Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nong van tim: Tổng quan, chỉ định, quy trình và những lưu ý cần biết

Tuệ Nghi

15/04/2025
Kích thước chữ

Hẹp van tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân từng bị thấp tim. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong. Trong số các phương pháp điều trị hiện nay, nong van tim được đánh giá cao nhờ tính an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả cải thiện triệu chứng nhanh chóng. Vậy bạn hiểu gì về phương pháp nong van tim?

Nong van tim là phương pháp can thiệp tim mạch hiện đại, giúp điều trị hiệu quả tình trạng hẹp van tim mà không cần phẫu thuật. Với khả năng cải thiện đáng kể triệu chứng và chức năng tim, phương pháp này đang ngày càng phổ biến và được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về phương pháp nong van tim.

Tổng quan về phương pháp nong van tim

Nong van tim (Balloon Valvuloplasty) là một thủ thuật can thiệp tim mạch sử dụng ống thông gắn bóng nong để mở rộng các van tim bị hẹp. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa ống thông qua mạch máu đến vị trí van bị hẹp sau đó bơm bóng để làm giãn van, giúp máu lưu thông tốt hơn.

Mục tiêu chính của nong van tim là khôi phục dòng chảy máu qua các van tim từ đó giảm áp lực lên tim, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Thủ thuật này giúp giảm các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau ngực và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy tim hay rối loạn nhịp tim.

Ưu điểm của phương pháp nong van tim có thể kể đến như ít xâm lấn, hồi phục nhanh: Bệnh nhân thường chỉ cần nằm viện 2 - 3 ngày, có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau vài tuần, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, nong van tim còn là lựa chọn an toàn cho những đối tượng không thể chịu đựng phẫu thuật tim mở như người cao tuổi hoặc phụ nữ mang thai.

Bên cạnh những ưu điểm thì nong van tim cũng tồn tại một số điểm hạn chế như tái hẹp van, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, phương pháp nong van tim vẫn tiềm ẩn rủi ro gây rách van, tắc mạch hoặc rối loạn nhịp tim.

Nong van tim: Tổng quan, chỉ định, quy trình và những lưu ý cần biết 1
Phương pháp nong van tim đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi

Nong van tim được chỉ định trong trường hợp nào?

Trên thực tế, nong van tim thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Hẹp van hai lá mức độ trung bình đến nặng: Đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử thấp tim, khi van chưa bị vôi hóa nghiêm trọng.
  • Hẹp van động mạch phổi bẩm sinh: Thường gặp ở trẻ nhỏ, giúp cải thiện lưu lượng máu từ tim đến phổi mà không cần phẫu thuật.
  • Hẹp van động mạch chủ hoặc ba lá: Áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhân không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật thay van.
Nong van tim: Tổng quan, chỉ định, quy trình và những lưu ý cần biết 2
Nong van tim được chỉ định trong trường hợp hẹp van hai lá mức độ trung bình đến nặng

Đối tượng phù hợp để thực hiện phương pháp nong van tim bao gồm:

  • Người trẻ tuổi: Những bệnh nhân chưa bị vôi hóa van nhiều, thường là hậu quả của thấp tim.
  • Người cao tuổi: Những người có nhiều bệnh nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận) không thể chịu đựng phẫu thuật tim mở.
  • Phụ nữ mang thai: Trong trường hợp hẹp van nặng gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, nong van tim là giải pháp an toàn để giữ thai.
  • Bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật: Những người có nguy cơ cao khi phẫu thuật do thể trạng yếu hoặc bệnh lý phức tạp.

Quy trình thực hiện nong van tim

Thủ thuật nong van tim là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ tim mạch can thiệp, kỹ thuật viên và đội ngũ y tế. Về cơ bản, quy trình thực hiện nong van tim sẽ diễn ra như sau:

Chuẩn bị trước thủ thuật

Xét nghiệm đánh giá: Bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu (đông máu, chức năng gan, thận), siêu âm tim qua thực quản (để đánh giá cấu trúc van và mức độ hẹp), điện tim (kiểm tra nhịp tim) và chụp X-quang ngực (đánh giá kích thước tim, phổi).

Đánh giá nguy cơ: Bác sĩ sẽ kiểm tra nguy cơ huyết khối, mức độ vôi hóa van, kích thước buồng tim và các bệnh lý kèm theo để xác định tính an toàn của thủ thuật.

Chuẩn bị bệnh nhân: Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn 6 - 8 tiếng trước thủ thuật, ngừng một số loại thuốc (như thuốc chống đông) nếu được chỉ định và trao đổi kỹ với bác sĩ về tiền sử dị ứng hoặc bệnh lý nền.

Thực hiện thủ thuật

Bước 1: Gây tê hoặc mê: Thủ thuật thường chỉ cần gây tê tại chỗ ở vùng đùi nhưng một số trường hợp có thể cần mê nhẹ để bệnh nhân thoải mái hơn.

Bước 2: Đưa ống thông: Bác sĩ chọc kim vào tĩnh mạch đùi, sau đó luồn ống thông nhỏ (catheter) qua mạch máu đến vị trí van tim bị hẹp dưới hướng dẫn của máy X-quang.

Bước 3: Nong van: Một bóng nong đặc biệt được gắn ở đầu ống thông, khi đến đúng vị trí van hẹp, bóng sẽ được bơm phồng lên để mở rộng van. Quy trình này có thể lặp lại vài lần để đạt kết quả tối ưu.

Bước 4: Rút ống: Sau khi van được mở rộng, bóng được xẹp và ống thông được rút ra. Vị trí chọc mạch được băng ép để cầm máu.

Theo dõi sau thủ thuật

Sau khi nong van tim, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi huyết áp, nhịp tim và các dấu hiệu bất thường trong 24 - 48 giờ. Nếu không có biến chứng, bệnh nhân có thể xuất viện sau 1 - 2 ngày.

Nong van tim: Tổng quan, chỉ định, quy trình và những lưu ý cần biết 3
Người bệnh cần nằm viện theo dõi 1 - 2 ngày sau nong van tim

Những lưu ý trước và sau khi nong van tim

Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn trước và sau thủ thuật.

Trước khi nong van:

  • Tuân thủ chỉ định bác sĩ: Làm đúng các xét nghiệm cần thiết, báo cáo đầy đủ tiền sử bệnh lý và thuốc đang sử dụng.
  • Điều chỉnh thuốc: Một số thuốc chống đông (như warfarin) có thể cần tạm ngưng theo hướng dẫn để giảm nguy cơ chảy máu.
  • Chuẩn bị tâm lý: Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng quá mức bằng cách trao đổi kỹ với bác sĩ về quy trình và lợi ích của thủ thuật.

Sau thủ thuật:

  • Nghỉ ngơi: Nằm yên tại giường 6 - 12 giờ sau thủ thuật để tránh chảy máu tại vị trí chọc mạch.
  • Theo dõi dấu hiệu bất thường: Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở, sốt, sưng hoặc chảy máu tại vị trí chọc mạch.
  • Dùng thuốc theo toa: Bệnh nhân thường được kê thuốc chống đông máu (aspirin, clopidogrel), thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị tim mạch để hỗ trợ chức năng tim và ngăn ngừa biến chứng.
  • Tái khám định kỳ: Siêu âm tim kiểm tra lại sau 1 - 3 tháng và tái khám theo lịch hẹn để đánh giá hiệu quả của thủ thuật.
Nong van tim: Tổng quan, chỉ định, quy trình và những lưu ý cần biết 4
Người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sau khi thực hiện nong van tim

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế vận động mạnh: Trong 1 - 2 tuần đầu, tránh các hoạt động nặng như chạy bộ, nâng vật nặng để bảo vệ tim và vị trí chọc mạch.
  • Chế độ ăn uống: Ăn nhạt, giảm muối để kiểm soát huyết áp; hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Lối sống lành mạnh: Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ, yoga) theo hướng dẫn bác sĩ.

Nong van tim là một bước tiến lớn trong điều trị hẹp van tim, đặc biệt với những bệnh nhân hẹp van hai lá do thấp tim. Với ưu điểm ít xâm lấn, hiệu quả cao và thời gian hồi phục nhanh, phương pháp này đang trở thành lựa chọn hàng đầu tại nhiều trung tâm y tế. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác, thực hiện thủ thuật tại cơ sở uy tín và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn chăm sóc sau can thiệp. Hãy chủ động thăm khám tim mạch định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời từ đó bảo vệ trái tim khỏe mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin