Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn cấp cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý

Quỳnh Loan

08/04/2025
Kích thước chữ

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Việc nhận diện đúng dấu hiệu và thực hiện các biện pháp cấp cứu nhồi máu cơ tim nhanh chóng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao cơ hội sống sót.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng một phần cơ tim bị hoại tử do thiếu máu nuôi, thường biểu hiện bằng cơn đau ngực dữ dội và có thể dẫn đến ngừng tim. Việc cấp cứu nhồi máu cơ tim kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng và cứu sống người bệnh. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, hãy khám sức khỏe định kỳ và đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường liên quan đến tim.

Cách xử lý cấp cứu nhồi máu cơ tim

Cấp cứu nhồi máu cơ tim cần được tiến hành càng sớm càng tốt để tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Việc đầu tiên cần làm là gọi xe cứu thương và nhanh chóng tìm kiếm máy khử rung tim gần đó. Trong lúc chờ đội ngũ y tế đến, cần hỗ trợ khẩn cấp cho người ngừng tim bằng cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực hoặc sử dụng máy khử rung tim nếu có sẵn.

Đặt người bệnh nằm ngửa trên bề mặt cứng. Chồng hai tay lên nhau và đặt ở giữa ngực, duỗi thẳng cánh tay. Dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể theo phương thẳng đứng để nhấn xuống với lực mạnh. Ấn sâu từ 5 - 6cm và nâng tay lên sau mỗi lần ép để máu có thể lưu thông. Tiếp tục ép ngực đều đặn với tốc độ ổn định. Sau mỗi 30 lần ép thì thực hiện 2 lần thổi khí vào miệng người bệnh nếu có thể thực hiện hô hấp nhân tạo.

Hướng dẫn cấp cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý 1
Cấp cứu nhồi máu cơ tim cần được tiến hành sớm để tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân

Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng và thực hiện điện tâm đồ (ECG) để xác nhận chẩn đoán. Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện và co bóp của tim thông qua khoảng mười điện cực đặt trên thân người. Kết quả sẽ cho thấy các thay đổi điển hình nếu xảy ra nhồi máu cơ tim.

Trong những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như siêu âm tim chụp mạch vành hoặc xét nghiệm sinh hóa để xác định chính xác và tiên lượng bệnh. Việc điều trị khẩn cấp tập trung vào tái thông động mạch vành bị tắc nghẽn. Thời gian vàng để can thiệp hiệu quả là trong vòng 6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng và tốt nhất là trong giờ đầu tiên. Các phương pháp gồm tiêu sợi huyết tĩnh mạch tạo hình động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần điều trị lâu dài bằng thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tiểu đường tăng huyết áp mỡ máu hoặc béo phì. Việc tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là cần thiết để phòng tránh tái phát và giảm nguy cơ biến chứng.

Hướng dẫn cấp cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý 2
Người bệnh cần điều trị lâu dài bằng thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch sau khi xuất viện

Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim thường khởi phát đột ngột và gây ra cơn đau ngực dữ dội. Đây là dấu hiệu điển hình xuất hiện trong khoảng 50% trường hợp và thường là triệu chứng đầu tiên. Vị trí đau thường ở giữa lồng ngực sau xương ức, lan lên hàm dưới, lan ra vai hoặc cánh tay trái kèm theo cảm giác thắt chặt và căng cứng vùng ngực.

Cơn đau có thể xuất hiện khi đang nghỉ ngơi hoặc sau khi gắng sức và căng thẳng. Một số trường hợp kèm theo các biến chứng nguy hiểm như khó chịu, mất ý thức hoặc ngừng tim. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng ít đặc hiệu hơn như mệt mỏi, đổ mồ hôi, tái nhợt, khó thở, đánh trống ngực và bồn chồn khiến việc nhận diện bệnh trở nên khó khăn.

Đáng chú ý, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà không có bất kỳ biểu hiện rõ ràng nào. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng và thường gặp ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân tiểu đường. Việc chẩn đoán thường được phát hiện muộn khi đã xuất hiện biến chứng hoặc trong các đợt khám sức khỏe định kỳ.

Hướng dẫn cấp cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý 3
Nhồi máu cơ tim thầm lặng và thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân tiểu đường

Mỡ máu và huyết áp cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu là hai yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên các biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo các chuyên gia tim mạch, khi hai tình trạng này kéo dài mà không được kiểm soát, sẽ hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch. Khi mảng xơ vữa bong ra, chúng có thể tạo thành cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu đến tim hoặc não, từ đó dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Tăng huyết áp và mỡ máu cao có mối liên hệ hai chiều. Việc cơ thể không đào thải được cholesterol dư thừa sẽ tạo nên các mảng bám trong lòng mạch. Những mảng bám này làm hẹp và cứng động mạch khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua. Tình trạng này không chỉ gây tăng huyết áp mà còn tạo điều kiện cho các tổn thương ở thành mạch, làm tích tụ thêm mỡ thừa và khiến bệnh lý trở nên phức tạp hơn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy mỡ máu có thể tác động đến hệ thống renin - angiotensin - cơ chế quan trọng điều hòa huyết áp. Khi mỡ máu cao sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống này, từ đó làm mất cân bằng huyết áp.

Không chỉ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, mỡ máu cao và tăng huyết áp còn là thành phần của hội chứng chuyển hóa - yếu tố nền dẫn đến bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác.

Nguy hiểm hơn, cả hai tình trạng này thường diễn biến âm thầm không có triệu chứng rõ rệt. Người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua việc theo dõi sức khỏe định kỳ. Chính vì vậy, mỗi người đều cần chủ động phòng ngừa/điều trị từ sớm bằng cách kiểm tra huyết áp và mỡ máu thường xuyên, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện đều đặn. Trong trường hợp cần dùng thuốc, phải luôn tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn cấp cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý 4
Người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp và mỡ máu thường xuyên

Cấp cứu nhồi máu cơ tim đúng cách là yếu tố quyết định đến tính mạng của người bệnh. Nếu phát hiện các triệu chứng sớm và thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong và biến chứng sẽ giảm đi đáng kể. Hãy duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ và lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin