Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý

Quỳnh Loan

19/03/2025
Kích thước chữ

Đột quỵ thường được nhắc đến như một biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp nhưng ít ai biết rằng huyết áp thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ này. Người huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa huyết áp thấp và đột quỵ cũng như những triệu chứng quan trọng cần theo dõi để phòng tránh nguy cơ này.

Khi huyết áp giảm quá mức, não không nhận đủ máu và oxy, gây tổn thương tế bào não và có thể dẫn đến đột quỵ trong một số trường hợp. Nhiều người chủ quan với tình trạng huyết áp thấp mà không biết rằng các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi hoặc mất thăng bằng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không?

Huyết áp thấp (hạ huyết áp) có thể làm giảm lưu lượng máu đến não và trong một số trường hợp có thể dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Mặc dù không phổ biến như đột quỵ do huyết áp cao nhưng những người có huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg, huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg và huyết áp mạch tối thiểu 90mmHg có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với những người có huyết áp bình thường.

Một nghiên cứu năm 2018 đã phân tích mối liên hệ giữa hạ huyết áp tư thế đứng và nguy cơ đột quỵ, suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ. Hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra khi huyết áp giảm mạnh khi thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Các nhà nghiên cứu xác định rằng nếu huyết áp tâm thu giảm ít nhất 20 mmHg hoặc huyết áp tâm trương giảm ít nhất 10mmHg khi đứng dậy, người bệnh có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao gấp đôi so với người không bị tình trạng này.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý 1
"Huyết áp thấp có bị đột quỵ không?" là thắc mắc thường gặp của nhiều người bệnh

Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ do huyết áp thấp có sự khác biệt giữa nam và nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ đột quỵ khi huyết áp tâm thu dao động từ 120 – 129 mmHg trong khi nam giới có nguy cơ đột quỵ khi huyết áp tâm thu từ 140 – 149 mmHg. Bên cạnh đó, những người có huyết áp giảm đột ngột cũng có thể gặp cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), còn được gọi là TIA “lưu lượng thấp”. Đây là tình trạng tạm thời nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Vì sao người bị huyết áp thấp có nguy cơ đột quỵ?

Bạn đã biết người huyết áp thấp có bị đột quỵ không rồi. Vậy nguyên nhân do đâu?

Huyết áp thấp có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong hệ tuần hoàn, đặc biệt là khả năng cung cấp máu lên não. Do áp lực cần thiết để đưa máu lên não cao hơn so với các cơ quan khác nên khi huyết áp giảm, não rất dễ bị thiếu máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là trong những trường hợp huyết áp tụt đột ngột.

Thiếu máu não do huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất tập trung, khó ngủ hoặc thậm chí ngất xỉu. Nếu tình trạng này kéo dài, tế bào não có thể bị tổn thương, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhũn não, suy giảm trí nhớ hoặc teo não. Đặc biệt, khi huyết áp giảm sâu một cách đột ngột, nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao hơn.

Ngoài ra, huyết áp thấp kéo dài cũng liên quan đến nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng huyết hoặc xuất huyết tiêu hóa, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý 2
Nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao hơn khi huyết áp giảm sâu một cách đột ngột

Có nhiều nguyên nhân khiến người bị huyết áp thấp dễ gặp đột quỵ, bao gồm:

Huyết áp thấp mạn tính

Khi huyết áp duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, não không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Giảm thể tích máu

Chấn thương gây mất máu hoặc một số bệnh lý có thể làm giảm thể tích máu, dẫn đến tụt huyết áp và gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Suy tim

Khi tim suy yếu, khả năng bơm máu kém hiệu quả có thể khiến huyết áp giảm, làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Tắc nghẽn động mạch

Mảng bám trong động mạch có thể làm gián đoạn dòng chảy của máu đến não, ngay cả khi huyết áp không cao, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Mặc dù huyết áp thấp thường không được nhắc đến nhiều khi nói về nguy cơ đột quỵ nhưng thực tế, tình trạng này vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát đúng cách.

Đối tượng nào có nguy cơ bị đột quỵ do huyết áp thấp?

Huyết áp thấp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ về tim mạch hoặc mạch máu. Những người có động mạch bị hẹp hoặc mắc bệnh lý về động mạch thường dễ bị đột quỵ hơn khi huyết áp giảm xuống mức quá thấp. Điều này là do não không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết để duy trì chức năng bình thường.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý 3
Huyết áp thấp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là người mắc bệnh lý về động mạch

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng huyết áp trung bình thấp hơn bình thường, đặc biệt khi được đo trong môi trường ngoại trú, có thể liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn sau một cơn đột quỵ. Nguy cơ này càng gia tăng ở những đối tượng có các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, mất trí nhớ hoặc ung thư. Ngoài ra, những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ bị đột quỵ do huyết áp thấp cao hơn so với người không hút thuốc.

Việc kiểm soát huyết áp ở mức ổn định là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Những người có nguy cơ cao cần được theo dõi sức khỏe định kỳ và có biện pháp điều chỉnh lối sống phù hợp để duy trì huyết áp trong ngưỡng an toàn.

Triệu chứng đột quỵ do huyết áp thấp cần lưu ý

Huyết áp thấp xảy ra khi chỉ số huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này không gây ra triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi huyết áp giảm quá mức, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn, nhìn mờ, cảm giác lâng lâng hoặc suy nhược. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện các dấu hiệu như thở nhanh, thở nông, lú lẫn, mất tập trung hoặc thậm chí hôn mê. Những thay đổi bất thường về hành vi hoặc dễ bị kích động cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý 4
Huyết áp giảm quá mức gây nên triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, suy nhược

Đột quỵ do huyết áp thấp thường xảy ra đột ngột và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Các triệu chứng cảnh báo bao gồm:

  • Tê hoặc yếu một bên mặt, cánh tay hoặc chân;
  • Khó nói hoặc khó hiểu lời nói;
  • Thị lực suy giảm ở một hoặc cả hai mắt;
  • Chóng mặt nghiêm trọng;
  • Mất thăng bằng hoặc phối hợp kém;
  • Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Khi gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương não và biến chứng nguy hiểm.

Đột quỵ do huyết áp thấp có nguy hiểm không?

Đột quỵ là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người bị huyết áp thấp, dù tình trạng này không phổ biến như ở người bị cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ có tiền sử huyết áp thấp hoặc huyết áp ở mức bình thường thấp. Đáng lo ngại hơn, nhóm này có nguy cơ tử vong cao hơn do não không được cung cấp đủ máu và oxy kịp thời.

Huyết áp thấp được xem là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây đột quỵ nhưng thường bị xem nhẹ. Ước tính có đến 70% người bị huyết áp thấp không biết mình mắc bệnh, trong khi hơn 80% người bệnh chủ quan và bỏ qua các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược hoặc hoa mắt. Nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách, huyết áp thấp kéo dài có thể gây tổn thương mạch máu não, làm tăng nguy cơ nhũn não và suy giảm chức năng nhận thức.

Huyết áp thấp có bị đột quỵ không? Các triệu chứng cần lưu ý 5
Người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược hoặc hoa mắt

Mong là qua bài viết này, bạn đã biết được huyết áp thấp có bị đột quỵ không cũng như ai là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ do huyết áp thấp. Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, những người có tiền sử huyết áp thấp nên theo dõi sức khỏe thường xuyên và chú ý đến các dấu hiệu bất thường để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. 

Việc nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường và duy trì huyết áp ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ. Nếu thường xuyên gặp triệu chứng hoa mắt, chóng mặt hoặc suy nhược, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. Kiểm soát huyết áp bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt điều độ và thăm khám định kỳ là cách hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ do huyết áp thấp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin