Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Máu nhiễm mỡ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Thục Hiền

10/04/2025
Kích thước chữ

Tình trạng máu nhiễm mỡ ở trẻ em đang dần xuất hiện nhiều hơn và gây lo ngại cho không ít bậc phụ huynh. Nhiều người vẫn nghĩ đây là vấn đề chỉ gặp ở người lớn, nhưng thực tế, trẻ em cũng có thể mắc phải nếu ăn uống không hợp lý và ít vận động. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa sẽ giúp cha mẹ bảo vệ sức khỏe cho con một cách chủ động và hiệu quả hơn.

Nếu bạn đang tìm kiếm các thông tin liên quan đến tình trạng máu nhiễm mỡ ở trẻ em thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về tình trạng này giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho con và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.

Tổng quan về máu nhiễm mỡ ở trẻ em

Máu nhiễm mỡ là gì?

Ở trẻ em, rối loạn lipid máu ở trẻ xảy ra khi nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-C hoặc triglyceride tăng, hoặc HDL-C giảm so với giá trị khuyến cáo theo độ tuổi. Đây là kết quả của sự mất cân bằng chuyển hóa chất béo. Khi các chỉ số này vượt quá giới hạn an toàn, trẻ có nguy cơ đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong tương lai, đặc biệt là bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.

Máu nhiễm mỡ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa - 1
Máu nhiễm mỡ là gì?

Ở trẻ em, nguyên nhân dẫn đến máu nhiễm mỡ thường liên quan đến chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, thiếu vận động, béo phì hoặc yếu tố di truyền. Tình trạng này có thể khởi phát âm thầm từ sớm và phát triển dần theo thời gian nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Việc xác định sớm rối loạn lipid máu ở trẻ giúp phòng ngừa hiệu quả các biến chứng mãn tính trong giai đoạn trưởng thành.

Dấu hiệu nhận biết

Máu nhiễm mỡ ở trẻ em thường không gây ra triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sau đây có thể là gợi ý để phụ huynh lưu ý và đưa trẻ đi kiểm tra:

  • Xuất hiện các mảng vàng dưới da: Trong một số trường hợp nặng, đặc biệt là khi nồng độ cholesterol tăng cao kéo dài, trẻ có thể xuất hiện các mảng u vàng nhỏ trên da, thường thấy ở vùng mí mắt, khuỷu tay, đầu gối hoặc gân gót. Đây là biểu hiện do mỡ tích tụ dưới da, tuy hiếm gặp nhưng mang tính cảnh báo cao.
  • Mệt mỏi, ít vận động: Trẻ mắc rối loạn lipid máu có thể biểu hiện giảm mức độ vận động, dễ mệt mỏi dù chỉ hoạt động nhẹ. Nguyên nhân là do chuyển hóa năng lượng bị ảnh hưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng của cơ thể.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ: Một số trẻ có thể gặp triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, chán ăn hoặc đau nhẹ vùng bụng do ảnh hưởng của rối loạn lipid máu đến gan và tụy. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường không đặc hiệu và dễ bị bỏ qua.
  • Tăng huyết áp sớm hoặc các dấu hiệu chuyển hóa đi kèm: Dù không phổ biến, một số trẻ có máu nhiễm mỡ có thể đồng thời gặp phải tình trạng tăng huyết áp nhẹ hoặc gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là các chỉ dấu cho thấy rối loạn chuyển hóa mỡ có thể đang tiến triển phức tạp hơn.
Máu nhiễm mỡ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa - 2
Trẻ mệt mỏi, ít vận động là một trong những dấu hiệu nhận biết máu nhiễm mỡ ở trẻ

Do phần lớn trường hợp không có biểu hiện cụ thể nhưng khi xuất hiện cùng lúc hoặc kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và xét nghiệm để đánh giá chỉ số mỡ máu. Phát hiện sớm giúp can thiệp kịp thời và ngăn ngừa biến chứng về sau.

Phương pháp chẩn đoán

Để xác định trẻ có bị máu nhiễm mỡ hay không, bác sĩ thường kết hợp giữa xét nghiệm sinh hóa và đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe. Dưới đây là những phương pháp phổ biến đang được áp dụng:

  • Xét nghiệm máu định kỳ: Xét nghiệm máu là cách chính xác nhất để kiểm tra các chỉ số mỡ máu ở trẻ. Qua xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá được mức cholesterol toàn phần, LDL-C (cholesterol xấu), HDL-C (cholesterol tốt) và triglyceride. Trẻ cần nhịn ăn từ 9–12 giờ trước khi lấy máu để đảm bảo kết quả chính xác.
  • Khai thác tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân từng mắc bệnh tim mạch sớm hoặc rối loạn lipid máu, trẻ cần được tầm soát sớm hơn. Tiền sử gia đình là yếu tố nguy cơ cao mà không nên bỏ qua trong quá trình chẩn đoán.
  • Kiểm tra lâm sàng: Một số biểu hiện như u vàng quanh mắt, đầu gối hoặc khuỷu tay có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của tình trạng mỡ máu cao. Tuy nhiên, đa số trẻ không có triệu chứng rõ rệt nên cần kết hợp nhiều yếu tố để đưa ra chẩn đoán chính xác.
  • Xét nghiệm chuyên sâu (nếu cần): Trong các trường hợp nghi ngờ rối loạn lipid máu di truyền, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm gen để xác định các bất thường liên quan. Đây là bước cần thiết để điều trị đúng hướng và lâu dài.
Máu nhiễm mỡ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa - 3
Xét nghiệm máu là cách chính xác nhất để kiểm tra các chỉ số mỡ máu ở trẻ

Việc chẩn đoán chính xác không chỉ giúp bác sĩ xác định được tình trạng rối loạn lipid máu ở trẻ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn.

Biện pháp phòng ngừa máu nhiễm mỡ ở trẻ em

Phòng ngừa máu nhiễm mỡ từ sớm là yếu tố quan trọng giúp trẻ duy trì sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các rối loạn chuyển hóa khi trưởng thành. Dưới đây là những biện pháp thiết thực giúp phòng tránh hiệu quả tình trạng máu nhiễm mỡ ở trẻ em.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Trẻ cần được duy trì chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây tươi và chất béo không bão hòa (như dầu ô liu, cá béo,...). Đồng thời, hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nước ngọt và các thực phẩm chứa chất béo bão hòa hoặc đường tinh luyện.
  • Tăng cường vận động: Vận động thể chất đóng vai trò quan trọng trong điều hòa chuyển hóa lipid và kiểm soát cân nặng. Trẻ em từ 5 tuổi trở lên nên được khuyến khích tham gia ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, bao gồm các bài tập aerobic vừa phải đến mạnh như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội hoặc chơi thể thao. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý theo độ tuổi: Thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến rối loạn mỡ máu ở trẻ. Do đó, việc theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) định kỳ và điều chỉnh chế độ ăn uống - sinh hoạt để duy trì cân nặng trong phạm vi bình thường là cần thiết. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phối hợp tư vấn dinh dưỡng và can thiệp lâm sàng nếu trẻ có nguy cơ cao.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc sàng lọc nồng độ cholesterol máu nên được thực hiện ở những trẻ có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm, tăng cholesterol di truyền hoặc béo phì. 
  • Giáo dục sức khỏe cho phụ huynh và nhà trường: Phụ huynh và nhà trường nên phối hợp trong việc giáo dục dinh dưỡng, xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, tạo nền tảng phòng bệnh bền vững cho trẻ.
Máu nhiễm mỡ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa - 4
Tăng cường vận động là biện pháp phòng ngừa máu nhiễm mỡ ở trẻ

Máu nhiễm mỡ ở trẻ em có thể phòng ngừa được nếu phụ huynh chủ động xây dựng cho trẻ lối sống lành mạnh ngay từ sớm. Không chỉ đơn thuần là ăn uống khoa học hay tăng cường vận động, điều quan trọng là hình thành cho trẻ thói quen sống tích cực và ý thức chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Tác động lâu dài của rối loạn lipid máu: Cần được phòng ngừa sớm

Rối loạn lipid máu ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong tương lai nếu không được kiểm soát đúng cách. Trong đó, mỡ máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây xơ vữa động mạch – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp, đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim trong giai đoạn trưởng thành. 

Những tổn thương mạch máu có thể âm thầm tiến triển theo thời gian, đặc biệt nếu trẻ có yếu tố di truyền hoặc lối sống không lành mạnh kéo dài. Do đó, việc phát hiện sớm, điều chỉnh lối sống hợp lý và theo dõi định kỳ chỉ số lipid máu là các biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa hiệu quả các biến chứng tim mạch về sau.

Bài viết đã cung cấp thông tin liên quan đến máu nhiễm mỡ ở trẻ em. Nhìn chung, đây là một vấn đề sức khỏe mà cha mẹ không nên chủ quan, vì nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, khuyến khích vận động và theo dõi sức khỏe định kỳ là những việc cần thiết giúp bảo vệ con một cách hiệu quả. Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu thừa cân, hay mệt mỏi bất thường, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin