Bệnh não gan hay còn gọi là hôn mê gan, là tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Bệnh lý là tình trạng rối loạn chức năng của gan ảnh hưởng đến rối loạn chức năng của não. Vậy người bệnh mắc bệnh não gan sống được bao lâu?
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về bệnh não gan cũng như trả lời cho câu hỏi "Bệnh não gan sống được bao lâu?". Hi vọng rằng thông qua bài đọc có thể cung cấp và nâng cao thêm những kiến thức cho bạn đọc về bệnh lý này nhé.
Tổng quan về bệnh não gan
Bệnh não gan là tình trạng ảnh hưởng đến não liên quan đến sự tổn thương của gan hoặc gan không hoạt động bình thường. Bệnh này xảy ra khi gan không thể loại bỏ các chất độc khỏi tuần hoàn máu một cách hiệu quả. Chất độc này sau đó tích tụ trong máu, xâm nhập vào não gây ra các triệu chứng bất thường về tâm thần kinh, thậm chí hôn mê.
Triệu chứng
Bệnh não gan có 5 giai đoạn theo hệ thống phân loại West – Haven:
Giai đoạn 0: Giảm khả năng tập trung nhẹ, khó nhận ra, không có sự thay đổi trong hành vi hoặc chức năng nhận thức.
Giai đoạn 1: Xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, hay quên, tâm trạng thay đổi bất thường. Bệnh nhân vẫn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường.
Giai đoạn 2: Triệu chứng như loạn thần nhẹ, hành vi không ổn định, loạn nhịp giấc ngủ. Có thể gây ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và khả năng thực hiện các hoạt động phức tạp. Bệnh nhân có thể trở nên khó chịu, lo lắng hoặc khó tập trung.
Giai đoạn 3: Triệu chứng nghiêm trọng hơn, hành vi bất thường rõ rệt, mất khả định hướng không gian và thời gian, suy giảm trí nhớ, hay ngủ gật nhưng có thể tỉnh khi có kích thích.
Giai đoạn 4: Hôn mê, mất ý thức hoàn toàn, không đáp ứng với kích thích đau.
Bất kỳ triệu chứng nào của bệnh não gan đều nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng trở nên trầm trọng hơn hoặc gây tổn thương vĩnh viễn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chung dẫn đến bệnh não gan là do gan bị tổn thương và không thể lọc hết các chất độc, những chất độc này có thể tích tụ trong máu và xâm nhập vào não. Sự tích tụ chất độc cũng có khả năng gây tổn thương cho các cơ quan và chức năng thần kinh khác.
Nguyên nhân ngoại sinh:
Ăn nhiều đạm, protein;
Xuất huyết tiêu hóa;
Sử dụng thuốc: thuốc lợi tiểu mạnh, thuốc có hại cho gan;
Ngộ độc do rượu, ma túy,...
Nguyên nhân nội sinh:
Các bệnh lý về gan: viêm gan do nhiễm độc, xơ gan, ung thư gan, viêm gan tự miễn hay hội chứng Reye.
Tuần hoàn bàng hệ: Trong một số trường hợp, dòng máu từ ruột non và các cơ quan bụng khác đi trực tiếp vào tuần hoàn hệ thống mà không đi qua gan. Điều này có thể xảy ra do hiện diện của các shunt hay TIPS. Việc chuyển hướng dòng máu bỏ qua quá trình thanh lọc tại gan dẫn đến sự tích tụ chất độc trong máu và bệnh não gan sau đó.
Xơ gan cũng có thể chèn ép tĩnh mạch cửa (tăng áp lực tĩnh mạch cửa), gây ra shunt hệ thống cửa.
Yếu tố kích hoạt bệnh:
Mất nước;
Táo bón;
Suy thận;
Nhiễm trùng;
Ăn nhiều đạm, protein;
Mất cân bằng điện giải;
Xuất huyết tiêu hóa;
Đặt các thông nối shunt, TIPS;
Sử dụng chất kích thích, gây nghiện;
Sử dụng sai thuốc (benzodiazepine, thuốc kích thích thần kinh,...).
Bệnh não gan sống được bao lâu?
Tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh não gan có thể thay đổi từ 1 năm đến 2 năm hoặc không sống sót tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, mức độ suy gan và liệu trình điều trị.
Phương pháp chẩn đoán
Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán bệnh:
Thông qua triệu chứng và tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng của bệnh như cũng như thu thập tiền sử bệnh lý từ bệnh nhân để tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ gây bệnh não gan như xơ gan, viêm gan, và các vấn đề gan khác.
Kiểm tra chức năng gan: Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra chức năng gan để xác định mức độ tổn thương gan và xem liệu có sự suy giảm chức năng não hay không. Các xét nghiệm như xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm chức năng thận, điện giải đồ có thể được thực hiện.
Hình ảnh học: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm có thể được sử dụng để kiểm tra có tổn thương gan và não hay không.
Xét nghiệm chức năng não: Để đánh giá chức năng não, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm như EEG (điện não đồ), xét nghiệm đánh giá chức năng tư duy và tinh thần.
Xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm khác như kiểm tra chức năng tim mạch, tìm vi khuẩn và nấm, đo nồng độ amoniac trong hơi thở có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự.
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị bệnh não gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương gan và não, tình trạng sức khỏe tổng quát, sự hợp tác của bệnh nhân. Sau đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống: Điều này bao gồm hạn chế hoặc tránh các chất gây hại cho gan như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện khác. Chế độ ăn uống giàu chất xơ, dinh dưỡng, giảm lượng đạm có thể hỗ trợ chức năng gan và giảm tác động tiêu cực lên gan.
Sử dụng thuốc điều trị: Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh não gan tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể. Ví dụ: Lactulose tạo ra môi trường lỏng trong ruột, làm tăng số lượng phân và giảm sự hấp thụ amoniac qua đường tiêu hóa. Điều này giúp giảm nồng độ amoniac trong cơ thể.
Ghép gan: Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi gan bị suy kiệt hoặc không thể chữa trị bằng các phương pháp điều trị khác, ghép gan có thể được xem xét. Đây là một quá trình phẫu thuật lấy gan từ người hiến tặng và ghép vào bệnh nhân.
Điều trị bệnh lý nền: Đối với bệnh não gan do nguyên nhân như viêm gan virus, viêm gan do nhiễm độc hoặc xơ gan, điều trị nguyên nhân là một phần quan trọng của quá trình điều trị. Điều này có thể bao gồm sử dụng thuốc chống viêm, thuốc kháng virus hoặc các biện pháp điều trị khác tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
Biện pháp phòng chống bệnh não gan
Bệnh não gan vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe của con người. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn phòng chống bệnh não gan hiệu quả:
Tránh tiếp xúc với các chất gây hại cho gan
Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các chất gây hại cho gan như cồn, thuốc lá, ma túy và các chất độc hóa học.
Sử dụng cẩn thận các loại thuốc có thể gây tổn thương cho gan và tuân thủ đúng liều lượng được chỉ định.
Tiêm chủng phòng bệnh viêm gan
Tiêm chủng phòng bệnh viêm gan A và B là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa viêm gan và giảm nguy cơ phát triển thành bệnh não gan. Hãy thảo luận với bác sĩ về lịch trình tiêm chủng phù hợp cho bạn.
Chăm sóc sức khỏe gan
Để duy trì sức khỏe gan, nên thực hiện một số điều sau:
Tuân thủ một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh và cân đối, bao gồm ăn nhiều rau quả, chất xơ và chất béo không bão hòa.
Hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn có nhiều đạm và chất béo bão hòa.
Tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn cho phép.
Tránh lây nhiễm các bệnh vi khuẩn và viêm gan
Để ngăn ngừa viêm gan và bệnh não gan liên quan, hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, bao gồm rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với máu hoặc chất thải y tế của người khác, sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Điều quan trọng là cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và kiểm tra gan định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề gan, can thiệp kịp thời để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Bài viết trên đang cung cấp cho bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý não gan và trả lời cho câu hỏi “Bệnh não gan sống được bao lâu?”. Việc hiểu biết về bệnh não gan là vô cùng quan trọng sẽ giúp người bệnh nắm được tình hình sức khỏe bản thân, đưa ra những quyết định tối ưu nhất. Đồng thời, việc khám sức khỏe định kỳ và tham khảo từ bác sĩ là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của chúng ta. Qua bài viết này, hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết và bổ ích cho bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.