi há miệng (dấu Marin-Amat) và chảy nước mắt khi ăn (hội chứng nước mắt cá sấu).
  • Co thắt nửa mặt: Biến chứng này gặp ở các thể nặng do sự phân bố lại thần kinh một phần sau tổn thương dây thần kinh số VII.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nội Thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với các liệu pháp điều trị nguyên nhân (nếu có) và phục hồi vận động vùng mặt sớm, người bệnh có thể giảm thiểu được những di chứng của bệnh liệt dây thần kinh số 7.

liet-day-than-kinh-so-VII-nguyen-nhan-trieu-chung-va-phuong-phap-dieu-tri 3.png
Viêm kết mạc

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 7

Đối với liệt VII trung ương

Nguyên nhân chủ yếu do đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não), u não chèn ép và áp xe não.

Đối với liệt VII ngoại biên

Nguyên nhân của liệt VII ngoại biên được chia thành hai nhóm bao gồm liệt VII ngoại biên nguyên phát (liệt Bell) và liệt VII ngoại biên thứ phát.

Liệt Bell: Tỷ lệ mắc mới trong dân số dao động từ 11,5 đến 40,2/100 000 người, là nguyên nhân thường gặp nhất của liệt VII ngoại biên (chiếm 70%). Bệnh do tổn thương nơron vận động dưới biểu hiện với triệu chứng liệt hoàn toàn một bên mặt. Các giả thuyết cho rằng người bệnh có tiền căn nhiễm virus (đặc biệt là trong môi trường lạnh) và nó có thể tái phát ở 10% trường hợp.

Tuy nhiên, liệt mặt ngoại biên có xu hướng biểu hiện đầy đủ các triệu chứng trong 24 đến 48 giờ đầu tiên. Tổn thương dây thần kinh do trong khung xương có thể dẫn đến phù nề và làm chèn ép dây thần kinh dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ và suy giảm chức năng tạm thời. Quá trình hồi phục có thể mất đến 1 năm và hồi phục không hoàn toàn ở 13% bệnh nhân.

Liệt VII ngoại biên thứ phát

  • Chấn thương (chiếm 10 - 23%): Chấn thương gãy xương liên quan đến phần xương thái dương và vết thương cắt ngang các nhánh của dây thần kinh mặt có thể gây ra liệt dây thần kinh số VII.
  • Nhiễm virus (chiếm 4,5 - 7%): Nhiễm Herpes zoster dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 thứ phát do viêm hạch gối (còn gọi là hội chứng Ramsay Hunt). Bình thường, ở người bệnh có tiền căn nhiễm virus nhóm Varicella-zoster, khi khỏi bệnh các thể bất hoạt sẽ đi theo rễ cảm giác đến hạch cảm giác ở sừng sau tủy sống. Trong hội chứng Ramsay Hunt, virus dạng bất hoạt sẽ ở trong trong hạch gối. Do đó, khi virus tái hoạt động có thể tạo ra một giai đoạn tiền triệu bao gồm các triệu chứng như đau mắt và nổi mụn nước ở ống tai ngoài cũng như vòm miệng.
  • Nhiễm vi khuẩn: Viêm tai giữa cấp, cholesteatoma, viêm tai ngoài hoại tử cũng có thể gây liệt mặt ngoại biên. Một nguyên nhân hiếm gặp là bệnh Lyme, với tiền sử bị ve cắn, mệt mỏi, đau khớp, nhức đầu và nổi ban đỏ đặc trưng xảy ra từ 1 đến 2 tuần sau khi tiếp xúc với ve.
  • Khối u chèn ép (chiếm 2,2 - 5%): Nếu liệt mặt diễn tiến chậm thì nên nghi ngờ các bệnh lý ác tính. Các khối u ác tính dẫn đến liệt dây thần kinh mặt bao gồm u ác tính mang tai, u dây thần kinh mặt và thính giác, u màng não và màng nhện.
  • Bệnh lý tự miễn dịch: Bệnh đa xơ cứng, sarcoidosis, hội chứng Guillain Barre,...
liet-day-than-kinh-so-VII-nguyen-nhan-trieu-chung-va-phuong-phap-dieu-tri 4.png
Bệnh Lyme - nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII hiếm gặp
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)