Phân độ tăng huyết áp là gì? Nguyên nhân, cách phòng ngừa và một số lưu ý quan trọng
Thị Thu
14/04/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng và đưa ra hướng điều trị phù hợp, các bác sĩ thường dựa vào phân độ tăng huyết áp - tiêu chuẩn giúp xác định mức huyết áp của người bệnh đang ở giai đoạn nào.
Hiểu rõ phân độ tăng huyết áp không chỉ giúp người bệnh chủ động theo dõi sức khỏe mà còn hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn. Việc xác định đúng phân độ sẽ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, giảm nguy cơ biến chứng như đột quỵ, suy tim hay tổn thương thận. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu cụ thể các phân độ tăng huyết áp và những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý thường tiến triển dần theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nguy cơ như thừa cân, lớn tuổi, di truyền, ăn mặn, hút thuốc, uống rượu bia, ngủ không đủ giấc và ít vận động. Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, béo phì cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, tình trạng tăng huyết áp cũng có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp được phân loại thành:
Tăng huyết áp nguyên phát
Tăng huyết áp nguyên phát, còn gọi là tăng huyết áp vô căn, chiếm phần lớn các trường hợp và không xác định được nguyên nhân cụ thể. Tình trạng này thường tiến triển từ từ theo thời gian và phổ biến ở người lớn tuổi.
Tăng huyết áp nguyên phát chiếm phần lớn các trường hợp và không xác định được nguyên nhân cụ thể
Bệnh có xu hướng di truyền, đặc biệt ở những người có người thân mắc cùng tình trạng, nhất là khi đi kèm với tiểu đường. Một số yếu tố dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm ăn quá mặn, hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, thừa cân, căng thẳng kéo dài, mất ngủ và hội chứng chuyển hóa.
Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp cao do một nguyên nhân xác định, chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 5%). Khác với tăng huyết áp nguyên phát, loại này thường khởi phát nhanh và chỉ số huyết áp thường cao hơn rõ rệt.
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát gồm:
Các bệnh lý về thận như suy thận cấp/mạn, hẹp động mạch thận.
Rối loạn nội tiết như u tủy thượng thận, cường aldosteron, hội chứng Cushing, cường giáp.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai, corticoid, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
Các tình trạng như ngưng thở khi ngủ, tiền sản giật.
Ngoài ra, một số người có thể tăng huyết áp tạm thời khi đo tại cơ sở y tế do lo lắng, nhưng lại có chỉ số bình thường khi ở nhà, hiện tượng này gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng.
Bệnh thận là một trong những nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát
Phân độ tăng huyết áp
Ngưỡng xác định tăng huyết áp có thể khác nhau đôi chút tùy phương pháp đo, nhưng nếu đo đúng kỹ thuật bởi nhân viên y tế, người bệnh sẽ được phân độ tăng huyết áp như sau:
Huyết áp tối ưu: Tâm thu < 120 mmHg và tâm trương < 80 mmHg.
Huyết áp bình thường: Tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc tâm trương 80-84 mmHg.
Tiền tăng huyết áp: Tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc tâm trương 85-89 mmHg.
Tăng huyết áp độ 1: Tâm trương 90-99 mmHg và/hoặc tâm thu 140-159 mmHg.
Tăng huyết áp độ 2: Tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc tâm trương 100-109 mmHg.
Tăng huyết áp độ 3: Tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc tâm trương ≥ 110 mmHg.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Tâm thu ≥ 140 mmHg và tâm trương < 90 mmHg.
Nếu hai trị số huyết áp không cùng phân độ, bác sĩ sẽ lấy mức cao hơn để đánh giá tình trạng. Với tăng huyết áp tâm thu đơn độc, việc phân cấp cũng dựa theo mức độ tăng của chỉ số tâm thu.
Theo Hướng dẫn ESC 2024, phân độ tăng huyết áp được xác định không chỉ dựa trên huyết áp đo tại phòng khám mà còn bao gồm huyết áp đo tại nhà và huyết áp lưu động (ABPM - ambulatory blood pressure monitoring), nhằm đánh giá toàn diện hơn tình trạng huyết áp của người bệnh. Ba mức phân loại chính bao gồm: Không tăng huyết áp, huyết áp tăng và tăng huyết áp.
Cụ thể, người được xem là không tăng huyết áp khi huyết áp đo tại phòng khám < 120/70 mmHg, huyết áp tại nhà < 120/70 mmHg, ABPM ban ngày < 120/70 mmHg, ABPM 24 giờ < 115/65 mmHg, và ABPM ban đêm < 110/60 mmHg.
Huyết áp tăng được xác định khi trị số huyết áp rơi vào khoảng từ 120/70 đến dưới 140/90 mmHg tại phòng khám; từ 120/70 đến dưới 135/85 mmHg khi đo tại nhà hoặc đo lưu động ban ngày; từ 115/65 đến dưới 130/80 mmHg trong ABPM 24 giờ; và từ 110/60 đến dưới 120/70 mmHg trong ABPM ban đêm.
Ngưỡng để chẩn đoán tăng huyết áp là khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg tại phòng khám, ≥ 135/85 mmHg khi đo tại nhà hoặc ABPM ban ngày, ≥ 130/80 mmHg trong ABPM 24 giờ và ≥ 120/70 mmHg trong ABPM ban đêm.
Phân độ tăng huyết áp được quy định theo Bộ y tế
Các cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Phần lớn trường hợp tăng huyết áp có thể phòng ngừa được thông qua việc duy trì lối sống lành mạnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng can thiệp sớm vào thói quen sinh hoạt hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả lâu dài trong việc kiểm soát huyết áp và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Dưới đây là những khuyến nghị cụ thể để phòng ngừa tăng huyết áp:
Thiết lập chế độ ăn uống hợp lý: Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá và sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế chất béo bão hòa, thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều muối natri. Chế độ ăn kiểu DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) đã được chứng minh hiệu quả trong việc làm giảm huyết áp.
Duy trì vận động thể chất đều đặn: Khuyến cáo nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần. Các hình thức vận động như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc yoga đều mang lại lợi ích cho tim mạch.
Kiểm soát cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì có thể giúp hạ huyết áp đáng kể. Mỗi 1 kg giảm có thể giúp giảm trung bình 1 mmHg huyết áp tâm thu.
Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá: Uống rượu ở mức vừa phải hoặc kiêng hoàn toàn. Ngưng hút thuốc lá giúp cải thiện chức năng mạch máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch đi kèm.
Quản lý căng thẳng và duy trì tâm lý ổn định: Các biện pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu, hoặc tham gia các hoạt động yêu thích có thể giúp ổn định huyết áp và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Khám sức khỏe định kỳ: Theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt ở người có yếu tố nguy cơ (tiền sử gia đình, tuổi cao, béo phì,…). Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các tình trạng như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa tăng huyết áp
Lưu ý quan trọng với bệnh nhân tăng huyết áp
Phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả có thể giảm đến 40% nguy cơ đột quỵ và 35% nguy cơ suy tim. Vì vậy, bệnh nhân cần nắm những lưu ý quan trọng sau đây:
Hạn chế muối trong khẩu phần ăn: Người cao huyết áp nên ăn nhạt để tránh làm tăng natri trong máu. Ăn mặn khiến cơ thể giữ nước, làm tăng khối lượng máu và áp lực lên thành mạch, từ đó làm huyết áp tăng cao. Ngoài ra, muối nhiều còn khiến thuốc huyết áp kém hiệu quả hơn.
Không tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc: Tự ý ngưng hoặc điều chỉnh thuốc có thể làm huyết áp tăng vọt, dẫn đến tai biến. Ngược lại, uống thuốc quá liều cũng nguy hiểm. Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu gặp tác dụng phụ thì nên khám lại để được điều chỉnh thuốc phù hợp.
Tránh gắng sức đột ngột: Người bị cao huyết áp không nên khiêng vác nặng hay tập luyện quá sức vì có thể khiến tim làm việc quá tải, làm huyết áp tăng nhanh đột ngột. Hãy lựa chọn các hoạt động nhẹ nhàng và tăng cường vận động phù hợp với sức khỏe.
Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột: Người cao huyết áp nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt ở đầu, cổ, bàn chân. Tránh tắm ngay sau khi ra mồ hôi hoặc từ phòng ấm ra ngoài lạnh, vì dễ gây tai biến, nhồi máu cơ tim.
Duy trì tập thể dục đều đặn: Tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội hay yoga giúp kiểm soát huyết áp, giữ cân nặng ổn định và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng, stress kéo dài có thể làm huyết áp tăng cao. Hãy thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý và tránh thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, thức khuya.
Ăn uống khoa học: Ưu tiên rau xanh, trái cây, cá, gạo lứt. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, đồ chiên, nướng. Nên ăn luộc, hấp, kho nhạt để tốt cho tim mạch.
Cảnh giác với dấu hiệu nguy hiểm: Nếu có cảm giác đau tức ngực lan ra tay, lưng, hàm, kèm tim đập nhanh, vã mồ hôi,… rất có thể là dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Trường hợp méo miệng, tê yếu nửa người, nói không rõ có thể là tai biến mạch máu não. Đau bụng dữ dội kèm tụt huyết áp có thể liên quan đến vỡ phình động mạch. Khi gặp các dấu hiệu này, cần gọi cấp cứu 115 ngay, để bệnh nhân nằm nơi thoáng khí và không tự ý di chuyển.
Tự theo dõi huyết áp tại nhà: Trang bị máy đo huyết áp và đo đúng cách vào sáng sớm trước khi uống thuốc và buổi tối trước khi ngủ. Ghi lại kết quả đều đặn để theo dõi và cung cấp cho bác sĩ khi cần.
Sẵn sàng liên hệ y tế: Gia đình có người bị tim mạch nên lưu số bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện gần nhất để liên hệ khi cần. Không nên để người cao tuổi bị tăng huyết áp ở một mình, đặc biệt vào ban đêm để kịp xử lý nếu xảy ra tình huống khẩn cấp.
Tự theo dõi huyết áp tại nhà là một trong những lưu ý quan trọng dành cho người tăng huyết áp
Việc theo dõi và kiểm soát huyết áp là yếu tố then chốt trong phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm. Hiểu rõ phân độ tăng huyết áp sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc điều chỉnh lối sống, dùng thuốc đúng cách và thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.