Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

An Bình

13/04/2025
Kích thước chữ

Đau mắt đỏ do vi khuẩn là tình trạng mắt bị viêm nhiễm do sự xâm nhập của vi khuẩn. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi độ tuổi và rất dễ lây nhiễm. Việc phát hiện và điều trị sớm, đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi và phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng về thị lực. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh đau mắt đỏ gây ra bởi vi khuẩn này và cách xử lý hiệu quả.

Tại Việt Nam, đau mắt đỏ do vi khuẩn là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết biến đổi thất thường. Bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày do cảm giác cộm rát, khó chịu, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhanh nếu không được kiểm soát tốt. Việc hiểu rõ về đau mắt đỏ do vi khuẩn như nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe đôi mắt của mình và người thân. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết kiến thức về đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra qua bài viết dưới đây để bảo vệ đôi mắt của mình nhé.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn là gì?

Đau mắt đỏ do vi khuẩn là một dạng viêm kết mạc, tức viêm lớp mô mỏng bao phủ lòng trắng của mắt và mặt trong của mí mắt, do sự xâm nhập của vi khuẩn gây ra. Tình trạng này thường khởi phát ở một bên mắt với các biểu hiện như đỏ mắt, tiết dịch mủ và cảm giác cộm, sau đó có thể lan sang mắt còn lại. Đây là một bệnh lý phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên, trẻ nhỏ, học sinh và người sống trong môi trường đông người lại dễ mắc hơn do khả năng lây lan nhanh chóng của vi khuẩn.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Đau mắt đỏ do vi khuẩn là gì?

Khác với viêm kết mạc do virus hay dị ứng, đau mắt đỏ do vi khuẩn đặc trưng bởi dịch tiết mủ dày, thường có màu vàng hoặc xanh, và có thể được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến thị giác. Việc nhận biết sớm và hiểu đúng bản chất của bệnh là bước quan trọng để xử lý kịp thời và bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra

Tác nhân gây bệnh là các loại vi khuẩn tấn công kết mạc, khiến khu vực này bị viêm và kích ứng. Dưới đây là các loại vi khuẩn thường gặp:

  • Staphylococcus aureus: Thường gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng với nhiều mủ, hay gặp ở người lớn.
  • Streptococcus pneumoniae: Ngoài viêm kết mạc, còn có thể gây sốt nhẹ và mệt mỏi, phổ biến ở trẻ nhỏ.
  • Haemophilus influenzae: Lây lan mạnh trong cộng đồng, đặc biệt ở nhóm trẻ em hoặc trong môi trường đông người.
  • Moraxella catarrhalis: Xuất hiện phổ biến ở các vùng khí hậu lạnh, gây tiết mủ nhiều.

Những vi khuẩn này thường tồn tại ở da, vùng mũi họng hoặc trên các bề mặt nhiễm khuẩn, sẵn sàng gây bệnh nếu mắt bị tổn thương hoặc vệ sinh không đảm bảo.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Đau mắt đỏ có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra

Đau mắt đỏ do vi khuẩn lây qua đường nào?

Đau mắt đỏ do vi khuẩn lây lan chủ yếu thông qua:

  • Tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp: Sờ vào mắt bằng tay không sạch, hoặc dùng đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, gối, đồ trang điểm.
  • Dùng chung vật dụng sinh hoạt: Dùng chung ly uống nước, khăn lau mặt hay kính mát có thể khiến vi khuẩn dễ dàng lây từ người sang người.
  • Thói quen chăm sóc mắt chưa đúng: Sử dụng kính áp tròng không vệ sinh kỹ, không thay mới thường xuyên hoặc vệ sinh mắt kém cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng điển hình của đau mắt đỏ do vi khuẩn

Người mắc đau mắt đỏ do vi khuẩn thường trải qua các triệu chứng sau:

  • Mắt đỏ rõ rệt, kèm cảm giác cộm như có dị vật hoặc cát trong mắt.
  • Tiết dịch mủ màu vàng hoặc xanh (hay còn gọi là “ghèn”), đặc biệt nhiều vào buổi sáng, khiến mí mắt dính chặt.
  • Sưng nhẹ ở mí mắt, đôi khi kèm theo sưng hạch lympho vùng trước tai hoặc dưới hàm.
  • Đau nhẹ đến trung bình, đặc biệt khi chớp mắt hoặc tiếp xúc với ánh sáng.

Triệu chứng thường bắt đầu ở một mắt và có thể lan sang mắt còn lại sau 1 - 2 ngày nếu không được xử lý.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Triệu chứng của đau mắt đỏ do vi khuẩn là gì?

Phân biệt đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus

Để điều trị hiệu quả, việc phân biệt đau mắt đỏ do vi khuẩn với đau mắt đỏ do virus là rất quan trọng. Vậy thì đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus khác nhau như thế nào? Dưới đây là bảng so sánh chi tiết:

 Đau mắt đỏ do vi khuẩnĐau mắt đỏ do virus
Nguyên nhânDo các loại vi khuẩn như Haemophilus influenzae, Neisseria gonorrhoeae, Streptococcus pneumoniae, Chlamydia, Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus,...Do các loại virus như Adenovirus, Herpes Simplex Virus, Enterovirus, Coronavirus,...
Biểu hiệnMắt đỏ, có cảm giác như có dị vật, nhìn mờ vào buổi sáng, tiết dịch nhầy hoặc mủ màu trắng hoặc vàng. Hạch trước tai và u nhú kết mạc có thể có nhưng ít phổ biến.Mắt thường ngứa, chảy nước mắt, tiết dịch loãng. Có thể xuất hiện nang ở kết mạc mi dưới, đôi khi kèm theo hạch nổi trước tai.
Bệnh liên quanCó thể đi kèm các bệnh nhiễm trùng khác như viêm tai giữa, viêm đường hô hấp do vi khuẩn.Thường xuất hiện cùng các bệnh do virus như cảm lạnh, cúm,...
Khả năng lây nhiễm

Có khả năng lây lan cao, đặc biệt trong môi trường tập thể.

Thời gian khỏi bệnhThường khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần, nhanh hơn nếu được điều trị bằng kháng sinh phù hợp.Có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Cách điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn

Dùng thuốc theo chỉ định

Bác sĩ thường kê các loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm. Người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng, thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, ngay cả khi triệu chứng đã cải thiện. Tự ý ngừng thuốc có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc và bệnh tái phát.

Chăm sóc mắt tại nhà

  • Rửa mắt thường xuyên: Dùng nước muối sinh lý 0,9% để loại bỏ chất nhầy, ghèn hoặc mủ, giúp mắt đỡ khó chịu và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Lau mắt đúng cách: Lau nhẹ mắt bằng khăn mềm hoặc gạc sạch thấm nước ấm. Lưu ý dùng riêng từng miếng cho mỗi bên mắt để tránh lan vi khuẩn từ mắt này sang mắt kia.
  • Hạn chế tác nhân kích ứng: Không nên ra ngoài nếu môi trường có nhiều bụi, khói hoặc gió. Chỉ ra ngoài khi cần thiết và nên đeo kính bảo vệ mắt.
  • Không dụi mắt: Hạn chế tối đa việc sờ tay lên mắt, và tuyệt đối không nên đeo kính áp tròng trong thời gian đang điều trị.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Người bệnh cần tránh dụi mắt hoặc sờ tay lên mắt

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ do vi khuẩn hiệu quả

Phòng bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe mắt và hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Một số cách phòng tránh hiệu quả gồm:

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ: Rửa tay bằng xà phòng và nước, nhất là sau khi tiếp xúc với người đang bị đau mắt hoặc sử dụng các vật dụng công cộng.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân: Hạn chế tối đa việc chia sẻ khăn mặt, gối, kính, mỹ phẩm hay bất cứ đồ dùng nào tiếp xúc trực tiếp với mắt.
  • Bảo quản kính áp tròng đúng cách: Luôn vệ sinh kính với dung dịch chuyên biệt và thay kính đúng theo hướng dẫn.
  • Giữ tay sạch, tránh chạm vào mắt: Không nên dụi mắt, đặc biệt khi tay chưa được rửa sạch, vì đây là con đường vi khuẩn dễ xâm nhập nhất.
  • Cách ly người bệnh: Trong gia đình nếu có người mắc bệnh, cần cho họ sử dụng đồ dùng riêng và hạn chế tiếp xúc gần để tránh lây lan cho các thành viên khác.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về tình trạng bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng, ý thức vệ sinh cá nhân và sự chủ động trong theo dõi sức khỏe là yếu tố then chốt. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu bất thường về mắt, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị an toàn và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin