Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng hẹp van 2 lá và phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh mà bạn nên biết

Ngày 25/08/2023
Kích thước chữ

Hẹp van 2 lá là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, tiến triển liên tục, âm thầm trong thời gian dài. Nhận biết được bệnh cũng như biến chứng hẹp van 2 lá giúp người bệnh sớm điều trị, phòng ngừa. Cùng tìm hiểu những biến chứng hẹp van 2 lá là gì nhé!

Chức năng tim mạch hoạt động kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, gây bất tiện trong sinh hoạt hay thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh với những biến chứng cấp tính nguy hiểm. Hẹp van 2 lá là vấn đề sức khỏe thường gặp, diễn biến âm thầm gây suy giảm chức năng tim. Bên cạnh đó, bệnh van tim này tiến triển gây nhiều biến chứng hẹp van 2 lá như tình trạng tăng áp động mạch phổi kéo dài, suy tim, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.

Nguyên nhân gây hẹp van 2 lá

Hẹp van 2 lá là bệnh tim mạch phức tạp ảnh hưởng đến khả năng bơm máu, nguyên nhân liên quan đến van hai lá trong tim. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mắc phải. Nguyên nhân gây hẹp van 2 lá bao gồm các yếu tố sau:

  • Yếu tố bẩm sinh: Hẹp van 2 lá có thể là một dạng bệnh tim bẩm sinh, có nghĩa là người bệnh đã có tình trạng hẹp van từ khi mới sinh ra. Điều này do sự phát triển không bình thường của van trong giai đoạn thai kỳ.
  • Lão hóa tự nhiên: Một số người có thể phát triển hẹp van 2 lá khi họ già đi do quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi tác tăng cao, van hai lá trở nên cứng, mất tính linh hoạt, dẫn đến hẹp van.
  • Bệnh tự miễn: Lupus hoặc bệnh viêm khớp dạng thấp gây phản ứng viêm thường xuyên trong cơ thể. Các tế bào kích ứng viêm có thể gây tổn thương van, dẫn đến sự hình thành sẹo và vết xơ cứng, từ đó làm hẹp vùng van.
  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền đóng vai trò trong việc gây hẹp van 2 lá. Nếu trong gia đình có những người mắc phải bệnh hẹp van, khả năng có yếu tố di truyền là rất cao.
  • Bệnh tim khác: Ghi nhận ở các nước đang phát triển, hẹp van 2 lá thường là biến chứng do bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do liên cầu tan máu nhóm A. Một số bệnh tim khác như bệnh vôi hóa van tim, bệnh mạch vành hay bệnh tăng huyết áp có thể gây tổn thương van hai lá và dẫn đến tình trạng hẹp van.
Biến chứng hẹp van 2 lá và phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh mà bạn nên biết 1
Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp van 2 lá

Biến chứng hẹp van 2 lá thường gặp

Bệnh hẹp van 2 lá đem tới nhiều rủi ro cho người bệnh, đặc biệt là các biến chứng cấp tính đe dọa tính mang bệnh nhân. Dưới đây là một số biến chứng hẹp van 2 lá thường gặp:

Tăng áp lực động mạch phổi

Khi van hai lá bị hẹp, áp lực máu trong động mạch phổi tăng lên đột ngột. Điều này dẫn đến một sự không cân đối trong quá trình vận chuyển máu từ tim đến phổi. Áp lực mạch phổi tăng cao có thể gây ra tình trạng phù phổi cấp.

Tình trạng này khiến máu trào ngược vào phổi, gây suy giảm khả năng trao đổi khí, khiến người bệnh khó thở, ho và xuất hiện triệu chứng khác liên quan đến phổi.

Biến chứng hẹp van 2 lá và phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh mà bạn nên biết 2
Biến chứng tăng áp động mạch phổi khiến bệnh nhân khó thở

Suy tim phải

Hẹp van 2 lá dẫn đến áp lực mạch máu trong phổi gia tăng, làm tăng áp lực lên buồng tim phải. Điều này khiến tim phải làm việc vượt quá khả năng để đảm bảo cung cấp đủ máu cho cơ thể. Khi tim phải không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể gây suy tim phải.

Tăng kích thước tim, rung nhĩ và đột quỵ

Vì áp lực trong tim gia tăng do hẹp van 2 lá, tim có thể tăng kích thước. Điều này thường khiến nhịp tim không đều, khiến nhĩ trái co bóp nhanh và không đồng nhất gây tình trạng rung nhĩ. Rung nhĩ còn tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông trong tim, đặc biệt trong nhĩ trái, gây nguy cơ về các biến chứng như đột quỵ.

Nếu hẹp van 2 lá không được điều trị đúng cách, việc tăng áp lực trong tim kết hợp rung nhĩ gây ra sự hình thành cục máu đông trong tim. Cục máu đông này có thể vỡ ra, chảy theo dòng máu, gây tắc nghẽn tại các mạch máu, đặc biệt nguy hiểm tại mạch máu trong não. Điều này có thể dẫn đến biến chứng hẹp van 2 lá nguy hiểm đó là nhồi máu não, gây đột quỵ.

Biến chứng hẹp van 2 lá và phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh mà bạn nên biết 3
Đột quỵ là biến chứng hẹp van 2 lá cấp tính cần xử trí nhanh chóng

Biện pháp chẩn đoán hẹp van 2 lá

Chẩn đoán bệnh là một yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa biến chứng hẹp van 2 lá. Đây là quá trình phức tạp, yêu cầu sự kết hợp của nhiều phương pháp thăm dò hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chính xác tình trạng tim mạch của bệnh nhân.

Để xác định được tình trạng hẹp van 2 lá, quá trình chẩn đoán thường bắt đầu bằng việc thăm khám, tiến hành lần lượt các phương pháp và xét nghiệm sau:

  • Thăm khám kết hợp nghe tim, phổi: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về triệu chứng cùng tiền sử bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe âm thanh phát ra từ tim và phổi. Sự thay đổi trong âm thanh tim với tiếng tim bất thường gợi ý về tình trạng hẹp van 2 lá. Tuy nhiên, không có tiếng tim đặc trưng cho bệnh hẹp van 2 lá mà cần phối hợp chẩn đoán nhiều phương pháp.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là một phương pháp quan trọng để xác định chẩn đoán hẹp van 2 lá. Qua siêu âm, bác sĩ có thể hình dung rõ hơn về cấu trúc hoạt động của van tim. Siêu âm tim cung cấp hình ảnh chất lượng cao về van tim, khả năng của van mở và đóng, cũng như áp lực mạch tim qua phổi.
  • Siêu âm tim qua đường thực quản: Trong một số trường hợp, để có hình ảnh chính xác hơn, khảo sát kỹ hơn về van tim, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm tim qua đường thực quản. Phương pháp này giống với nội soi, nơi đầu dò được đưa vào thông qua đường thực quản để xem xét, đánh giá cận lâm sàng tim.
  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ là một xét nghiệm quan trọng để xác định nhịp tim. Nếu cần, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện điện tâm đồ gắng sức để xem cách tim phản ứng trong tình trạng căng thẳng.
  • Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực được sử dụng để khảo sát kích thước của tim cũng như xác định mức độ sung huyết phổi. Dựa trên hình ảnh chụp X-quang, bác sĩ có thể đánh giá mức độ tác động của tình trạng hẹp van 2 lá lên tim và phổi.
  • Thông tim: Phương pháp thông tim có thể được thực hiện để chẩn đoán kết hợp điều trị mở rộng van bị hẹp, cải thiện lưu lượng máu từ tim đến phổi. Tuy nhiên, quyết định thực hiện thông tim phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân kết hợp đánh giá từ bác sĩ.
Biến chứng hẹp van 2 lá và phương pháp thăm dò chẩn đoán bệnh mà bạn nên biết 4
Điện tâm đồ giúp bác sĩ phát hiện biến chứng rung nhĩ nếu có

Ngoài các phương pháp cận lâm sàng trên, bác sĩ cũng thường yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý khác để đảm bảo rằng chẩn đoán hẹp van 2 lá là chính xác. Chẩn đoán đúng tình trạng hẹp van 2 lá sẽ giúp bệnh nhân được điều trị, quản lý bệnh một cách hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng.

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới độc giả thông tin về biến chứng hẹp van 2 lá thường gặp bao gồm: Tình trạng tăng áp động mạch phổi, suy tim phải, tim to kết hợp rung nhĩ và biến chứng nguy hiểm nhất là đột quỵ. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm với các biện pháp thăm dò cận lâm sàng để được điều trị sớm, quản lý bệnh hiệu quả. Đừng quên tiếp tục đón xem những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin